MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ACB sẽ giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng trong năm nay

10-04-2017 - 17:32 PM | Tài chính - ngân hàng

Ông Nguyễn Văn Dũng – Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát NHNN Chi nhánh TP HCM cho biết ACB đang đi đúng mục tiêu, lộ trình xử lý nợ liên quan nhóm 6 công ty, xử lý nợ Vinalines, Vinashin và xử lý chéo và nợ liên ngân hàng. Đặc biệt ACB đã xử lý dứt điểm vấn đề sở hữu chéo.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 diễn ra sáng nay (10/4), ông Nguyễn Văn Dũng – Cục trưởng Cục thanh tra giám sát NHNN-TPHCM đã chỉ ra 4 điểm sáng của ACB.

Thứ nhất, về tình hình hoạt động năm qua của ACB, Ngân hàng có các chỉ tiêu hoạt động cho vay, huy động, lợi nhuận tăng trưởng tích cực, trong đó tăng trưởng tín dụng cao hơn bình quân các ngân hàng tại TPHCM.

Thứ hai, hệ số an toàn cũng trên mức quy định ở mức khá xa, đáp ứng được tiêu chí về thanh khoản, chứng tỏ rất chú trọng đến vấn đề an toàn trong hoạt động

Thứ ba, ACB đã xử lý nợ xấu tốt. Tỷ lệ nợ xấu về cuối 2016 là 0,88%; nợ nhóm 1 và 2 là 1,44%. Đặc biệt, ACB đã chú trọng yếu tố bền vững đi kèm xử lý nợ xấu là phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, quỹ dự phòng rủi ro của ACB ở mức 127% so với quy mô tổng nợ xấu. Ngân hàng đã “trích lập dự phòng rất ăn chắc mặc bền”, trong đó tập trung xử lý nợ xấu cũ tồn đọng và ngăn chặn, hạn chế phát sinh nợ xấu mới.

Cuối cùng, về hoạt động tái cơ cấu, ACB cũng đã cơ bản hoàn thành theo lộ trình, trong đó đã kết thúc giai đoạn 2012-2015. Hướng xử lý tiếp theo của ACB là phải chuyển những gì chưa làm được trong 2015 và đưa tiếp vào giai đoạn mới.

"ACB đang đi đúng mục tiêu, lộ trình xử lý nợ liên quan nhóm 6 công ty, xử lý nợ Vinalines, Vinashin và xử lý chéo và nợ liên ngân hàng. Đặc biệt ACB đã xử lý dứt điểm vấn đề sở hữu chéo. Các nhóm liên quan nợ xấu tồn đọng, nợ liên ngân hàng. Vừa qua, ACB đã xin phép xử lý trước thời hạn, đây là động thái tích cực trong quá trình tái cơ cấu", ông Dũng khẳng định.

Cũng theo vị đại diện NHNN, trong bối cảnh hiện nay lợi nhuận cao chưa hẳn là tốt mà quan trọng là lợi nhuận thực sự, lợi nhuận bền vững. Để có được điều này cần phải phân loại nợ xấu đúng với quy định, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ.

Về vấn đề cổ tức, theo ông Dũng tới đây sẽ còn nhiều ngân hàng tổ chức ĐHĐCĐ, có nhiều ngân hàng chia cổ tức cao 5-7% thậm chí lại có ngân hàng 4- 5 năm không chia cổ tức thì ACB năm qua lại chia 10%. Về yếu tố bền vững, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, tương lai sẽ mang lại giá trị cao hơn nhiều cho cổ đông. NHNN cũng khuyến khích các TCTD sau khi trích lập dự phòng chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Liên quan đến luật hóa tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, ông Dũng cho hay đây là vấn đề chung của cả nền kinh tế. Bản thân nợ xấu cần lộ trình và cơ chế chính sách mới xử lý được. Các ngân hàng cần đi chậm, chắc, đúng mục tiêu.

Về kế hoạch năm 2017, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng 18% và mức kế hoạch này ở ACB là 16%, ông Dũng cho biết trong quy mô hiện nay có tỷ lệ cho vay chiếm khoảng 80% vốn huy động thì mức tăng trưởng 16% của ACB sẽ đạt con số tuyệt đối khá lớn. ACB cũng có thể xin NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tùy theo tình hình thực tế.

Đặc biệt, các chỉ tiêu tăng trưởng cho vay, huy động của ACB trong năm 2017 thấp hơn kết quả đã đạt trong năm 2016 nhưng tăng trưởng lợi nhuận cao hơn năm trước, ông Dũng tin rằng ACB sẽ đạt được kế hoạch này trong năm 2017 vì đã có tính đến các yếu tố nội tại hoạt động của ngân hàng.

Trước đó, phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB - ông Trần Hùng Huy cho biết với sự phát triển của nền kinh tế công nghệ số, mục tiêu chiến lược năm 2017, ACB sẽ đẩy mạnh các sản phẩm công nghệ số hiệu quả hơn cho khách hàng, gia tăng thị phần, xử lý dứt điểm các tồn đọng trong quá khứ...

Theo ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB, để đạt được kế hoạch đề ra cho năm 2017, ÃCB sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, song song đó sẽ chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn theo hướng tăng tỷ trọng nguồn vốn giá thấp, cải thiện thu nhập phí từ hoạt động dịch vụ, nhất là dịch vụ ngân hàng điện tử, tập trung xử lý, thu hồi nợ xấu...

Cùng với đó, ACB đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Ông Toàn cho biết, liên quan đến các khoản nợ của nhóm 6 công ty liên quan bầu Kiên, đến nay nợ xấu sau trích lập dự phòng là 1.500 tỷ đồng. Trong năm 2016, ngân hàng đã thu nợ được 3.000 tỷ và trích lập 1.115 tỷ đồng. Theo lộ trình năm nay, ngân hàng sẽ tích cực thu nợ chưa trích lập dự phòng, đối với nợ đã trích lập thì sẽ xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi dứt điểm.

Theo thông tin từ ban lãnh đạo ACB, thời điểm 31/12/2015, tổng nợ xấu của nhóm 6 công ty liên quan đến Bầu Kiên là gần 5.800 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay gần 1.900 tỷ, số dư trái phiếu 2.700 tỷ đồng và các khoản phải thu khác gần 1.200 tỷ.

Theo lộ trình thu hồi nợ đã được phê duyệt năm 2015, các số dư của nhóm 6 công ty sẽ được thu hồi hàng năm, với số tiền lần lượt 814 tỷ, 2.200 tỷ, 1.816 tỷ và 1.000 tỷ đồng bắt đầu từ năm 2015, kết thúc vào 2018. Tuy nhiên, với kết quả hiện nay, khả năng khoản nợ sẽ được xử lý xong vào năm 2017.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên