MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp dụng Basel II: Chủ động để đón đầu kịp xu thế

20-11-2017 - 13:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Triển khai Basel II là bước đi quan trọng trong lộ trình hội nhập của các ngân hàng Việt Nam với thế giới. Bởi vậy, các nhà băng đang ráo riết thực hiện để không bị đứng ngoài cuộc chơi.

Thực tế chứng minh rằng, chuẩn mực Basel II là giải pháp tối ưu để các ngân hàng thương mại trụ vững được trước những biến động khó lường của thị trường tài chính. Vì với Basel II, mọi rủi ro đều được lượng hóa bằng các con số cụ thể và các con số ấy sẽ chỉ ra rằng ngân hàng cần bao nhiêu vốn để bù đắp được các rủi ro.

Theo lộ trình ban đầu, Ngân hàng Nhà nước đã chọn ra 10 ngân hàng để thí điểm Basel II bao gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Sacombank, VPBank, VIB, Maritime Bank, ACB, Techcombank và MB để thực hiện từ tháng 2/2016 và mục tiêu cuối là đến năm 2018 các nhà băng này phải cơ bản đáp ứng các yêu cầu của Basel II.

Báo cáo ngành ngân hàng 2017 của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, các ngân hàng đang đẩy nhanh quá trình chuẩn bị thí điểm Basel II nhưng lộ trình đang vấp phải nhiều khó khăn. Nguyên nhân là vì triển khai Basel II là một thách thức rất lớn bởi tiêu chí để các ngân hàng áp dụng khung quản trị rủi ro Basel II khá khắt khe từ hành lang pháp lý, cơ sở dữ liệu cho đến các vấn đề về chỉ số an toàn vốn (vốn tự có/tổng tài sản có rủi ro - CAR)… Bởi vậy, trong quá trình thí điểm, lộ trình đã được kéo dãn đến năm 2020, các ngân hàng mới phải đáp ứng hệ số CAR trên 8%.

Ngoài những ngân hàng được chỉ định, có những nhà băng đã chủ động để triển khai và ứng dụng Basel II vào hoạt động. Điển hình nhất đó là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc OCB, chia sẻ: “Triển khai Basel II là một thách thức rất lớn không chỉ riêng đối với OCB mà cả các ngân hàng Việt Nam do những yêu cầu về chi phí, kỹ thuật, đặt biệt là cơ sở dữ liệu. Hiểu rõ những thách thức trên, OCB đã xây dựng kế hoạch triển khai một cách chi tiết với từng tiểu dự án, nội dung thực hiện tại từng giai đoạn”.

Theo đó, OCB đã từng bước hoàn thiện các tiêu chuẩn của Basel II từ rất sớm. Từ 2008 đến 2015, cùng với các đối tác PNP Paribas, KPMG, OCB đã xây dựng và hoàn thiện các Ủy ban, Khối và các phòng/ban Quản trị rủi ro, ban hành các chính sách, công cụ cũng như thiết lập hệ thống báo cáo. Tháng 2/2015, OCB tiếp tục phối hợp với Entrofine và BDS để đánh giá và xác định lộ trình triển khai Basel II tại OCB. Đây cũng chính là bước đệm cuối cùng để OCB tiến đến triển khai chính thức dự án Basel II vào tháng 5/2016.

Từ đó đến nay, hàng loạt các tiểu dự án được khởi động, triển khai và hoàn thành: nghiên cứu xây dựng bộ công cụ tính vốn tự động và các chính sách, cơ chế vận hành, bảo mật đi kèm; xây dựng các công cụ tính toán hệ số rủi ro theo khối kinh doanh, hoàn thành triển khai thu thập và bổ sung cơ sở dữ liệu của các nhóm khách hàng tương ứng, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, rà soát và ban hành hàng loạt các văn bản, quy định, báo cáo về quản trị rủi ro…

Và đặc biệt, với sự hỗ trợ từ đối tác DBS - Singapore, OCB đã hoàn thành dự án ICAAP, xây dựng và hoàn chỉnh bộ quy định khung quản trị vốn theo Basel II, xây dựng các kịch bản tình huống căng thẳng và kế hoạch ứng phó cũng như lên kế hoạch vốn cho giai đoạn 2017 – 2020.

Song song đó, OCB đang hoàn thiện bộ hồ sơ về Triển khai áp dụng các tiêu chuẩn quản trị rủi ro theo Basel II để trình Ngân hàng Nhà nước. Nhiều khả năng, OCB sẽ là một trong những ngân hàng đầu tiên triển khai thành công Basel II ở Việt Nam.

Các chuyên gia đánh giá, việc yêu cầu hệ thống ngân hàng phải đáp ứng được Basel II là rất quan trọng và phải quyết liệt, có như thế hệ thống mới thực sự khỏe mạnh, mới có thể cạnh tranh được trong xu thế toàn cầu hóa.

Dù rằng việc áp dụng chuẩn mới rất khó khăn và tốn kém nhiều chi phí, song các ngân hàng muốn chủ động đối phó với rủi ro, muốn tồn tại và phát triển thì không có cách nào khác là phải quản trị rủi ro một cách bài bản.

A.D

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên