MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ẩn số các ‘mảnh ghép’ liên danh tại dự án cao tốc Bắc Nam

01-10-2020 - 16:39 PM | Bất động sản

Là dự án hạ tầng trọng điểm của cả nước nên danh tính cũng như năng lực của các nhà thầu thi công cao tốc Bắc Nam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Sáng 30/9, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai đã khởi công dự án cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 tại xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa; dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận và dự án Phan Thiết - Dầu Giây tại xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

3 dự án Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây dự kiến hoàn thành cuối năm 2022 và khi đưa vào khai thác cùng với các dự án thành phần khác được kỳ vọng sẽ từng bước hình thành nên tuyến cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông hiện đại, có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu vận tải, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, đặc biệt là 3 vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu.

Trước đó, tại dự án Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ GTVT đã phê duyệt đơn vị trúng thầu là liên danh Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Trung Chính. Liên danh này sẽ thi công gói thầu số 3-XL (đoạn từ Km 47+672 đến Km 83).

Tại dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, gói thầu XL-01 (từ Km 134 đến Km 154) thuộc về liên danh Tổng công ty Thăng Long - CTCP Đạt Phương - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập với giá trúng thầu là 1.687,68 tỷ đồng.

Còn dự án Mai Sơn - quốc lộ 45, gói thầu XL-11 (từ Km 289+500 đến Km 301) được trao cho liên danh CTCP Tập đoàn Cường Thịnh Thi, Tổng Công ty 319 và Công ty TNHH Định An. Giá trúng thầu là 852,357 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng.

Đặt cạnh các doanh nghiệp có "profile" khủng và quen mặt như những Vinaconex, Đạt Phương Group, Tổng công ty Thăng Long hay Cường Thịnh Thi thì ba cái tên còn lại, Trung Chính, Tự Lập và Định An vẫn chưa có quá nhiều dữ kiện để đánh giá đầy đủ nhất.

Với Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Trung Chính (Trung Chính TC), pháp nhân này được thành lập vào năm 2007, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình đường bộ.

Quá trình phát triển của Trung Chính TC ghi đậm dấu ấn của doanh nhân xứ Nghệ Hồ Sỹ Hoà. Tại ngày 12/7/2018, Trung Chính TC có số vốn điều lệ  200 tỷ đồng, trong đó ông Hoà chiếm 55% và giữ chức Chủ tịch HĐTV, ông Trần Quang Việt nắm giữ 30% và đảm nhiệm "ghế" Tổng giám đốc, trong khi một cá nhân họ Hồ khác là Hồ Văn Hương sở hữu 15% phần vốn còn lại.

Ngoài Trung Chính TC, ông Việt còn là đại diện một loạt công ty khác là CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Minh (hiện đã ngừng hoạt động), CTCP Đầu tư Trung Chính-Tây Bắc (vốn điều lệ 150 tỷ đồng) và CTCP Đầu tư Năng lượng Phong Dụ (thành lập vào tháng 6/2020, VĐL 60 tỷ đồng).

Tại dự án Phan Thiết - Dầu Giây, so với đơn vị còn lại trong liên danh là Vinaconex thì Trung Chính TC có phần kém tiếng hơn, song nên biết, đây cũng là đơn vị từng trúng nhiều gói thầu quy mô khủng. Có thể kể đến như gói thầu số 1 của dự án cầu Cửa Hội nối Nghệ An và Hà Tĩnh trị giá 495 tỷ đồng. Trung Chính TC cũng góp mặt trong liên danh gồm 3 doanh nghiệp là nhà thầu tại Dự án cầu Hoàng Văn Thụ (TP. Hải Phòng). Đây là dự án trọng điểm ở Hải Phòng, có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, trong đó liên danh Cienco1 - Trung Chính - Hồng Hà trúng gói thầu thi công có giá trị 2.285 tỷ đồng, riêng Trung Chính chiếm 40,8% (gần 1.000 tỷ đồng).

Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, liên tục từ năm 2011 đến nay, Trung Chính TC đã nhiều lần đăng ký đảm bảo tài sản tại các nhà băng, lần gần đây nhất là 28/9/2020, doanh nghiệp này đã thế chấp loạt máy móc tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - CN Thăng Long.

