MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cầu bắt đáy không đủ mạnh, VN-Index thủng mốc 830 điểm với hàng loạt mã giảm sàn

EIB, HAG, HNG, CTD, VGC là những cổ phiếu lớn hiếm hoi ngược dòng tăng điểm trong phiên hôm nay.

Phiên giao dịch chiều tiếp tục diễn ra với áp lực bán tăng mạnh. Có thời điểm cầu bắt đáy tăng mạnh giúp VN-Index thu hẹp đà giảm xuống còn 16 điểm, tuy nhiên lực cung lớn từ sau 14h đã khiến các chỉ số tiếp tục chìm sâu trong sắc đỏ và đóng cửa sát mức thấp nhất phiên.

Đà giảm diễn ra trên hầu hết các nhóm ngành, từ ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xây dựng cho tới hàng không, dầu khí, dệt may, khu công nghiệp…

Nhiều cổ phiếu tăng "nóng" thời gian qua như DRH, KSB, HUT, LDG, SCR, DLG…chịu áp lực bán mạnh và đồng loạt giảm sàn "trắng bên mua".

Ở chiều ngược lại, EIB, HAG, HNG, CTD, VGC là những cổ phiếu lớn hiếm hoi ngược dòng tăng điểm trong phiên hôm nay.

AAA của Nhựa An Phát Xanh đóng cửa giảm 450 đồng với khối lượng khớp lệnh gần 1,8 triệu đơn vị. Trong quý 1/2020, lợi nhuận ròng AAA đạt 63 tỷ đồng, đi ngang so với quý trước. Tuy vậy, tỷ suất lợi nhuận hoạt động vẫn cải thiện nhẹ lên 5,4% trong Q1/2020 từ mức 5,1% trong Q4/2019. SSI Research ước tính lợi nhuận của công ty có thể tăng trong các quý sắp tới khi một phần khu công nghiệp có thể được cho thuê và mang lại khoảng 500 tỷ đồng lợi nhuận cho cả năm 2020. SSI Research cũng ước tính doanh thu hợp nhất năm 2020 của AAA đạt gần 7.500 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 451 tỷ đồng.

Anphat Holdings, công ty mẹ của AAA, có dự án PBAT với vốn đầu tư khoảng 73,5 triệu USD, dự kiến sẽ khởi công vào đầu năm 2021 và hoàn thành sau 18 tháng. Dự án có công suất hàng năm là 20 nghìn tấn hạt nhựa PBAT, một nguyên liệu sinh học tự hủy.

Theo Ban lãnh đạo, dự án nguyên vật liệu tự hủy này có thể giúp AAA giảm thiểu chi phí sản xuất đối với bao bì và dao kéo nhựa tự hủy, các sản phẩm hiện đang chiếm khoảng 10% tổng sản lượng tiêu thụ các thành phẩm của AAA. Tỷ trọng này dự kiến tăng lên 30-40%, tương đương 30-40 nghìn tấn/năm, trong 3-5 năm tới. SSI Research cho rằng dự án này sẽ giúp giảm chi phí nguyên liệu nhựa sinh học khoảng 30% so với giá nhập khẩu.

Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 22,62 điểm (2,65%) xuống 829,36 điểm; HNX-Index giảm 2,76% xuống 110,32 điểm và UPCom-Index giảm 2,15% xuống 55,2 điểm. Thanh khoản thị trường tăng lên khá cao với giá trị giao dịch 3 sàn đạt gần 6.500 tỷ đồng, trong đó giá trị khớp lệnh đạt hơn 5.000 tỷ đồng.

Số mã giảm trên 3 sàn áp đảo hoàn toàn với 605 mã (bao gồm 91 mã giảm sàn), trong khi số mã tăng chỉ là 161.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị 150 tỷ đồng, lực bán tập trung vào VNM (66 tỷ đồng), SSI (36 tỷ đồng), VIC (20 tỷ đồng).

=================================

Áp lực bán tiếp tục tăng mạnh ngay từ những phút đầu phiên chiều. Tại thời điểm 13h25’, chỉ số VN-Index giảm 24,4 điểm (2,86%) xuống 827,58 điểm; HNX-Index giảm 2,96% xuống 110,09 điểm và UPCom-Index giảm 1,43% xuống 55,6 điểm.

Số mã giảm trên toàn thị trường lên tới 591 mã, áp đảo hoàn toàn so với 126 mã giảm. Trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn hiện chỉ có CTD, VGC là những cái tên hiếm hoi giữ được sắc xanh.

==================================

Phiên giao dịch sáng diễn ra với áp lực bán mạnh trên toàn thị trường. Lo ngại làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát trên Thế giới cùng số liệu GDP Việt Nam quý 2 đạt 0,36%, thấp nhất trong vòng 10 năm dù cao hơn so với kỳ vọng đã tác động tiêu cực tới tâm lý giới đầu tư.

Hàng loạt cổ phiếu lớnn hư BVH, FPT, GAS, MSN, VIC, VNM, VHM, VRE, MWG…cùng các cổ phiếu ngân hàng ACB, CTG, BID, VCB, MBB, VPB…đồng loạt giảm khiến thị trường thiếu đi lực đỡ và dễ dàng giảm sâu.

Đà giảm không chỉ tập trung ở nhóm vốn hóa lớn mà lan tỏa hầu hết các nhóm ngành như chứng khoán, bất động sản, xây dựng, dầu khí, khu công nghiệp, dệt may, hàng không…

Ở chiều ngược lại, HAG, BHN, CTD, VGC là những cổ phiếu lớn hiếm hoi tăng điểm trong sáng nay. Trong khi đó, THD của Thaiholdings tiếp tục chuỗi phiên tăng trần lên 34.200 đồng.

Tạm dừng phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm 18,67 điểm (2,19%) xuống 833,31 điểm; HNX-Index giảm 2% xuống 111,18 điểm và UPCom-Index giảm 0,99% xuống 55,85 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 3.000 tỷ đồng.

Khối ngoại bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị 120 tỷ đồng, lực bán tập trung vào các cổ phiếu như VNM, SSI, HDB.

======================================

Áp lực bán càng lúc càng mạnh trên tất cả nhóm ngành. Thông tin GDP quý 2 tăng trưởng 0,36%, thấp nhất trong vòng 10 năm qua đã tác động tiêu cực tới tâm lý giới đầu tư, dù rằng con số này tích cực hơn nhiều dự báo có thể tăng trưởng âm trước đó được đưa ra.

Tại thời điểm 10h45’, chỉ số VN-Index giảm 19,26 điểm (2,26%) xuống 832,72 điểm; HNX-Index giảm 2,11% xuống 111,05 điểm và UPCom-Index giảm 1,1% xuống 55,79 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức trung bình với giá trị giao dịch 3 sàn đạt gần 2.500 tỷ đồng.

==================================

Lo ngại làn sóng Covid-19 thứ hai bùng phát trên Thế giới đã khiến nhiều thị trường chứng khoán Châu Á "đỏ lửa" trong sáng đầu tuần và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ. Áp lực bán tăng mạnh ngay từ những phút mở cửa khiến các chỉ số chìm sâu trong sắc đỏ và VN-Index mau chóng mất hơn 10 điểm sau ít phút giao dịch.

Trong nhóm Bluechips, hầu hết các cổ phiếu lớn như BVH, FPT, GAS, HPG, MSN, VIC, VNM, VRE, VHM, MWG…cùng với các cổ phiếu ngân hàng BID, CTG, VCB, ACB, MBB…đều giảm điểm đã tác động tiêu cực tới thị trường.

Đà giảm diễn ra trên hầu hết các nhóm ngành khác như chứng khoán, bất động sản, xây dựng, dầu khí, hàng không, khu công nghiệp…

Ở chiều ngược lại, EIB, VJC, CTD, VGC là một trong số ít cổ phiếu lớn tăng điểm, dù rằng mức tăng là không quá mạnh.

Tại thời điểm 9h50’, chỉ số VN-Index giảm 8,64 điểm (1,01%) xuống 843,34 điểm; HNX-Index giảm 1,2% xuống 112,09 điểm và UPCom-Index giảm 0,75% xuống 55,99 điểm. Thanh khoản thị trường đạt 1.000 tỷ đồng.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên