MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Anh rời EU: Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tỷ giá?

Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tỷ giá sau sự kiện Brexit để hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu

Hơn 51% người dân Anh lựa chọn bỏ phiếu rời EU được xem là bước mở đầu cho việc Anh chia tay với EU sau hơn 40 năm gắn bó. Rõ ràng, nền kinh tế Anh hay EU đều sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi sự kiện này, đồng bảng Anh sẽ bị mất giá và việc tác động đến kinh tế Việt Nam sẽ diễn ra.

Hiện nay, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Anh chiếm tỷ trọng thấp trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (xuất khẩu 2,4% và nhập khẩu 0,4%, năm 2014). Dòng vốn FDI từ Anh vào Việt Nam chiếm 5,3% (số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 5 tháng 2016.

Trong nhóm thị trường mới nổi tại châu Á, Việt Nam có quan hệ thương mại khá mật thiết với EU (bao gồm cả nước Anh). Theo Báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải Quan, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam là EU với kim ngạch đạt trên 30 tỷ USD.

Tại thị trường này, Việt Nam xuất siêu với giá trị lớn trên 20 tỷ USD. Do đó, triển vọng tăng trưởng của khu vực này kém đi cũng sẽ khiến cho xuất khẩu của Việt Nam bị giảm. Thêm vào đó, việc đồng Euro giảm giá so với USD cũng khiến đồng tiền này giảm giá so với VND (do VND bị neo vào USD) và do đó khiến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vào EU bị giảm.

Trong khi đó, nghiên cứu của công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), thì chỉ ra rằng sự kiện “Brexit” sẽ kéo giảm cầu tiêu thụ hàng hóa và qua đó làm giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu vào EU. Điều này gây áp lực lên các nhà xuất khẩu lớn vào EU như Trung Quốc hay Việt Nam,…

“Yếu tố này có thể dẫn tới thêm nhiều động thái hạ giá đồng tiền từ phía Trung Quốc nhằm hỗ trợ xuất khẩu giống như giai đoạn tháng 8 năm 2015 trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu của nước này liên tục suy giảm” – VCBS nhận định.

Trong khi xuất khẩu đang gặp không ít lo ngại, thì một trong những vấn đề được VCBS chỉ rõ về tác động của việc Anh rời EU đó là rủi ro tỷ giá. Trong năm 2015, EUR đã giảm giá rất mạnh so với USD với nguyên nhân chính từ chênh lệch về tăng trưởng và tín hiệu chính sách trái chiều của Mỹ và EU.

Do đó, khi Anh rời EU có khả năng kịch bản này sẽ lặp lại khi triển vọng tăng trưởng của EU trở nên tiêu cực. Bên cạnh đó, FED có thể trì hoãn hoặc thậm chí không tăng lãi suất nhưng khả năng nới lỏng chính sách ở Mỹ là khó xảy ra.

Với EU, việc tiếp tục tăng cường các biện pháp kích thích là hoàn toàn có thể, để đối phó với vấn đề tăng trưởng sau sự việc Brexit. EUR mất giá đồng nghĩa với đồng USD mạnh lên tương đối so với các ngoại tệ mạnh khác.

Do đó, áp lực lên tỷ giá VND/USD có thể sẽ tăng lên trong ngắn hạn khi dòng vốn đầu tư bị rút ra và đồng USD mạnh lên. Theo nhận định của MBS, Trung Quốc có thể giảm giá Nhân dân tệ để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của mình vào EU và điều này là gây sức ép khiến Ngân hàng Nhà nước phải tính tới việc giảm giá VNĐ để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

Đồng thời, nếu xét tới các yếu tố như tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ giảm tốc cùng với định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước sẽ không còn nhiều dư địa chính sách để giữ ổn định tỷ giá. Do đó, rất có thể trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ phải có những thay đổi mạnh mẽ hơn trong điều hành tỷ giá.

Hơn thế nữa, lựa chọn giữ tỷ giá sẽ cần phải đánh đổi bằng thiệt hại về nguồn lực đặc biệt nguồn dự trữ ngoại hối. Cuối cùng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng dù đang khá dồi dào nhưng có thể sẽ nóng trở lại khi ngân hàng sẽ phải bán ra lượng tiền đồng lớn để mua và củng cố trạng thái ngoại tệ khi các rủi ro từ phía thế giới tăng lên.

Trên thực tế, yếu tố này được kiểm chứng đầu tháng 6 vừa qua khi tỷ giá nóng trở lại trước đồn đoán về FED nâng lãi suất hay đồng CNY mất giá. Độ nhạy của tỷ giá với các tin tức tiêu cực từ thị trường thế giới mạnh lên đáng kể so với thời điểm tháng 1. Như vậy, sau khi được giữ ổn định trong 6 tháng đầu năm, thì sự kiện Brexit có thể tạo ra những biến động đáng kể về tỷ giá là điều có thể xảy ra.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên