Ám ảnh dự án “treo”
Trên địa bàn cả nước, ở nhiều tỉnh tồn tại nhiều dự án treo làm lãng phí ngân sách nhà nước, nguồn lực của địa phương, gây bức xúc trong nhân dân.
Quảng Ngãi: Nhiều dự án ách tắc với đủ lý do
Trong nhiều dự án đang “giậm chân tại chỗ” từ 5 đến 10 năm nay tại Quảng Ngãi, đáng kể là 3 dự án trọng điểm tại huyện đảo tiền tiêu Lý Sơn.
Dự án vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn (nằm ở phía đông huyện đảo), được triển khai từ năm 2004, nhưng đến nay đã gần 18 năm vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2010, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với diện tích đất sử dụng 43,6 ha, trong đó quy mô vũng neo đậu 21,6 ha; tổng kinh phí hơn 400 tỷ đồng (vốn Trung ương bố trí theo chương trình mục tiêu khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá hơn 399 tỷ đồng).
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang, quy định của các luật chuyên ngành (Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Lâm nghiệp...) chưa đồng bộ, một số quy định chưa thống nhất, còn có sự chồng chéo dẫn đến khó khăn, bất cập trong việc xem xét, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, giao đất.
Dự án do ban quản lý (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do sự yếu kém trong quá trình hoạt động, nên vào đầu năm 2021, tỉnh đã sáp nhập ban này và giao dự án trên cho BQL Dự án Đầu tư xây dựng các công trình Giao thông tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Theo UBND huyện Lý Sơn, trong vùng thực hiện dự án này có 55 trường hợp lấn chiếm đất. Đến nay, huyện đã vận động được 39/55 trường hợp bàn giao mặt bằng, còn 16 trường hợp chưa đồng tình.
Dự án Trung tâm Y tế Quân-Dân y kết hợp huyện Lý Sơn có tổng mức đầu tư 287 tỷ đồng, diện tích xây dựng 16.000m2. Đây là công trình được xác định là cực kỳ quan trọng phục vụ cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo trong việc khám chữa bệnh trong điều kiện xa đất liền, nhưng tiến độ vẫn ỳ ạch, dù Trung ương đã tiếp tục bố trí vốn để triển khai. Nguyên nhân là cơ sở cũ chưa di dời, gồm: Khu hành chính và khoa cấp cứu; khoa ngoại sản; phòng chụp X quang, phòng mổ và phòng Quân y vẫn đang sử dụng để phục vụ khám, chữa bệnh...
Còn 3km đường ở Bình Sơn – Quảng Ngãi vẫn dang dở sau gần 8 năm thi công Ảnh: Nguyễn Ngọc
Dự án Đường cơ động phía đông nam Lý Sơn (giai đoạn 3) được triển khai thực hiện từ năm 2016 nhưng gặp nhiều khó khăn. Trong đó, ngoài việc được Trung ương bố trí quá ít vốn trong năm 2017-2018, thì vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng khiến việc thi công cầm chừng...
Mới đây, ngày 4/8, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh dẫn đầu đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc tại 3 dự án trọng điểm trên. Chủ tịch tỉnh yêu cầu huyện Lý Sơn khẩn trương phối hợp với Sở Y tế tỉnh này và các cơ quan liên quan tổ chức di dời Trung tâm Y tế Quân - Dân y đến địa điểm mới, để bàn giao ngay mặt bằng cho đơn vị thi công; đảm bảo hoàn thành toàn bộ dự án trước ngày 30/4/2023. Với 2 dự án vũng neo đậu tàu thuyền và đường cơ động, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chậm nhất hết tháng 8/2022 huyện Lý Sơn phải bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư, để khẩn trương tổ chức thi công hoàn thiện dự án.
Cũng tại Quảng Ngãi, có dự án 8 năm vẫn chưa làm xong 3km đường, là tuyến đường giao thông nối trung tâm phía Bắc và phía Nam đô thị Vạn Tường (huyện Bình Sơn), dài 9,6 km, tổng vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng (vốn Trung ương trên 207,7 tỷ đồng) khởi công năm 2014, dự kiến năm 2018 sẽ đưa vào sử dụng. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc BQL Đầu tư xây dựng (thuộc BQL Khu kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi) - chủ đầu tư, nguyên nhân là còn hơn chục hộ dân thuộc diện di dời đã nhận tiền bồi thường nhưng lại chưa được cấp đất tái định cư nên chưa chịu đi!
