MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán mạnh cuối phiên, VN-Index giảm hơn 11 điểm bất chấp nỗ lực từ VIC

Thị trường có một phiên dao động trong biên độ mạnh khi có thời điểm về gần tham chiếu nhưng rồi lại quay đầu giảm mạnh. PNJ, LDG, VGC giảm sàn với khối lượng lớn.

Mở cửa phiên chiều, dòng tiền đổ mạnh vào nhóm ngân hàng đã khiến chỉ số lấy lại mức điểm đã mất trong phiên sáng. Những cổ phiếu đầu ngành như VCB, CTG với lực mua mạnh mẽ đã đảo chiều tăng giá khiến VN-Index quay về sát mốc tham chiếu. Tuy nhiên, lực bán đã trở lại ở cuối phiên khiến các chỉ số đều đóng cửa ở mức giá giảm.

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 11,56 điểm (1,19%) về mức 957,35 điểm; HNX-Index giảm 2,6 điểm (2,38%) xuống còn 107,06 điểm và Upcom-Index giảm 0,31 điểm xuống 51,65 điểm. Thanh khoản của thị trường đã có sự cải thiện so với phiên hôm qua (nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận của YEG) khi tổng khối lượng giao dịch đạt 220 triệu đơn vị, tương ứng với tổng giá trị giao dịch đạt 5.216 tỷ đồng (trong đó có 1.080 tỷ đồng giao dịch thỏa thuận.

Trên sàn Hose, VNM là mã đứng đầu kéo tụt chỉ số khi giảm tới 5.000 đồng/cổ phiếu trong phiên hôm nay. Các mã ngân hàng như VCB, BID, CTG, TCB vẫn là những mã kéo thị trường đi xuống dù đà giảm đã co hẹp so với phiên sáng. MSN, VJC, SAB, HPG là các bluechips khác cũng giảm giá. Đáng chú ý, trong phiên hôm nay PNJ và LDG giảm sàn với thanh khoản lớn.

Ở chiều ngược lại, VIC, YEG, NLG là những cổ phiếu tăng giá giúp nâng đỡ thị trường.

Trên sàn HNX, đáng chú ý nhất trong phiên giao dịch hôm nay là cổ phiếu VGC của Tổng công ty Viglacera khi giảm sàn với tổng lượng dư bán gần 750 nghìn đơn vị. Ngoài ra tổng lượng dư bán ở các mức giá lên tới 75 triệu đơn vị, như vậy có thể việc chào bán thoái vốn của Bộ Xây dựng tại công ty này diễn ra không thành công. Bên cạnh đó cổ phiếu ACB,VCG cũng giảm mạnh, VCS tiếp tục mò đáy chính là nguyên nhân khiến HNX-Index giảm sâu trong phiêm hôm nay.

==================================

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 8,26 điểm (0,85%) còn 960,65 điểm; HNX-Index giảm 1,69 điểm (1,54%) còn 107,98 điểm còn Upcom-Index giảm 0,33 điểm còn 51,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh trên cả 3 sàn đạt 120 triệu đơn vị, tương mức với tổng giá trị đạt 2.680 tỷ đồng (trong đó giao dịch thỏa thuận đạt 682 tỷ đồng).

Áp lực bán tăng mạnh trong thời điểm cuối phiên sáng khi có tới 350 mã giảm giá và chỉ có 130 mã tăng giá. Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhân tố khiến thị trường giảm mạnh nhất, và lan tỏa ra các nhóm ngành khác như chứng khoán, xây dựng, vật liệu xây dựng, tiêu dùng. Trong nhóm cổ phiếu VN30 chỉ có 3 mã tăng giá.

VIC, GAS và BMP là những bluechips giúp thị trường không giảm sâu. Cổ phiếu mới lên sàn của Yeah1 (YEG) tiếp tục có phiên trần và được khối ngoại mua vào tới 61 tỷ đồng trong phiên sáng nay. Với mức giá này, vốn hóa thị trường của YEG đã đạt trên 8.700 tỷ đồng và đóng góp đáng kể tới chỉ số.

Trên sàn HNX, các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất tiếp tục gây thất vọng khi lần lượt ACB, VCS, VGC, VCG, DL1, SHB đồng loạt giảm giá trong khi đóng góp của những mã tăng giá là không đáng kể khiến cho HNX-Index tiếp tục giảm sâu.

Thị trường mở cửa trong tâm lý bi quan khi chứng khoán thế giới ghi nhận thêm 1 phiên giảm điểm. Sự lo lắng của nhà đầu tư không chỉ thể hiện trên điểm số mà còn ở mức thanh khoản của thị trường.

Bán mạnh cuối phiên, VN-Index giảm hơn 11 điểm bất chấp nỗ lực từ VIC - Ảnh 1.

Tính đến thời điểm 10h, VN-Index giảm 7,78 điểm (0,8%) xuống 961,13 điểm; HNX-Index giảm 1,18 điểm (1,08%) xuống còn 108,47 điểm và Upcom-Index cũng giảm nhẹ 0,17 điểm còn 51,79 điểm. Thanh khoản của thị trường suy giảm mạnh khi tổng giá trị khớp lệnh chưa đến 1.000 tỷ đồng. Thị trường ghi nhận 125 mã tăng giá trong khi đó có tới 278 mã giảm giá.

Cổ phiếu ngành ngân hàng tiếp tục có một phiên kéo lùi thị trường khi cổ phiếu của các ngân hàng lớn đồng loạt giảm giá (VCB, ACB, CTG, BID, TCB...) chỉ có KLB, BAB là giữ được mức giá tham chiếu. Nhóm ngành thực phẩm- tiêu dùng (VNM, SAB, MSN) hay nhóm chứng khoán (HCM, SSI, VCI), nhóm xây dựng (CTD, HBC) cũng giảm điểm trong phiên sáng nay.

Ở chiều ngược lại, VIC đang tăng mạnh trong phiên giao dịch không hưởng quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 21%. GAS cũng tăng giá nhẹ với lực mua từ khối ngoại. Trong đêm qua giá dầu thế giới tiếp tục có phiên tăng thứ 4 liên tiếp, giá dầu WTI tiệm cận mức 72 USD/ thùng. 

Đáng chú ý, hợp đồng phái sinh tháng 7 hiện đang giao dịch ở mức giá tăng so với hôm qua dù thị trường cơ sở vẫn đang giảm. Cổ phiếu BBT có phiên trần thứ 13 liên tiếp kể từ khi quay lại thị trường. 

Mai Ngọc

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên