Áp lực tăng lãi suất khá lớn
Nhiều chuyên gia đánh giá mặt bằng lãi suất thị trường chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như lạm phát, tỷ giá, thanh khoản (bao hàm cả nợ xấu), mục tiêu tăng trưởng tín dụng và áp lực từ thị trường tài chính thế giới… Chính vì thế mà lãi suất năm nay dự tính sẽ cao hơn năm 2016.
- 17-02-2017Tỷ giá USD/VND bập bênh với lãi suất
- 16-02-2017Tính “hai mặt” của bỏ trần lãi suất
- 15-02-2017Lãi suất sẽ cạnh tranh hơn
Đầu năm lãi suất đã “bật” tăng
Từ ngày 8.2, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 7-11 tháng ở Ngân hàng Phương Đông (OCB) sẽ nhận mức lãi suất 6,6-7% mỗi năm, tăng 0,1-0,2% so với trước. Hiện lãi suất cao nhất của OCB là 7,7% với kỳ hạn 13 tháng trở lên.
Trước đó, vào ngày đầu tiên hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (mùng 6 Tết, tức ngày 2.2), Eximbank cũng công bố biểu lãi suất mới với tiền đồng, tăng 0,1-0,2% mỗi năm ở một số kỳ hạn. Hồi đầu tháng 1, ngân hàng này cũng đã tăng lãi 0,1-0,2% ở một số kỳ hạn. Các ngân hàng như VPBank, DongA Bank, TPBank, Techcombank... đều đồng loạt cộng thêm 0,1-1,2% mỗi năm cho tiền gửi VND ở một số kỳ hạn ngắn.
Về việc một vài ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động khoảng 0,1-0,3%/năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, việc điều chỉnh lãi suất này chỉ diễn ra ở một số NHTM cổ phần nhỏ, không phản ánh xu hướng chung của toàn thị trường.
Cũng theo NHNN thì với việc điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ của NHNN, đặc biệt là nghiệp vụ thị trường mở nhằm đảm bảo thanh khoản cho hệ thống các TCTD dịp cuối năm, thị trường tiền tệ được giữ ổn định, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của toàn hệ thống tiếp tục ổn định.
Hiện, mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-7%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.
Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết thanh khoản hợp lý, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ nhằm phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất. Chỉ đạo các TCTD cân đối vốn giữ ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động và nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.
Lãi suất năm nay cao hơn 2016?
Nhận định về tình hình lãi suất năm 2017, một số chuyên gia nhận định lãi suất năm nay sẽ cao hơn năm ngoái. Trong báo cáo Triển vọng năm 2017, CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tăng thêm 0,5-1%/năm trong năm.
Theo đó, có ba lý do giải thích cho áp lực gia tăng lãi suất này. Thứ nhất, tín dụng được dự báo sẽ vẫn duy trì ở mức cao (17-18%) nhằm mục tiêu hỗ trợ cho tăng trưởng. Thứ hai, lạm phát sẽ tiếp tục chịu áp lực gia tăng và đây sẽ là cơ sở để tăng lãi suất danh nghĩa. Thứ ba, NHNN cần duy trì một độ rộng hợp lý cho lãi suất VND so với USD, và việc Fed dự kiến có thêm ba lần điều chỉnh lãi suất nữa trong năm 2017 dự kiến làm áp lực tăng lãi suất VND.
Theo đánh giá của BVSC, tín dụng hồi phục cộng với mặt bằng lãi suất ổn định đang có sự hỗ trợ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Thêm vào đó, một tín hiệu tích cực là nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm, chỉ còn 2,46% vào thời điểm 30.11.2016 so với mức 2,72% của một năm trước đó.
Tuy nhiên, thách thức trong điều hành thị trường tiền tệ đối với NHNN trong năm 2017 vẫn lớn khi tăng trưởng tín dụng hồi phục cũng đồng thời tạo ra quán tính tăng thêm lớn hơn cho những năm sau, tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất và lạm phát. Theo kế hoạch tăng trưởng 5 năm 2016-2020, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5-7%. Áp lực lên thị trường tiền tệ là lớn nếu Chính phủ muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng cao này.
Nhận định về xu hướng lãi suất năm 2017, TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, mặt bằng lãi suất thị trường chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như lạm phát, tỷ giá, thanh khoản (bao hàm cả nợ xấu), mục tiêu tăng trưởng tín dụng và áp lực từ thị trường tài chính thế giới… đều là những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến lãi suất năm nay. Theo đó, ông Hiếu nhận định lãi suất khó giảm, thậm chí dự tính sẽ tăng hơn so với năm cũ.
Năm 2017, theo quy định của Thông tư số 06/2016/TT-NHNN, hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng từ 60% xuống 50%. Vì thế, nếu muốn duy trì chỉ số này, các ngân hàng phải cơ cấu lại nguồn vốn, thậm chí có thể phải tăng lãi suất huy động vốn trung dài hạn… Thực tế vừa qua, trong khi lãi suất kỳ hạn ngắn có xu hướng giảm, lãi suất kỳ hạn dài lại tăng. Các ngân hàng cho biết, đây là sự điều chỉnh khi ngân hàng đang muốn hướng dòng tiền của người dân vào kỳ hạn dài hơn để đáp ứng quy định thanh khoản mới của NHNN bắt đầu áp dụng từ đầu năm 2017.