Cầu 400 tỷ bỏ không
Cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú kết nối tỉnh Bắc Giang với thành phố Hà Nội được đầu tư 400 tỷ đồng để xây dựng, hoàn thành đã 2 năm nay, nhưng chưa thể khai thác, do thành phố Hà Nội chưa làm đường dẫn.
Cầu Xuân Cẩm – Bắc Phú đã hoàn thiện 2 năm nay, nhưng chưa đưa vào khai thác, do phía thành phố Hà Nội chưa làm đoạn đường kết nối Ảnh: Nguyễn Thắng |
Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang, năm 2017, tỉnh Bắc Giang và thành phố Hà Nội thống nhất triển khai đầu tư tuyến đường nối từ Quốc lộ 1B Hà Nội - Lạng Sơn đến Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên. Theo đó, tỉnh Bắc Giang đầu tư đồng bộ cầu vượt sông Cầu và tuyến đường tỉnh Bắc Giang dự kiến đầu tư để kết nối. UBND thành phố Hà Nội bố trí ngân sách đầu tư đoạn tuyến đường nối từ cầu vượt sông Cầu đến nút giao Bắc Phú của tuyến Quốc lộ 3 mới. Sau đó, UBND thành phố Hà Nội giao UBND huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư triển khai dự án xây dựng tuyến đường kết nối này.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết, dự án tuyến đường nối từ Quốc lộ 1B Hà Nội - Lạng Sơn đến Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang. Dự án đi qua nhiều khu công nghiệp ở huyện Hiệp Hòa, huyện Việt Yên, trở thành một trong những tuyến đường huyết mạch thúc đẩy phát triển khu vực phía Tây Nam của tỉnh Bắc Giang. Đồng thời, dự án này giúp kết nối thuận lợi 2 trục giao thông lớn trong vùng là cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn với tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, tăng cường khả năng liên kết và hoàn thiện mạng lưới giao thông vùng thủ đô Hà Nội.
Đến năm 2020, toàn bộ tuyến đường và cầu vượt sông Cầu đã được tỉnh Bắc Giang hoàn thành, với tổng số vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng, trong đó cầu vượt sông Cầu (tại địa phận xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang và xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) có vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú có chiều dài hơn 479 m, rộng 12 m. Cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú hoàn thành xây dựng đến nay được hơn 2 năm, nhưng vẫn chưa thể đi vào khai thác vì không có lối lên xuống phía địa phận xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, do thành phố Hà Nội chưa khởi công làm đoạn đường kết nối. Trước thực trạng này, tỉnh Bắc Giang đã nhiều lần kiến nghị UBND thành phố Hà Nội sớm triển khai thực hiện đầu tư đoạn kết nối từ cuối cầu vượt sông Cầu đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên tại nút giao Bắc Phú để phát huy hiệu quả đầu tư của dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đoạn đường kết nối vẫn chưa được phía thành phố Hà Nội khởi công.
Nguyên nhân nhìn từ tỉnh phát hiện 164 dự án vi phạm
Vừa qua, qua thanh tra, kiểm tra đối với 654 lượt dự án cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 164 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng, vi phạm Luật Đất đai năm 2013 (trong đó, có 60 dự án được giao đất, thuê đất từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay). UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định thu hồi đất 21 dự án, với tổng diện tích 89,8 ha; gia hạn tiến độ sử dụng đất 88 dự án, yêu cầu chủ đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian được gia hạn (24 tháng); chỉ đạo các ngành tiếp tục xem xét, tham mưu xử lý theo quy định đối với 46 dự án vi phạm.
Lý giải nguyên nhân dự án chậm tiến độ, dự án “treo” kéo dài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cho biết: Do quy định của pháp luật về việc các tổ chức kinh tế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư đã gây rất nhiều khó khăn, bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng. Quy định của các luật chuyên ngành (Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Lâm nghiệp...) chưa đồng bộ, một số quy định chưa thống nhất, còn có sự chồng chéo dẫn đến khó khăn, bất cập trong việc xem xét, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất. Quy định của pháp luật về điều kiện thu hồi đất của nhà đầu tư do chậm tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng rất bất cập, dẫn đến chậm trễ kéo dài nhưng không thể thu hồi đất. Đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 cũng đã tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp, gây khó khăn rất lớn cho nhà đầu tư trong việc thu xếp vốn cũng như việc thi công dự án…
Bên cạnh đó, do chất lượng tham mưu chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư của các ban, sở, ngành đối với một số dự án còn hạn chế, chưa đánh giá đúng năng lực nhà đầu tư, nhu cầu sử dụng đất, tính khả thi trong triển khai và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.
Tiền Phong