ADB thay đổi dự báo tăng trưởng GDP khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được đánh giá ra sao so với các nước trong khu vực?
Trong báo cáo vừa được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố, các chuyên gia phân tích cho biết, tăng trưởng kinh tế của châu Á và Thái Bình Dương sẽ vẫn ổn định trong năm nay và năm sau, nhưng dự kiến những thay đổi chính sách của Hoa Kỳ trong chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump có khả năng tác động tới triển vọng dài hạn của khu vực.
Cụ thể, những thay đổi trong chính sách thương mại, tài khóa và nhập cư của Hoa Kỳ có thể làm giảm tăng trưởng và gia tăng lạm phát ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển. Các chuyên gia cho rằng, những thay đổi chính sách quan trọng này dự kiến sẽ mất thời gian và được triển khai dần dần, nên tác động đối với khu vực nhiều khả năng sẽ diễn ra từ năm 2026.
Theo dự báo của ADB, các nền kinh tế đang phát triển của châu Á và Thái Bình Dương dự kiế tăng trưởng 4,9% vào năm 2024, thấp hơn một chút so với dự báo 5,0% của ADB hồi tháng 9.
Dự báo tăng trưởng năm 2025 giảm từ 4,9% xuống còn 4,8%, chủ yếu do triển vọng yếu hơn của nhu cầu trong nước ở Nam Á. Dự báo lạm phát của khu vực giảm từ 2,8% xuống 2,7% trong năm nay và giảm từ 2,9% xuống 2,6% vào năm tới, một phần là do giá dầu dự kiến sẽ giảm nhẹ.
"Nhu cầu trong nước và xuất khẩu tổng thể mạnh mẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực này. Tuy nhiên, những chính sách dự kiến được chính quyền mới của Hoa Kỳ triển khai có thể làm chậm đà tăng trưởng và thúc đẩy lạm phát ở mức độ nhất định tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), nhiều khả năng diễn ra sau năm tới, đồng thời tác động tới các nền kinh tế khác ở châu Á và Thái Bình Dương", Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park nhận định.
Theo kịch bản rủi ro cao, ADB dự báo những thay đổi chính sách mạnh mẽ của Hoa Kỳ có thể làm giảm nhẹ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bốn năm tới ở mức lũy kế 0,5 điểm phần trăm. Thuế quan trên diện rộng có thể ảnh hưởng tới thương mại và đầu tư quốc tế, dẫn tới sự dịch chuyển sang sản xuất trong nước tốn kém hơn.
Đồng thời, việc siết chặt nhập cư có thể làm giảm nguồn cung lao động của Hoa Kỳ. Kết hợp với lập trường chính sách tài khóa có khả năng mở rộng hơn dưới thời chính quyền Trump sắp tới, thuế quan và giảm nhập cư có thể khơi lại áp lực lạm phát tại Hoa Kỳ.
Bất chấp quy mô của những thay đổi chính sách dự kiến của Hoa Kỳ, đặc biệt về thuế quan, tác động đối với châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển là hạn chế theo kịch bản rủi ro cao này. Ngay cả khi không có hỗ trợ chính sách bổ sung, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc có thể chỉ giảm trung bình 0,3 điểm phần trăm mỗi năm cho tới năm 2028.
Tác động lan tỏa tiêu cực trên toàn khu vực, thông qua thương mại và các liên kết khác, có khả năng sẽ được bù đắp bằng việc chuyển hướng thương mại và dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nền kinh tế khác.
Trong ngắn hạn, triển vọng của hầu hết các nền kinh tế trong khu vực vẫn tương đối ổn định. Dự báo tăng trưởng cho Trung Quốc được giữ nguyên ở mức 4,8% trong năm nay và 4,5% vào năm tới. Triển vọng của Ấn Độ được điều chỉnh giảm từ 7,0% xuống còn 6,5% trong năm nay và từ 7,2% xuống 7,0% vào năm tới, do tăng trưởng đầu tư tư nhân và nhu cầu nhà ở thấp hơn dự kiến.
Triển vọng tăng trưởng của Đông Nam Á trong năm nay được nâng lên 4,7% từ mức dự báo 4,5% trước đó, nhờ xuất khẩu hàng chế tạo và chi tiêu đầu tư công mạnh hơn. Dự báo cho năm 2025 được giữ nguyên ở mức 4,7%.
Các chuyên gia ADB nhận định, tăng trưởng đã cải thiện ở Malaysia, Thái Lan, Singapore và Việt Nam, được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa, lạm phát giảm và đầu tư công bền vững. Trong khi Việt Nam chứng kiến sự gia tăng đầu tư nước ngoài, các nền kinh tế Đông Nam Á khác như Indonesia và Philippines đang trên đà đạt được các dự báo tăng trưởng trước đó.
Đối với Việt Nam, tăng trưởng GDP được điều chỉnh lên mức 6,4% so với dự báo trước đây là 6,0% trong năm 2024; và lên mức 6,6% so với mức 6.2% trong năm 2025. Với mức dự báo này, Việt Nam sẽ là nền kinh tế ghi nhận tăng trưởng GDP cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Theo ADB, Hiệu quả thương mại mạnh mẽ, sự phục hồi trong sản xuất theo định hướng xuất khẩu, và các biện pháp kích thích tài khóa đang diễn ra đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6,8% trong 3 quý đầu năm 2024 và được dự báo sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng GDP.
"Việc đầu tư công được đẩy nhanh cùng với các chính sách tài khóa và tiền tệ thích ứng được kỳ vọng sẽ kích thích thêm nhu cầu nội địa. Mặc dù bão Yagi đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng ở nhiều khu vực của đất nước, nhưng phản ứng nhanh chóng của chính phủ và các nỗ lực phục hồi đã hạn chế tác động đến tăng trưởng", báo cáo nhận định.
"Trong bối cảnh các khó khăn bên ngoài gia tăng, đẩy mạnh đầu tư công và những chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ là các biện pháp cần thiết để kích thích hơn nữa cầu nội địa", báo cáo của ADB đánh giá.
Ngoài sự không chắc chắn xung quanh những thay đổi chính sách của Hoa Kỳ, rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng và lạm phát của châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển bao gồm căng thẳng địa chính trị leo thang cũng như tính dễ đổ vỡ của thị trường bất động sản tiếp diễn ở Trung Quốc.
Nhịp sống thị trường