Ấn Độ “ngư ông đắc lợi” từ căng thẳng Mỹ - Trung
Chính phủ Ấn Độ cho rằng nước này sẽ được hưởng lợi khi quan hệ Mỹ - Trung xấu đi nhờ vị thế hùng mạnh tại châu Á...
- 01-03-2017Bất chấp đổi tiền, Ấn Độ vẫn tăng trưởng nhanh nhất thế giới
- 29-01-2017Đây là cách giảm thiểu tai nạn giao thông mà Việt Nam có thể học tập Ấn Độ
- 26-01-2017Apple muốn chống lệnh Trump, sản xuất iPhone ở Ấn Độ
Nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dự báo những rủi ro lớn với kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các quan chức cấp trong đảng Bharatiya Janata (BJP) của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lại cho rằng nước này có thể hưởng lợi từ cuộc chiến đó.
Trung Quốc sẽ phải cần tới thị trường rộng lớn của Ấn Độ nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng các biện pháp chống lại các nhà sản xuất Trung Quốc và công ty Mỹ sản xuất ở nước ngoài, Seshadri Chari, thành viên đảng Bharatiya Janata, nhận định.
Nhu cầu bức thiết phải duy trì tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị đồng thời thâm nhập vào Nam Á của chính quyền Bắc Kinh cũng sẽ tạo đòn bẩy địa chính trị cho Ấn Độ, ông này cho biết.
“Khu vực sản xuất khổng lồ của Trung Quốc cần có thị trường khi Mỹ không còn là miếng bánh béo bở nữa”, ông Chari nói. “Thời điểm này, Trung Quốc sẽ không mạo hiểm đánh đổi tăng trưởng kinh tế trong nước, họ cần một thị trường lớn ở châu Á và Ấn Độ là thị trường lớn nhất”.
Theo Bloomberg, cả Trung Quốc và Mỹ đều tỏ ý muốn tránh một cuộc chiến thương mại toàn diện. Tổng thống Trump cũng chưa có động thái thực hiện những cam kết chống lại Trung Quốc như đã nói trong chiến dịch tranh cử.
Tuy nhiên, cuộc gặp giữa Trump và ông Tập Cận Bình vào 7/4, cùng những chỉ trích trên Twitter của ông Trump trước đó và cam kết xem lại thâm hụt thương mại của Mỹ cho thấy mối quan hệ mờ mịt giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới.
Ấn Độ cũng có thể hưởng lợi từ những thay đổi trong chính sách của Mỹ tại khu vực Nam Á, đặc biệt là nếu Washington áp dụng biện pháp bảo hộ, chống lại các nhà sản xuất Trung Quốc, hoặc cắt giảm viện trợ quân sự cho Pakistan - đối thủ của nước này.
“Thị trường tiêu dùng của Ấn Độ lớn hơn rất nhiều so với nhiều nước và chúng tôi cũng chẳng phải quảng cáo nhiều”, ông Yashwant Sinha, một thành viên cấp cao của đảng BJP, cho biết. “Đây chính là đòn bẩy lớn, cho phép chúng tôi đưa ra đòi hỏi nhượng bộ để đổi lại hàng hóa và dịch vụ Ấn Độ”.
Phát biểu của cả Sinha và Chari sơ bộ cho thấy chính sách đối ngoại của đảng BJP trong bối cảnh tình hình thế giới rối ren. Họ cũng cho thấy vị thế tự tin của Ấn Độ trong đàm phán thương mại.
Theo Bloomberg, Ấn Độ vẫn chịu một số rủi ro nếu xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
“Trung Quốc có thể phản ứng lại những tranh chấp thương mại với Mỹ bằng cách khơi mào cuộc chiến tiền tệ. Khi đó, đối với Trung Quốc, Ấn Độ sẽ không chỉ là thị trường tiêu dùng thuần túy, mà là điểm đến của các quỹ đầu tư hạ tầng”, Ashok Malik, chuyên gia phân tích tại Observer Research Foundation có trụ sở tại New Delhi, nhận định.
“Bất chấp những lợi ích về chính trị nếu quan hệ Mỹ - Trung xấu đi, những tác động phức tạp về kinh tế có thể ảnh hưởng tới Ấn Độ và một vài nước khác”, ông này dự báo.
Theo thủ tướng Narendra Modi, với dự án đầu tư 55 tỷ USD cho hành lang kinh tế Pakistan - Trung Quốc (CPEC), chính quyền Bắc Kinh đang xây dựng cơ sở hạ tầng trên vùng Kashmir - được cho là thuộc chủ quyền của Ấn Độ.
“Nếu Trung Quốc gây ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế của Ấn Độ bằng việc đầu tư vào CPEC, Ấn Độ cũng sẽ trả đũa”, ông Chari cho biết nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết.
“Hiện nay, Ấn Độ giao thương với Trung Quốc ở vị thế của một nước mạnh. Trong khi đó, Trung Quốc đang mất đi quyền lực trên thị trường Mỹ”, ông nói.
Tuy nhiên, theo Ashok Kantha, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc tại New Delhi, vẫn còn quá “sớm” để khẳng định quan hệ Mỹ - Trung sẽ xấu đi khi nhìn vào sự phụ thuộc của hai cường quốc kinh tế này.
"Ấn Độ sẽ trở thành thị trường quan trọng của Trung Quốc. Nhưng nhìn vào thâm hụt thương mại 52 tỷ USD với Trung Quốc, có thể thấy chúng ta cũng không mặn mà gì với hàng hóa nhập khẩu từ nước này”, ông Kantha cho biết.
VnEconomy