Trong khi đó, tại dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập (Tự Lập Co., Ltd) được thành lập vào tháng 8/2001, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình dân dụng. Ở lần thay đổi đăng ký kinh doanh gần nhất (ngày 5/9/2016), vốn điều lệ của Tự Lập ở mức 320 tỷ đồng, gồm 5 cổ đông cá nhân, trong đó ông Hoàng Ngọc Hải nắm giữ cổ phần chi phối lên đến 98,3%. Bên cạnh Tự Lập, doanh nhân sinh năm 1974 Hoàng Ngọc Hải còn là đại diện pháp luật tại hai doanh nghiệp khác là CTCP Khoáng sản sông Lô Phú Thọ và Công ty TNHH Một Thành Viên Xây dựng Phúc Sơn 7.

Tự Lập là nhà thầu quen mặt tại Phú Thọ với các dự án lớn liên quan đến trạm bơm tiêu, nông nghiệp và thủy lợi trên địa bàn tỉnh này, có thể kể đến như Trạm bơm tiêu Sơn Tình (vốn đầu tư 400 tỷ đồng), dự án Trạm bơm tiêu Dậu Dương (vốn đầu tư 120 tỷ đồng), dự án hồ chứa nước Ngòi Giành (huyện Yên Lập) với tổng mức đầu tư 1.279 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ là 759 tỷ đồng, còn lại là vốn địa phương và các nguồn khác, dự án cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu Ngòi Hiêng (tổng mức đầu tư 238 tỷ đồng), trạm xử lý nước thải CCN Bãi Ba, công suất 1.500 m3/ngày đêm,…

Tương tự như Tự Lập Co., Ltd và Trung Chính TC thì tại dự án Mai Sơn - quốc lộ 45, Công ty TNHH Định An cũng có phần kém tiếng hơn so với các doanh nghiệp khác trong cùng liên danh.

Công ty này được thành lập vào tháng 4/2010 hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng công trình. Vào tháng 6/2016, công ty này bất ngờ tăng vốn từ 5,6 tỷ đồng lên mức 818 tỷ đồng, thành phần cổ đông lúc đấy được xác định gồm 3 cá nhân là Cao Đăng Hoạt ( nắm giữ 70% VĐL), Trần Thị Nguyệt Ánh (20%) và Phạm Văn Quý 10 % còn lại. Được biết, doanh nhân Cao Đăng Hoạt từng là thành viên HĐQT của Quốc Cường Gia Lai, tuy nhiên chỉ sau 3 tháng đảm nhiệm vai trò này tại QCG, ông Hoạt đã xin từ nhiệm.

Bên cạnh đó, ông Cao Đăng Hoạt còn là cổ đông lớn tại CTCP Đầu tư Thương mại và Du lịch Ruby (VĐL 150 tỷ đồng) và đặc biệt là Công ty cổ phần Tập đoàn Ruby với số vốn điều lệ gần 2.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Ruby được thành lập vào tháng 9/2016 với vốn điều lệ đạt mức 1.987,8 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH Định An (nắm giữ 41,15%), Công ty TNHH Nhạc Sơn (15%), Công ty TNHH Dũng Hân (0,091%) và ông Cao Xuân Hoạt (43,66%).

Ngoài ra, vị doanh nhân sinh năm 1978 này cũng nắm giữ 40% cổ phần tại CTCP Quốc tế Nam Hội An- chủ dự án Khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh – PPC có quy mô 174,77 ha tại tỉnh Quảng Nam. Dự án dự kiến thực hiện trong 3 giai đoạn, từ quý IV/2017 đến quý IV/2021. Theo đó, quý I/2019, dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng các hạng mục khu du lịch vui chơi giải trí; khu phức hợp khách sạn văn phòng cao tầng và khớp nối hạ tầng kỹ thuật giao thông, công viên.

Tuy nhiên, đến nay CTCP Quốc tế Nam Hội An không tiếp tục triển khai dự án theo quyết định chủ trương đầu tư đã cấp. Vì vậy Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam đang thực hiện các trình tự và hồ sơ để chấm dứt hoạt động dự án này.

Trở lại với Công ty Định An, theo dữ liệu của Nhadautu.vn, từ tháng 10/2010 đến nay, công ty này cũng đã liên tục đăng ký đảm bảo tài sản tại nhiều nhà băng, ngày 23/9 vừa qua, công ty này đã đăng ký đảm bảo tài sản là giấy chứng nhận đăng ký xe máy chuyên dùng tại Ngân hàng TMCP-Chi nhánh Thăng Long.

Theo Khánh An

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên