img

Nhà báo Mỹ George Packer viết rằng “chống lại toàn cầu hóa cũng giống như từ chối bình minh”. Nhưng ngày nay chân lý ấy có còn đúng?

Tháng 1/1989, Thủ tướng Australia Bob Hawke kêu gọi các nước trong khu vực Thái Bình Dương cần có một sự hợp tác hiệu quả hơn về mặt kinh tế. Điều này dẫn đến cuộc họp đầu tiên của APEC – Asia Pacific Economic Cooperation, diễn đàn dành cho 21 nền kinh tế thành viên với mong muốn thúc đẩy hoạt động tự do thương mại trong khu vực. Cuộc họp diễn ra vào tháng 11 năm đó, tại thủ đô Canberra của Australia.

Là diễn đàn về hợp tác kinh tế, tất nhiên chủ đề xuyên suốt các kỳ họp cấp cao thường niên của APEC luôn luôn là toàn cầu hóa. Tuy nhiên, trong tuần lễ cấp cao APEC 2016 diễn ra tại Peru chỉ vài ngày sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, chủ đề này trở nên cấp thiết hơn cả. Tương lai của toàn cầu hóa đang bị đe dọa.  

APEC, toàn cầu hóa và những “cơn gió ngược” - Ảnh 1.

Và kể từ đó đến nay, khi APEC 2017 được tổ chức tại Việt Nam, thế giới vẫn tiếp tục chứng kiến những làn sóng chống toàn cầu hóa ngày càng dâng lên mạnh mẽ. “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” là phương châm hành động của Tổng thống Trump, dẫn đến nguy cơ chiến tranh thương mại luôn trực chờ. Trong khi tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu của Anh vẫn đang lâm vào thế bế tắc, một loạt cuộc bầu cử ở châu lục này đều chứng kiến sự trỗi dậy của những đảng có chủ trương đi ngược lại với tiến trình hội nhập. 

APEC, toàn cầu hóa và những “cơn gió ngược” - Ảnh 2.

Chỉ vài thập kỷ trước, toàn cầu hóa vẫn được cho là làn sóng không thể ngăn chặn. Nhà báo Mỹ George Packer viết rằng "chống lại toàn cầu hóa cũng giống như từ chối bình minh". Toàn cầu hóa diễn ra ở mọi nơi, từ ngành sản xuất đến ngành dịch vụ, từ dòng vốn đến các ý tưởng. Lợi ích lớn nhất mà toàn cầu hóa mang lại là giúp hoạt động giao thương giữa các quốc gia trở nên dễ dàng hơn. 

Vì toàn cầu hóa mà các nhà máy được chuyển từ các nước giàu với chi phí đắt đỏ sang những nước đang phát triển và khiến việc làm mất đi, nó đồng thời khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên rẻ hơn. Hầu hết các chuyên gia kinh tế và chính trị gia đều ca ngợi toàn cầu hóa. Nỗi lo về những hệ quả chính trị hoàn toàn mờ nhạt.

APEC, toàn cầu hóa và những “cơn gió ngược” - Ảnh 3.

Làn sóng toàn cầu hóa cũng thúc đẩy sự ra đời của nhiều tổ chức, diễn đàn thúc đẩy hợp tác đa phương mà APEC là một trong số đó. Nhóm ngày càng mở rộng với các chương trình nghị sự bao trùm nhiều chủ đề phong phú. Có sự góp mặt của nền kinh tế hàng đầu thế giới, 21 thành viên APEC hiện chiếm khoảng 59% GDP toàn cầu, 49% hoạt động thương mại của toàn thế giới tính đến năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người tăng 74%, giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo và tạo ra tầng lớp trung lưu đông đảo.

APEC, toàn cầu hóa và những “cơn gió ngược” - Ảnh 4.

Nhưng ngày nay, cử tri ở nhiều nơi trên thế giới đã chọn bỏ phiếu cho các ứng viên hứa hẹn sẽ quay lưng với toàn cầu hóa. Hàng triệu người chối bỏ quan điểm cho rằng không thể ngăn chặn toàn cầu hóa, dù họ chưa biết lá phiếu của mình sẽ dẫn đến điều gì. Thậm chí trong giới chuyên gia kinh tế cũng bắt đầu hoài nghi về toàn cầu hóa khi nghĩ đến tốc độ lây lan nhanh chóng của khủng hoảng tài chính.



APEC, toàn cầu hóa và những “cơn gió ngược” - Ảnh 5.

North Carolina (Mỹ) là một nơi thích hợp để hiểu rõ về cả hai mặt lợi và hại của toàn cầu hóa. Từ năm 1900, nơi đây trở thành "thủ phủ" ngành bông và sau này là dệt may nhờ chi phí rẻ và đã phát triển một nền kinh tế hùng mạnh. Tuy nhiên, đến năm 1982, nhà máy lớn nhất ở đây phải đóng cửa, báo hiệu một làn sóng khác xảy ra trên phạm vi toàn cầu. Lần này các nhà máy dịch chuyển sang Mỹ Latinh và châu Á, biến North Carolina từ nơi được hưởng lợi từ toàn cầu hóa thành bên bị thua thiệt. 

Thời kỳ cuối những năm 1990, một thành phố khác của bang này là Hickory - "thủ phủ" đồ nội thất nổi tiếng của nước Mỹ - đã tránh được những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, của cơn lũ hàng hóa nhập khẩu giá rẻ. Công nhân ngành thép từ Tây Virginia, Tennessee và xa hơn nữa vẫn đổ xô tới đây tìm việc trong các xưởng đóng giường tủ, bàn ghế cung cấp cho các hộ gia đình trên khắp cả nước. Hickory cũng đã trải qua nhiều cú sốc kinh tế, tuy nhiên chẳng có cú sốc nào mạnh bằng cú sốc "Made in China". Vì hàng Trung Quốc, nhiều nhà máy ở đây phải đóng cửa, hàng nghìn việc làm mất đi và năm 2010 tỷ lệ thất nghiệp lên tới hơn 15%.

APEC, toàn cầu hóa và những “cơn gió ngược” - Ảnh 6.

Ở Mỹ, không khó để bắt gặp những câu chuyện tương tự. Dù Mỹ có nhiều hiệp định thương mại (cả song phương và đa phương) với nhiều nước giúp tạo thuận lợi cho các nhà xuất khẩu, nhiều người cho rằng Mỹ luôn phải chịu thiệt khi đối phương sử dụng những chính sách trợ cấp không công bằng và quy định lỏng lẻo.  

Dòng vốn tự do di chuyển cũng là nguyên nhân gây nên sự bất mãn. Mỹ đã cáo buộc nhiều tập đoàn lớn trốn thuế bằng cách chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế, trong khi người châu Âu buộc tội các doanh nghiệp Mỹ sử dụng quá nhiều mánh khóe để né thuế. Một hệ quả khác là sự hội nhập sâu rộng khiến các rắc rối như khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Mỹ hay khủng hoảng nợ ở Hy Lạp dễ dàng lây lan.

APEC, toàn cầu hóa và những “cơn gió ngược” - Ảnh 7.

Một số người cho rằng vấn đề không chỉ nằm ở các lợi ích kinh tế, bởi hiện tại cả Anh và Mỹ đều có tốc độ tăng trưởng GDP không tệ và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống dưới 5%. Thay vào đó, các cử tri ở đây lo ngại sâu sắc hơn về vị thế đang bị đe dọa. Những lo ngại ấy có thể xuất phát từ sự trỗi dậy của Trung Quốc hay những vết rạn nứt chính trong lòng một quốc gia. Ví dụ, người châu Âu phản đối làn sóng nhập cư không phải đơn thuần vì những tác động đến thị trường việc làm mà là mối lo môi trường sống phức tạp hơn sẽ trở nên nguy hiểm hơn. Không chỉ có vậy, nhiều người cảm thấy một nền kinh tế mở chỉ phục vụ lợi ích cho tầng lớp tinh hoa mà thôi.

APEC, toàn cầu hóa và những “cơn gió ngược” - Ảnh 8.

APEC, toàn cầu hóa và những “cơn gió ngược” - Ảnh 9.

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Pablo Fajgelbaum (ĐH California) và Amit Khandelwal (ĐH Columbia), trung bình nhóm những người có thu nhập cao sẽ mất 28% sức mua nếu các nước đóng cửa biên giới và chấm dứt giao dịch thương mại. Tuy nhiên nhóm 10% nghèo nhất sẽ mất tới 63% sức mua, đơn giản là bởi họ không thể mua những hàng hóa nhập khẩu giá rẻ. 

Nghiên cứu của Nicholas Bloom (ĐH Stanford) và Mirko Draca (ĐH Warwick) cùng với John Van Reenen (LSE) cũng chỉ ra rằng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc khiến nhiều việc làm mất đi và các doanh nghiệp yếu sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những doanh nghiệp sống sót dường như đã lột xác.

APEC, toàn cầu hóa và những “cơn gió ngược” - Ảnh 10.

Ông Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, nhận định đến nay thì toàn cầu hóa đã ít nhiều thay đổi nhưng những nguyên tắc cơ bản của quá trình này vẫn là mở ra khả năng chuyên biệt hóa hoạt động kinh tế, tạo ra tính kinh tế về quy mô (economies of scale) và về phạm vi (economies of scope). Đặc biệt ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hoạt động thương mại đã phát triển rực rỡ và giúp các nước tiến được những bước lớn trên chuỗi giá trị. 

Một số người cho rằng những người dễ bị tổn thương trước toàn cầu hóa không được cung cấp đầy đủ thông tin về các hiệp định thương mại mà nước họ sẽ tham gia. Đó là một luận điểm hợp lý. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng đôi lúc người ta đã lãng quên những lợi ích to lớn mà toàn cầu hóa đem đến cho tất cả mọi người ở tất cả các nước dù giàu hay nghèo. Chúng bị đánh giá thấp, bị coi là điều hiển nhiên hoặc thậm chí không phải ai cũng nhận ra.

APEC, toàn cầu hóa và những “cơn gió ngược” - Ảnh 11.

Các nước phương Tây đổ lỗi cho hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc nhưng dường như đã quên mất rằng cũng có rất nhiều việc làm bị mất đi vì công nghệ phát triển, vì máy móc đã có thể thay thế con người thực hiện một số công việc. Amazon khiến một loạt các chuỗi bán lẻ đóng cửa, trong khi Uber làm buồn lòng những tài xế taxi và xe ôm truyền thống. Tờ Financial Times đã dùng từ "factory fetish" (tạm dịch: hội chứng cuồng nhà máy) để miêu tả tầm quan trọng của ngành sản xuất trong mắt các chính trị gia. Họ đặc biệt yêu thích các nhà máy, nhưng thực tế là từ lâu nay chúng đã đi khỏi các nền kinh tế phát triển từ lâu rồi và được thế chỗ bằng các ngành dịch vụ. Ở Mỹ, việc làm trong ngành sản xuất chỉ chiếm chưa đến 10%.

APEC, toàn cầu hóa và những “cơn gió ngược” - Ảnh 12.

Quay lưng với toàn cầu hóa là một bước tụt lùi và đi ngược lại với quy luật phát triển tự nhiên. Nhưng để bánh xe lịch sử tiếp tục lăn bánh, các nước cần làm 3 điều: quản lý tốt lực cầu nội địa và gắn chặt mục tiêu này với chính sách điều hành kinh tế để tạo ra đà tăng trưởng bền vững; chăm lo tốt hơn cho những người bị bỏ lại phía sau bằng cách tăng cường đào tạo nghề, trợ giúp họ tìm kiếm công việc khác và thích nghi với môi trường mới. Cuối cùng, cần tạo ra môi trường cạnh tranh để thúc đẩy các doanh nghiệp cũng như người lao động liên tục đổi mới sáng tạo, tạo ra sức sống mới cho nền kinh tế.

APEC, toàn cầu hóa và những “cơn gió ngược” - Ảnh 13.

Các quốc gia sẽ phải đi một chặng đường dài để có thể thực hiện những giải pháp nói trên. Nhưng điều quan trọng nhất là rất nhiều chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập cần phải được thực hiện đồng bộ, thống nhất giữa các bên để đạt hiệu quả tối đa. Đó cũng chính là điều mà lãnh đạo các nền kinh tế APEC cần "khắc cốt ghi tâm" trong cuộc gặp mặt năm nay. 

Toàn cầu hóa thúc đẩy các quốc gia tiến đến thịnh vượng và khiến thế giới này trở nên nhỏ bé hơn. Đó là quá trình tất yếu trong sự vận động của nền kinh tế thế giới, giống như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng phát biểu tại ĐH Quốc gia Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam năm 2000: "Toàn cầu hóa cũng giống như một cơn gió hay một dòng nước. Chúng ta có thể lợi dụng sức gió để căng buồm ra khơi cũng như dùng sức nước để tạo ra năng lượng, và hãy cố gắng hết sức để bảo vệ con người và của cải trước bão lũ".

APEC, toàn cầu hóa và những “cơn gió ngược” - Ảnh 14.

Thu Hương
7pm
Theo Trí Thức Trẻ07/11/2017



Thu Hương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên