MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai giám sát quy hoạch?

09-07-2022 - 09:50 AM | Bất động sản

Kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng mới đây chỉ là một phần của tảng băng chìm về các vấn đề quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng tại TP.Hà Nội…


Đây là chia sẻ của GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường với DĐDN.

Ai giám sát quy hoạch? - Ảnh 1.

Vừa qua, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr về việc Thanh tra Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, chủ đầu tư dự án, công trình, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương , Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

- Thưa Giáo sư, Kết luận thanh tra nêu trên của Bộ Xây dựng vừa mới công bố đã làm nóng dư luận, đặc biệt là việc không đảm bảo quy chuẩn xây dựng tại hai bên tuyến đường Lê Văn Lương. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Hồi khứ lịch sử, kể từ khi Hà Nội "phát triển", đặc biệt là khi xuất hiện "mấy nhà cao tầng kiểu Tây" như nhà hàng Cá Mập ở Bờ Hồ hay trước đó là sự xuất hiện Hà Nội Tower, khách sạn Melia… đã biến Hà Nội cũ đang đẹp bỗng chốc trông “không ra làm sao”. Gần đây thì ngoài biểu hiện sự lạc lõng về mặt kiến trúc còn có biểu hiện về mất cân đối dân cư.

Tức là cứ có đất trống là "trồng" nhà chung cư lên đó, thậm chí không đủ điều kiện về môi trường, hạ tầng vẫn cứ xây làm cho những khu đó trở nên rất chật chội về mặt quy hoạch. Hà Nội từ xưa đến nay đều có quy hoạch nhưng quy hoạch ấy bị điều chỉnh (phá vỡ) thường xuyên theo nhu cầu của nhà đầu tư. Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng lúc đầu tòa này, khu vực này chỉ được quy hoạch xây các toà nhà dưới 10 tầng, nhưng về sau được cấp phép 20 tầng thậm chí lên 30 tầng… Tất cả những cái đó khiến không giữ được nguyên trạng quy hoạch ban đầu với những ý tưởng đẹp đẽ. Nó bị điều chỉnh liên tục.

Hệ quả là tình trạng lạc lõng kiến trúc, mất cân đối về sức tải về không gian (dân cư quá lớn, hạ tầng không chịu được, vấn đề môi trường không được giải quyết, kể cả chuyện quản lý dân cư với số lượng lớn, quản lý không tốt dẫn đến tình trạng mất an toàn, an ninh). Đấy là thực trạng của Hà Nội hiện nay, đặc biệt là tình trạng tắc đường.

Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Hệ lụy từ “cánh rừng cao ốc”

Ai giám sát quy hoạch? - Ảnh 2.

Việc điều chỉnh quy hoạch không đảm bảo quy chuẩn xây dựng khiến tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Phạm Hưng


- Như vậy, nguyên nhân chính dẫn đến việc “lộn xộn” trong quy hoạch tại Hà Nội hiện nay là do việc “điều chỉnh quy hoạch”, thưa ông?

Theo quy định pháp luật, quy hoạch được phép điều chỉnh nhưng “phải có điều kiện”. Phải xem xét nội dung điều chỉnh có đúng hay không. Đại đa số các tồn tại hiện nay là điều chỉnh nhưng lại ở trạng thái ngược với bản quy hoạch đầu tiên.

Ví dụ bản quy hoạch đầu tiên có các tiêu chuẩn như cây xanh chiếm bao nhiêu phần trăm – nhưng điều chỉnh xong thì cắt hết cây xanh đi. Như Kết luận thanh tra chỉ rõ “quy định tỷ lệ đất tối thiểu trồng cây xanh cho các lô đất xây dựng nhà ở chung cư là 20%. Tuy nhiên, có 12/17 dự án được thanh tra không bố trí đất cây xanh...”. Điều chỉnh như thế là sai. Hay quy hoạch đầu tiên có quy định bao nhiêu dân xây dựng một trường học. Căn cứ vào mật độ dân cư dự kiến, trường sẽ xây bao nhiêu lớp, mỗi học sinh có bao m2 đất… Tất cả những cái đó phải đạt chuẩn về quy hoạch. Khi anh điều chỉnh mà xoá hết chuẩn của nó đi thì là anh điều chỉnh sai.

Trong khi đó, hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát của chúng ta vận hành không tốt, thành ra những sai phạm tiếp tục xảy ra. Song song với đó, hệ thống thanh tra, kiểm tra phải thường kỳ. Kể cả việc cấp dưới bị sai thì cấp trên cũng phải chịu trách nhiệm, không thể vô can. Bởi vì anh có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra mà không làm, chứng tỏ đó là trách nhiệm của anh.

Ví dụ ở Trung Quốc, một cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì cấp trên mới có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch. Và chỉ được điều chỉnh khi có các chứng cứ rõ ràng theo pháp luật quy định. Tức là phải có lý do thuyết phục và theo đúng quy định của pháp luật chứ không phải có thẩm quyền thì ký điều chỉnh đại.

- Ông có thể đưa ra giải pháp để ngăn tình trạng này?

Việc đầu tiên là phải làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân theo kết luận thanh tra tại trục đường Lê Văn Lương, phải xử lý nghiêm để răn đe. Trách nhiệm trong kết luận thanh tra mới chỉ ra chung chung. Do đó, cần thiết hơn nữa là phải có chương trình giám sát nghiêm và Thanh tra Chính phủ vào cuộc, nếu có sai phạm, dấu hiệu hình sự thì phải chuyển cơ quan điều tra của Bộ Công an làm rõ.

Đối với các quy hoạch, cần phải rà soát thậm chí tính toán kỹ lưỡng sao cho kiến trúc phù hợp với những tòa chung cư có số tầng, mật độ dân cư phù hợp, hạ tầng không chỉ là đường xá điện nước mà còn là cả vấn đề môi trường, xã hội, trường học,... chuẩn để ra một quy hoạch chi tiết cố định cho Hà Nội.

Quy hoạch ấy chỉ được điều chỉnh khi thực sự cần thiết, khi ảnh hưởng đến đất nước, đến Thành phố chứ đừng nghe nhà đầu tư thỉnh cầu “cái này, cái kia” mà điều chỉnh. Khi ra được quy hoạch chi tiết rồi thì hãy tôn trọng, giữ, quản lý nó chứ đừng nghĩ đến việc thay đổi ở những nhiệm kỳ tiếp theo. Tôi tin rằng chúng ta làm được và đã làm được. Chỉ có "bệnh" của chúng ta là hay điều chỉnh chứ cái gốc là làm quy hoạch tốt, chứ không phải không tốt.

Ngoài ra, quy hoạch đó phải mở, công khai hoàn toàn để người dân biết, hiểu và tham gia giám sát. Đây là điều kiện quan trọng vì không có cơ quan nhà nước nào có thể kiểm tra hết được mà chỉ khi có sự tham gia giám sát của người dân thì mới thấy chỗ nào sai, trái hay không đúng.

Để làm được điều này, lại là câu chuyện quản lý thực thi - liên quan đến con người. Theo đó, một bộ máy dựa trên thân hữu phải loại bỏ, tạo lập bộ máy kỷ cương hành chính. Phải gạt bỏ nền hành chính dựa trên thân hữu thì chúng ta mới có thể loại bỏ bất cập trong quy hoạch.

- Xin cảm ơn ông!


Theo Nguyễn Giang

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên