MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Anh nông dân 9X Kiều Văn Dũng và mối nhân duyên từ phố về quê trồng cây: “Kênh TikTok có triệu tim nhưng không hái ra tiền”

28-06-2022 - 10:43 AM | Sống

Anh nông dân 9X Kiều Văn Dũng và mối nhân duyên từ phố về quê trồng cây: “Kênh TikTok có triệu tim nhưng không hái ra tiền”

Với kinh nghiệm của một người từng khởi nghiệp và thất bại, 9X Kiều Văn Dũng nhận ra, cuộc sống “về vườn” không lý tưởng như những gì mọi người thấy trên mạng.

Ở độ tuổi 30, trải qua nhiều thăng trầm và có cả những va vấp, chàng trai trẻ quê Đắk Lắk đã có những bài học “xương máu" trên hành trình đi tìm đam mê của mình.

Anh nông dân 9X Kiều Văn Dũng và mối nhân duyên từ phố về quê trồng cây: “Kênh TikTok có triệu tim nhưng không hái ra tiền” - Ảnh 1.

- Đã sinh sống tại TP.HCM một thời gian, từ khi nào thì anh có ý tưởng về quê trồng cây?

Bố mẹ tôi là những người làm nghề nông, trồng cây công nghiệp, nuôi tằm… Trước đó, tôi theo đuổi ngành công nghệ, đến năm 2016, tôi mới bắt đầu giã từ dần dần và về vườn.

Lúc đó tôi nhận ra bố mẹ làm vườn quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Những năm được mùa, cả vụ chỉ thu về được 50 - 100 triệu đồng. Đó còn chưa kể đến bài toán được mùa mất giá, được giá mất mùa.

Tôi bàn với bố mẹ nên thay đổi cơ cấu cây trồng để đỡ vất vả. Lúc đó tôi vừa làm ở TP. Hồ Chí Minh, vừa về quê mong có thể thay đổi tư tưởng của bố mẹ. Để bố mẹ suy nghĩ khác cần rất nhiều công sức, và đó không phải điều dễ dàng.

Tôi thuyết phục bố mẹ dừng trồng cây cà phê. Khi đưa ra đề xuất đó thì bản thân phải trở thành nguồn thu chính của gia đình để đảm bảo cuộc sống cơ bản. Song song với làm công nghệ thông tin, tôi còn đầu tư vào bất động sản. Nhờ vậy, tôi mới có thể lo cho cuộc sống của bản thân và bảo đảm với bố mẹ. 

Sau một thời gian, tôi cũng tích lũy được một vài ha đất để trồng cây, một số khác thì để dành và mang đi đầu tư.

- Gia đình phản ứng như thế nào khi biết tin anh muốn về vườn?

Cho đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn chưa “về vườn” hẳn. Tôi dành 6 tháng ở TP. Hồ Chí Minh để làm việc và 6 tháng ở nhà trồng cây, sản xuất. Ở thành phố, tôi vẫn nhận những dự án nhỏ và vận hành công ty riêng. 

Việc về quê trồng cây chỉ là hình thức đầu tư cho tương lai, để sau này về già có vườn cây trái thỏa mãn đam mê của riêng mình.

Về kiến thức, tôi có xuất thân là nông dân nên đã có nền tảng căn bản ngay từ đầu. Riêng về trồng cây ăn trái, mỗi giống cây sẽ có những loại thuốc riêng, kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa cành, thời điểm ra hoa riêng… Những kiến thức đó cần phải học hỏi thêm và trải nghiệm.

Ví dụ để cho ra một giống cây ưng ý, bạn phải chấp nhận hỏng 4-5 cây, đó là chuyện bình thường.

Ngoài ra, tôi còn tìm hiểu thêm qua các kênh thông tin như Youtube, đài truyền hình… để biết thêm những thông tin mới.

- Từ một chàng trai làm công nghệ thông tin chuyển về trồng cây trái, anh bắt gặp những vấn đề gì ngoài dự liệu của bản thân?

Từ lúc về làm vườn tính đến nay là 6 năm, tôi vẫn chưa thể lấy lại vốn. Riêng cây sầu riêng thậm chí còn chưa được thu trái.

Nếu tính cả đất và các chi phí phải bỏ ra, con số phải lên đến cả tỷ đồng. Tôi đã có một số cây cho thu trái và có thể bán ra ngoài, tuy nhiên chưa ổn định. Ví dụ cây vú sữa hoàng kim về cơ bản có hương vị thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Nhưng không phải cây nào cũng cho ra những lứa trái giống nhau.

Anh nông dân 9X Kiều Văn Dũng và mối nhân duyên từ phố về quê trồng cây: “Kênh TikTok có triệu tim nhưng không hái ra tiền” - Ảnh 2.

Thời gian trước đây tôi có trồng cây cà chua thân gỗ và đã thất bại vì không tìm ra đầu ra. Ở thời điểm đó mọi người trồng đại trà, giá chỉ 10.000 đồng/kg nhưng không ai mua. Khi mọi người bỏ đi không trồng nữa khi loại quả này lại tăng giá đến hàng trăm nghìn đồng/kg.

Vấn đề của hiện tại là người dân vẫn còn chạy theo xu hướng nhưng không tìm hiểu kỹ càng. Có những giống cây mới, được đưa tin, người nông dân sẽ ồ ạt mua về để trồng. Khi không được giá, họ sẽ bỏ đi để trồng loại mới.

Hiện nay có nhiều nơi cắt ghép clip chia sẻ về giống cây của tôi để quảng cáo. Tuy nhiên khi giao cây về đến tay người dân thì không đúng với những gì đã giới thiệu. Người nông dân tin rằng cây này trồng cho ra tiền tỷ nhưng kết quả không như vậy. Dân mình thường ham của lạ, tò mò về những giống cây mới. Chính tâm lý ấy đã trở thành nguồn lợi cho những người buôn bán không trung thực.

Chính tôi cũng bị ảnh hưởng bởi những video không đúng sự thật này. Mọi người mua cây qua những clip cắt ghép có hình ảnh của tôi nhưng nhận lại là hàng chất lượng thấp, 2-3 năm sau không có trái.

- Khoảng thời gian khó khăn nhất của anh là khi nào?

Với tôi khoảng thời gian khó khăn nhất là khi vẫn còn đang đi học, bị nợ môn và gánh khoản nợ hơn 300 triệu đồng trên vai. Khi đó, thậm chí tôi đã nghĩ đến những điều tiêu cực nhất. Sau này, khi đã vượt qua, tôi mới nhận ra ngay cả thời điểm khó khăn nhất mình vẫn có thể gắng gượng được thì về sau mọi thứ không phải là điều gì quá to tát.

Cụ thể là cuối năm thứ 3 đại học, tôi mở công ty (startup) về sản xuất quần jeans. Khi học trong trường có nhiều ý tưởng, cái gì cũng màu hồng. Tôi đã nhờ bố mẹ vay cho 300 triệu đồng để khởi nghiệp. Tuy nhiên chỉ sau 2 tháng thì mọi thứ “đổ bể". Do thiếu kinh nghiệm nên tôi đã lựa chọn sai ngay từ khâu thiết bị. Máy móc mua về không phù hợp với vải jeans cứng. Tiền vốn đầu tư đã hết, hàng không ra.

Khi đó tôi chịu áp lực trả nợ với số lãi không hề nhỏ. Mỗi tháng tôi phải trả 9 triệu đồng tiền lãi. Trong thời gian phá sản, tôi còn mất 1 năm ở lại trường vì bị trượt môn.

Về sau, có một người bạn nói với tôi rằng: “Khi mới bắt đầu đừng mơ mộng thương hiệu. Điều quan trọng nhất cần làm bây giờ làm kiếm ra tiền”.

Phải mất 3 năm để có thể trả hết số nợ 300 triệu đồng (từ 2011-2015). Thử tượng tượng bạn bè của bạn đã ra trường, đã có công ăn việc làm ổn định. Trong khi đó bạn vẫn đang gánh trên vai số tiền nợ rất lớn. Không những vậy tôi còn ra trường muộn 1 năm so với các bạn.

Đến thời điểm năm 2015, tôi bắt đầu “chán nghề". Lý do lớn nhất là quá vất vả, có những ngày ngồi đến 7-8h sáng hôm sau để hoàn thành công việc. Động lực lớn nhất là kiếm tiền để trả nợ.

Anh nông dân 9X Kiều Văn Dũng và mối nhân duyên từ phố về quê trồng cây: “Kênh TikTok có triệu tim nhưng không hái ra tiền” - Ảnh 3.

- Trước khi về vườn trồng cây, anh từng làm những công việc gì?

Ban đầu tôi lựa chọn tài chính ngân hàng nhưng điểm chỉ đủ vào khoa Quản trị kinh doanh. Ở thời điểm đó, Facebook vẫn còn chưa phát triển, lúc đó mới chỉ có Yahoo. Tôi tham gia vào CLB của trường và chủ yếu hoạt động trên các diễn đàn. Tôi đã lập diễn đàn “sinh viên kinh tế" để phục vụ cho nhu cầu của bản thân. Tôi tự học viết code và tìm hiểu các kiến thức về công nghệ thông tin.

Về ngôn ngữ lập trình, kiến thức trên mạng không hề ít, chúng ta chỉ cần học và làm theo hướng dẫn thì sẽ ra kết quả. Tôi không được đào tạo căn bản nhưng có lợi thế là được thực hành nhiều, học đến đâu làm đến đấy, sai thì sửa lại.

Hồi năm 2 đại học (2009), tôi bắt đầu nhận công việc liên quan đến lập trình. Lĩnh vực mà tôi làm chủ yếu là về Marketing online. Ở thời điểm đó, công việc dễ kiếm tiền hơn bây giờ.

Lúc đó ước mơ của tôi là học hành “đều đều" rồi ra trường và có mức lương khoảng 10 triệu đồng. Ở thời điểm đó, 10 triệu đồng là con số không hề nhỏ. Điều không ngờ đến là tôi chưa thực hiện được ước mơ thì đã phá của bố mẹ 300 triệu đồng.

- Ngoài làm vườn, anh còn sở hữu kênh Tiktok “Anh nông dân áo xanh” đã có hơn 400 nghìn người theo dõi và có hơn 10 triệu lượt thả tim. Những con số đó đã mang đến nguồn thu nhập cho anh hay chưa?

Cho đến thời điểm hiện tại thì gần như là chưa. Kênh Tiktok của tôi hiện chỉ có 82 USD, đó là số tiền mọi người tặng cho mỗi lần tôi lên livestream. Tôi vẫn để số tiền ở đó và chưa có ý định dùng nó vào việc khác.

Có nhiều đơn vị mời tôi làm quảng cáo nhưng tôi chưa đồng ý. Lý do thứ nhất là chưa có người hỗ trợ. Thứ hai là phải có sự đầu tư về chất xám cũng như thời gian.

Thú thực là tôi không có định hướng phát triển mảng Tiktok. Đó đơn giản là sở thích cá nhân vì muốn chia sẻ đến mọi người. Còn đối với việc làm Tiktoker, người nổi tiếng để nhận quảng cáo thì tôi chưa nghĩ tới. Ở hiện tại, định hướng của tôi vẫn là không nhận quảng cáo, còn tương lai nếu có thay đổi hay không thì chưa rõ (cười).

Đến nay, thứ tôi nhận lại được nhiều nhất đó là được thỏa mãn sở thích của bản thân, lan tỏa kiến thức đến nhiều người và có nhiều bạn bè hơn.

Anh nông dân 9X Kiều Văn Dũng và mối nhân duyên từ phố về quê trồng cây: “Kênh TikTok có triệu tim nhưng không hái ra tiền” - Ảnh 4.

- Anh dự định sẽ phát triển trên kênh Tiktok của mình như thế nào trong thời gian tới?

Trước mắt tôi muốn phát triển vườn cây trái. Muốn cho người ta thấy, trước hết phải làm tốt từ vườn của chính mình. Chỉ khi có sản phẩm hoàn thiện, bạn mới có thể thuyết phục họ rằng cách làm này có hiệu quả. Khi sản phẩm của bản thân còn chưa bán ra được, chưa xử lý xong ở vườn nhà thì dù có nói hay đến đâu người khác cũng không nghe.

Trong 5-10 năm tới, sau khi thành công với những giống cây trong vườn nhà, tôi muốn mình trở thành một “dân buôn”. Tôi sẽ thu mua nông sản của bà con, hướng dẫn mọi người từng khâu từ nhỏ nhất để đủ điều kiện xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên đó không phải là điều dễ. Ai cũng có ước mơ nhưng không phải ước mơ nào cũng có thể trở thành hiện thực.

Về Tiktok, tôi không dành quá nhiều thời gian cho nó. Nếu có thời gian rảnh, tôi sẽ mở máy lên ghi hình và chia sẻ những kiến thức “nho nhỏ” đến với mọi người. Trên thực tế, nếu muốn có một kênh Tiktok được lan tỏa rộng rãi thì bạn phải chấp nhận có “anti fan”.

Bên cạnh anti fan thì tôi vẫn còn rất nhiều người yêu quý và ủng hộ. Tôi lấy những lời góp ý đó để làm kinh nghiệm và học hỏi thêm cho sau này. Tôi cũng kiểm soát chặt chẽ những lời bình luận quá tiêu cực để tránh ảnh hưởng đến tâm lý của bản thân.

Còn ở hiện tại, tôi chưa từng hối hận hay nghi ngờ về con đường đi của mình. Khi bạn không quá đặt nặng vấn đề làm giàu lên hàng đầu và biết hài đủ, hài lòng với cuộc sống hiện tại thì mình chỉ cần làm. Điều đó giúp bạn giảm được áp lực về tài chính, tâm lý thoải mái hơn để đi tiếp con đường của mình.

Anh nông dân 9X Kiều Văn Dũng và mối nhân duyên từ phố về quê trồng cây: “Kênh TikTok có triệu tim nhưng không hái ra tiền” - Ảnh 5.

- Cùng lúc làm nông, quản lý công việc kinh doanh, đầu tư vào bất động sản và chứng khoán, anh có bao giờ cảm thấy bị quá tải hay không?

Với tôi những công việc đó không hẳn là vất vả. Tôi chỉ cần sắp xếp một chút thời gian để cân đối công việc của mình. Làm vườn vẫn là công việc chiếm nhiều thời gian nhất, tuy nhiên tôi vẫn có thể quản lý mọi thứ trong tầm tay.

Tôi nghĩ mình còn trẻ thì mình cứ làm vì không có gì để mất. Thực ra đam mê vẫn có thể thay đổi. Hiện tại bạn đang thích điều này nhưng có thể 5-10 năm tới, mọi thứ sẽ thay đổi. Nếu bạn là con người ổn định thì bạn có thể làm 8 tiếng một ngày và nhận lương vào cuối tháng.

Tuy nhiên sẽ có những người thích nổi tiếng, muốn làm giàu thì họ sẽ phải bỏ ra nhiều hơn. Tùy vào sở thích của mỗi người, họ sẽ có những lựa chọn khác nhau.

Hiện nay có nhiều bạn trẻ nói rằng bản thân thích kinh doanh nhưng không biết làm gì và làm từ đâu. Nhưng các bạn không bắt tay vào làm thì đam mê vẫn chỉ là mơ ước.

Ví dụ muốn kinh doanh bạn cần phải có vốn. Tiền nhỏ hay tiền lớn không quan trọng, 5-7 triệu đồng trong tay là bạn đã có thể khởi nghiệp. Khi nhập sản phẩm về, có áp lực phải bán được hàng thì bạn mới có thể bắt tay vào làm việc.

- Là một người học kinh doanh và biết rằng về làm vườn khó làm giàu. Tại sao anh vẫn về vườn?

Đó là vì đam mê. Giống như nhiều thú vui khác của mọi người như chơi chim, cây cảnh… tôi về trồng cây cũng chỉ vì sở thích của cá nhân. Vì là đam mê nên tôi không hy vọng nó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho mình và không đặt nặng vấn đề nguồn thu. Đến nay vẫn còn nhiều cây tôi chưa biết những cây ăn trái của mình có ra quả hay không, quả ngon hay dở.

Anh nông dân 9X Kiều Văn Dũng và mối nhân duyên từ phố về quê trồng cây: “Kênh TikTok có triệu tim nhưng không hái ra tiền” - Ảnh 6.

- Nhiều người trẻ có xu hướng bỏ phố về vườn, quan điểm của anh như thế nào?

Đối với những người thích sự ổn định thì có thể lựa chọn về vườn. Nếu thấy cuộc sống ở thành phố áp lực quá, muốn nghỉ ngơi, đã có số vốn nhất định hoặc bố mẹ có cơ sở nhất định thì có thể “bỏ phố”. Nếu chưa có gì thì về vườn sẽ khổ hơn so với ở trên thành phố.

Đối với những người về vườn theo trào lưu thì cần cân nhắc kỹ. Có một vài trường hợp chia sẻ câu chuyện bỏ thành phố nhưng thực tế không màu hồng như trong tưởng tượng. Để về vườn, bạn phải đất, mà con số để sở hữu một mảnh đất hiện nay không hề nhỏ. Thêm nữa là khả năng về vườn làm giàu cũng không hề cao.

Hơn nữa theo quan điểm của tôi về vườn sẽ chỉ có thể thỏa mãn đam mê của cá nhân. Nếu bạn có con cái hoặc gia đình thì rõ ràng việc ở thành phố mang lại nhiều lợi ích hơn. Do đó, bạn cần cân nhắc cẩn thận về những thứ được và mất trước khi ra quyết định.

- Tương lai sau này anh có ý định nhân rộng những loại cây giống này bán ra ngoài thị trường để thu lợi nhuận hay không?

Ước mơ của tôi là khi các giống cây lạ được nhân giống thành công, tôi sẽ phân phối thành phẩm là các loại quả lạ trực tiếp đến người dân. Bản thân tôi là dân công nghệ thông tin nên hoàn toàn có thể tự lập website để làm điều này. Với công nghệ hiện tại, tôi tự tin mình có thể phân phối các loại quả lạ đến tận tay người tiêu dùng.

Hiện tại tôi chỉ bán ra số lượng nhất định để dành cho những ai muốn thử nghiệm và chưa bán đại trà. Tôi vẫn chưa bán các loại trái cây của mình ra ngoài nhiều dù có rất nhiều người ở Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh hỏi mua. Nguyên nhân là do chưa đủ số lượng, chất lượng cũng chưa ổn định.

Nhìn chung việc thay đổi tư tưởng trong gia đình đã khó. Mà việc thay đổi tư tưởng của một vùng, một thế hệ lại càng khó hơn. Trong khi đó phải nhiều người làm thì mới có thể thành hiện thực. Nếu một mình tôi làm thì rất khó có thể hiện thực hóa được ước mơ.

- Bài học lớn nhất mà anh rút ra sau gần 10 năm đi làm là gì?

Điều mà tôi ghi nhớ và vẫn còn áp dụng cho đến hiện tại đó là cái gì mình chưa chắc thì đừng đầu tư. Với công ty khởi nghiệp đầu tiên, tôi chưa hề có kiến thức về thời trang, chỉ nghe nói rằng kinh doanh quần jeans sẽ mang lại nhiều lợi nhuận. Kết quả là công ty bị phá sản và ôm khoản nợ 300 triệu đồng.

Bài học cho những người muốn trồng cây hay bất kỳ ai muốn khởi nghiệp đó là phải tìm hiểu thật kỹ rồi mới bắt tay vào làm. Khi đã có kiến thức, bạn mới có thể nắm chắc về thắng về tay. Nếu có sai thì mình điều chỉnh và sửa lại.

Cảm ơn anh vì buổi chia sẻ!


https://cafef.vn/anh-nong-dan-9x-kieu-van-dung-va-moi-nhan-duyen-tu-pho-ve-que-trong-cay-kenh-tiktok-co-trieu-tim-nhung-khong-hai-ra-tien-20220627235442674.chn

Thuỳ Anh - Thiết kế: Hải An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên