MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Agribank sắp bán đấu giá tài sản triệu USD

27-10-2017 - 10:13 AM | Tài chính - ngân hàng

Agribank thông báo bán đấu giá tài sản tại Phú Thọ với giá khởi điểm 960.000 USD và một tài sản khác giá khởi điểm 1,15 triệu USD.

Từ khi thực hiện xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vẫn là ngân hàng tiên phong nhất trong việc bán thanh lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu. Khác với các ngân hàng thi thoảng mới có thông báo về bán tài sản thì Agribank lại thông báo rất thường xuyên, liên tục cập nhật các tài sản mới.

Các tài sản của ngân hàng đưa ra bán đấu giá thường có giá trị khá lớn, có tài sản vài tỷ, có tài sản cả trăm tỷ đồng. Mới đây ngày 23/10, ngân hàng này thông báo bán đấu giá tài sản tại chi nhánh Phú Thọ, trong đó có 2 tài sản được niêm yết bằng USD với giá khởi điểm trên dưới triệu USD.

Cụ thể là tài sản là Nhà xưởng và các công trình phụ trợ, máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, lắp ráp ti vi, máy vi tính của Công ty TNHH Hasvi, tại Cụm công nghiệp Đồng Lạng, huyện Phù Ninh, Phú Thọ được ngân hàng công bố giá khởi điểm tài sản trên đất là 960.000 USD (quy ra khoảng hơn 21 tỷ đồng).

Hay một tài sản khác là Toàn bộ công trình kiến trúc trên đất và dây truyền máy móc thiết bị sản xuất bột đá siêu mịn, công trình đường dây 35KV và trạm biến áp 1000KVA của Công ty TNHH Nanokovi tại Cụm công nghiệp Đồng Lạng, xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, Phú Thọ được chào giá khởi điểm tài sản trên đất là 1,15 triệu USD (khoảng 25,8 tỷ đồng).

Đáng lưu ý, đây là 2 tài sản ngân hàng đã chào bán đấu giá từ năm ngoái nhưng chưa thành công. Hồi tháng 6/2016, tài sản tại công ty Hasvi được chào giá 1,1 triệu USD trong khi tài sản của công ty Nanokovi được chào ở mức 1,02 triệu USD.

Theo quy định hiện hành, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hay điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú tại Việt Nam bị cấm thực hiện bằng ngoại hối.

Nhưng riêng lĩnh vực ngân hàng, các tổ chức tín dụng (TCTD) phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối được giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận bằng ngoại hối trong phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối đã được NHNN Việt Nam cho phép.

Ngọc Thảo

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên