An Phát sẽ đầu tư thêm khu công nghiệp
Vốn dĩ là doanh nghiệp chuyên sản xuất về nhựa, năm ngoái, Tập đoàn An Phát đã đổ gần 800 tỉ để đầu tư kinh doanh khu công nghiệp đầu tiên. Sau khi khai thác hiệu quả và thấy có nhiều cơ hội, Tập đoàn này đang xúc tiến để đầu tư khai thác thêm một khu công nghiệp nữa, cũng tại tỉnh Hải Dương.
Đầu tư khu công nghiệp vì thấy có cơ hội
Sau hàng chục năm đầu tư nhà máy sản xuất tại tỉnh Hải Dương và là doanh nghiệp tư nhân có thành tích cao nhất tại tỉnh này (nhiều năm là doanh nghiệp có mức thưởng tết cho nhân viên cao nhất tỉnh, thường xuyên ở mức trên 500 triệu đồng), năm ngoái Tập đoàn An Phát đã chi gần 800 tỉ đồng mua lại dự án khu công nghiệp An Phát Complex với diện tích 46 ha tại tỉnh này.
An Phát Complex trước đây có tên gọi là khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark vốn đã bị bỏ hoang hơn 10 năm của nhà đầu tư Đài Loan.
Sau khi mua lại An Phát Complex, Tập đoàn An Phát đã chuyển các nhà máy của Tập đoàn mình về khu công nghiệp này (An Cường, An Thành Bicsol, An Trung và An Vinh).
Không chỉ phục vụ cho nhu cầu đặt nhà máy của các công ty thành viên trong Tập đoàn An Phát, An Phát Complex còn được cho các doanh nghiệp khác thuê. Đến nay, An Phát Complex cũng đã nhận được hợp đồng thuê của các khách hàng trong và ngoài nước, bắt đầu ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động này.
Hiện nay, đối tác Leo Paper Group, Tập đoàn của Hồng Kông chuyên sản xuất giấy đã thuê ba nhà xưởng với diện tích 50.000 m2. Sau một thời gian, Leo Paper Group vừa quyết định thuê thêm khoảng 35.000 m2. Một khách khách hàng khác cũng đến từ Hồng Kông đã thuê nhà xưởng với diện tích lên đến 11.000 m2. Dự kiến trong 3 năm, An Phát sẽ thu 250 tỉ đồng từ tổng số hơn 90.000 m2 cho thuê này.Tập đoàn An Phát hiện cũng đang trong quá trình đàm phán với khách hàng đến từ Đài Loan, nếu thương vụ thành công, khách hàng sẽ thuê dự kiến 10 block nhà xưởng.
Được biết, tỉ lệ lấp đầy hiện nay của An Phát Complex là 55-60% diện tích, dự kiến cuối năm 2019, tỉ lệ lấp đầy từ 75-80% diện tích.
Hiện An Phát Complex đang ráo riết tập trung hoàn thiện toàn bộ cơ sở hạ tầng, đón nhiều nhà đầu tư và đề ra mục tiêu toàn bộ diện tích cho thuê sẽ được lấp đầy vào năm 2020. Ông Phạm Văn Tuấn, Tổng Giám đốc An Phát Complex cho rằng, hoạt động cho thuê tại đây sẽ khả quan vì đang có xu hướng dịch chuyển các nhà máy từ các nước lân cận sang Việt Nam.
Để thu hút nhà đầu tư, Tập đoàn An Phát đã đưa ra những định hướng và chiến lược khác biệt như: đẩy mạnh phát triển dịch vụ đi kèm, cung cấp các giải pháp về tài chính, nhân lực, hỗ trợ về công nghiệp, thủ tục hành chính, hải quan, logistics… tạo thành một chu trình và hệ sinh thái khép kín với đầy đủ dịch vụ tiện ích.
Ông Tuấn cho biết: "Điểm khác biệt lớn nhất là chúng tôi không xác định lấy việc bán đất làm mục tiêu chính, mà tập trung vào phát triển các dịch vụ đi kèm. Tại các dự án, chúng tôi cùng với đội ngũ chuyên gia tư vấn cung cấp hàng loạt giải pháp cho doanh nghiệp như các vấn đề về tài chính, nguồn nhân lực, hỗ trợ về công nghiệp phụ trợ, thủ tục hành chính, đăng ký kinh doanh, hải quan và thậm chí có cả dịch vụ logistics".
Sản xuất tại KCN An Phát Complex.
Sẽ đầu tư thêm khu công nghiệp mới
Sau khi đầu tư vào An Phát Complex khoảng một năm và nhận thấy phát triển khu công nghiệp có nhiều cơ hội (do làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng như do chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam), được biết Tập đoàn An Phát đang có kế hoạch đầu tư thêm một khu công nghiệp nữa tại Hải Dương là khu công nghiệp Quốc Tuấn An Bình. Đây là khu công nghiệp thuộc huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương, có vị trí nằm tiếp giáp phía Tây quốc lộ 37 tại đoạn Km69, thuộc địa giới hành chính 3 xã Quốc Tuấn, An Bình, An Lâm của huyện Nam Sách của tỉnh này. Quốc Tuấn An Bình trong giai đoạn một dự kiến sẽ khai thác 180 ha và hoàn thành vào cuối năm 2020.
Tại "Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2019: bối cảnh mới – chính sách mới – cơ hội mới" được tổ chức vào tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định: "Bất động sản công nghiệp Việt Nam có nhiều dư địa và cơ hội phát triển cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt, nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Theo ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến hết năm 2018, cả nước có 326 khu công nghiệp được thành lập. Đã có 251 khu đã đi vào hoạt động với tỉ lệ lấp đầy đạt 73%. Con số trên được ông Trung cung cấp đã phần nào lý giải vì sao các doanh nghiệp nhảy vào đầu tư bất động sản khu công nghiệp.
Ông Nam nhận định, bất động sản công nghiệp nổi lên là phân khúc hấp dẫn nhất trong năm 2019 của thị trường bất động sản Việt Nam. Sự hấp dẫn này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố như sau: Việt Nam liên tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã thu hút ngày càng nhiều dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); hiện Việt Nam có chi phí sản xuất thấp, chi phí lao động trung bình ước tính thấp hơn 43% so với Thái Lan và thấp hơn 10% so với Indonesia - là một trong những nguyên nhân thu hút dòng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam trong thời gian gần đây. Đặc biệt, theo báo cáo của JLL, xét về mức lợi nhuận trên chi phí và lợi nhuận trên tiền mặt, lợi nhuận thu được từ việc phát triển bất động sản công nghiệp tại Việt Nam có thể đạt 11 - 12%, là mức lợi nhuận cao nhất trong khu vực…