Afghanistan đối mặt "thảm họa tuyệt đối"
Ngoài rủi ro an ninh, một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu lúc này là tìm điểm đến cho làn sóng người tị nạn đang được đưa ra khỏi Afghanistan
- 21-08-2021Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tiết lộ sự thật “không như mơ” ở Afghanistan
- 20-08-2021Afghanistan sau ngày định mệnh: Mỹ đang đau đầu, nhưng "cơn ốm sốt" của Trung Quốc có thể cũng sắp đến
- 20-08-202120 năm "dã tràng" ở Afghanistan
Liên Hiệp Quốc ngày 22-8 cảnh báo Afghanistan đang đối mặt với một "thảm họa tuyệt đối" liên quan đến nạn đói, vô gia cư diện rộng và kinh tế sụp đổ nếu không được viện trợ nhân đạo khẩn cấp.
Theo bà Mary-Ellen McGroarty, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan, nỗ lực này cần được cộng đồng quốc tế chung tay triển khai tức thì. Nếu không, "tình hình vốn đã nghiêm trọng sẽ trở thành một thảm họa tuyệt đối, một khủng hoảng nhân đạo toàn diện".
"Trì hoãn thêm 6 hoặc 7 tuần, mọi chuyện sẽ trở nên quá trễ. Người dân Afghanistan không còn gì. Chúng ta phải tiếp tế lương thực ngay bây giờ và phân phối cho các cộng đồng dân cư ở các tỉnh, trước khi đường sá bị tắc do tuyết" - bà McGroarty nhấn mạnh.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Anh thông báo 7 thường dân Afghanistan đã thiệt mạng trong cảnh hỗn loạn gần sân bay Kabul, nơi tình hình vẫn đang "vô cùng phức tạp". Những nhân vật có ảnh hưởng ở thủ đô Kabul đã cảnh báo rằng tình hình hỗn loạn hiện tại đang kết hợp với hạn hán, tình trạng sơ tán diện rộng và tê liệt kinh tế, tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn, đòi hỏi cộng đồng quốc tế hành động tức thì.
Binh sĩ Mỹ hỗ trợ chiến dịch sơ tán tại sân bay quốc tế Hamid Karzai, thủ đô Kabul - Afghanistan ngày 20-8. Ảnh: REUTERS
Thông báo trên được đưa ra 1 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Bismillah Mohammadi, người cam kết chiến đấu đến cùng với phong trào Taliban, tuyên bố lực lượng chống Taliban đã giành lại quyền kiểm soát các quận Deh Saleh, Bano và Pul-Hesar ở phía Bắc thung lũng Panjshir - điểm tập hợp của các lực lượng chính phủ và dân quân địa phương còn sót lại.
Một tài khoản mạng xã hội Twitter ủng hộ Taliban xác nhận đợt giao tranh nổ ra vào ngày 20-8 nêu trên đã cướp đi sinh mạng của 15 tay súng Taliban. Khẳng định Taliban đã bị phản bội sau khi ban bố lệnh ân xá cho người dân địa phương, tài khoản này nhấn mạnh: "Tất cả những kẻ phạm tội này phải chết. Cánh cửa đàm phán đã đóng lại".
Một tuần sau khi Taliban chiếm quyền kiểm soát Kabul và tuyên bố cuộc chiến ở Afghanistan đã kết thúc, người đồng sáng lập Taliban Abdul Ghani Baradar có mặt tại thành phố này vào ngày 21-8 để đàm phán với giới lãnh đạo, trong đó có cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, về vấn đề thành lập chính phủ mới. Taliban đang chuẩn bị một mô hình mới để lãnh đạo Afghanistan, một quan chức giấu tên của Taliban tiết lộ, đồng thời cho biết cấu trúc chính phủ mới sẽ không bao gồm các khái niệm dân chủ của phương Tây nhưng sẽ "bảo vệ quyền lợi của mọi công dân".
Cuộc họp trên diễn ra trong bối cảnh nỗ lực sơ tán đối mặt với thách thức mới liên quan đến Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Theo một quan chức giấu tên của Mỹ, lời đe dọa tấn công dân thường ở Kabul từ các phần tử khủng bố IS là một mối đe dọa nghiêm trọng, khiến kế hoạch sơ tán của Mỹ thêm phần phức tạp.
Mỹ và Đức đã kêu gọi công dân của họ ở Afghanistan tránh di chuyển đến sân bay Kabul, viện dẫn rủi ro an ninh trong lúc hàng ngàn người tập trung chờ sơ tán. Reuters ngày 22-8 dẫn thông tin từ các nhân chứng cho biết Taliban đã áp đặt một số quy định quanh sân bay Kabul, bảo đảm người dân xếp hàng trật tự bên ngoài các cổng chính để tránh tình trạng chen lấn, bạo lực.
Ngoài rủi ro an ninh, một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu lúc này là tìm điểm đến cho làn sóng người tị nạn đang được đưa ra khỏi Afghanistan. Sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, chính phủ Tây Ban Nha ngày 22-8 cho biết 2 nhà lãnh đạo đã nhất trí sử dụng căn cứ quân sự Moron de la Frontera gần TP Seville và căn cứ quân sự Rota gần TP Cadiz (đều ở Tây Ban Nha) cho người tị nạn Afghanistan đến khi lịch trình di chuyển của họ tới nước khác được sắp xếp.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 21-8 đã khẳng định trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel: "Không thể tránh khỏi làn sóng di cư mới nếu không có các biện pháp cần thiết ở Afghanistan và Iran. Vì đã tiếp nhận 5 triệu người di cư nên Thổ Nhĩ Kỳ hiện không thể đón nhận thêm nữa".
Người Lao động