MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Apple nếm trái đắng khi lao mình vào lĩnh vực phát triển ô tô

18-10-2016 - 23:35 PM | Tài chính quốc tế

Đầu tư mạnh tay cho việc phát triển một chiếc ô tô năm 2014, Apple tiếp tục nối gót các công ty công nghệ nếm trái đắng khi cố bước chân vào lĩnh vực chế tạo xe hơi.

Năm 2014, Apple tung ra dự án lớn tên gọi Titan nhằm chế tạo một chiếc ô tô thương hiệu Apple. Tuy nhiên, sau 2 năm, Apple đã từ bỏ hoàn toàn giấc mộng này. Thay vào đó, hãng tập trung vào xây dựng phầm mềm cho xe tự lái để trang bị chúng cho các loại xe hơi truyền thống hoặc xe sử dụng năng lượng điện.

Việc một công ty công nghệ muốn thử sức trong lĩnh vực chế tạo ô tô không phải chuyện mới ở Thung lũng Silicon. Dù iPhone đã làm nên tên tuổi khắp thế giới nhưng đây vẫn chưa phải thời điểm phù hợp cho Apple trong việc tạo ra một chiếc xe hơi có thể thay đổi toàn cầu giống cách iPhone đã làm.

Trên thực tế, sản xuất ô tô là lĩnh vực khó. Tesla của tỷ phú Elon Musk phải vật lộn suốt cả thập kỷ trước khi đưa ra được mẫu xe có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Trong khi đó, Google cũng sớm nhận ra rằng chế tạo ô tô không phải thế mạnh của họ. Vì vậy, họ tập trung vào phát triển phần mềm để nó có thể vận hành trên xe hơi của các nhà sản xuất khác. Nếm trái đắng, Apple cũng bắt đầu đi theo sự khôn ngoan của Google khi chọn phát triển thế mạnh của mình.


Xe tự lái của Google.

Xe tự lái của Google.

Theo các chuyên gia, xe hơi là sản phẩm phức tạp với hàng trăm bộ phận chuyển động khác nhau. Khách hàng mong muốn chiếc xe của họ hoạt động tốt và đáng tin cậy trong nhiều năm với hàng trăm nghìn km, trên tất cả các địa hình cũng như điều kiện thời tiết khác nhau. Mọi sai lầm trong lĩnh vực chế tạo xe đều có thể phải trả giá bằng những đợt sửa chữa trị giá nhiều triệu USD.

Để thành công trong lĩnh vực kinh doanh ô tô đòi hỏi sự hoàn hảo tới từng chi tiết trong quá trình sản xuất, điều hiếm có ở thung lũng Silicon, nơi sự đổi mới thường được đề cao hơn so với sự tỉ mẩn tới hoàn hảo. Ngoài ra, các công ty sản xuất ô tô cũng cần đội ngũ đánh giá chất lượng sản phẩm chuyên nghiệp, nhằm phát hiện sai sót khi xe còn nằm trong xưởng. Tất cả những điều này cần nhiều năm để hoàn thiện thay vì phát triển nóng hổi như các công ty ở Thung lũng Silicon.

Tesla là ví dụ điển hình của một công ty công nghệ tham gia sản xuất xe hơi. Tuy nhiên, mẫu Model S của hãng đang gặp vấn đề với nấm mốc ở phần nóc xe, đặt biệt là các phương tiện hoạt động ở Na Uy. Cửa sổ nóc quá lớn khiến Model S khó khít và bị nước bị rò. Tuy nhiên, những khe hở này quá nhỏ khiến người dùng gần như không thể phát hiện.

Trở lại câu chuyện của Apple, việc chế tạo một chiếc iPhone cũng là quá trình phức tạp và đòi hỏi sự hoàn hảo. Tuy nhiên, khác biệt ở chỗ chiếc iPhone rất nhỏ còn ô tô thì quá to. Ô tô có nhiều bộ phận chuyển động trong khi iPhone gần như không có. Ngoài ra, ô tô được cấu thành từ các loại vật liệu khác nhau, khiến chúng trở nên khó khít trong những điều kiện môi trường khác nhau.

Tuy nhiên, các hãng công nghệ cũng có lợi thế mà các công ty sản xuất xe hơi không có. Việc tạo ra phần mềm đòi hỏi văn hoá đặc biệt, cấu trúc độc đáo và tập hợp các kỹ năng ấn tượng. Những điểm mạnh và điểm yếu của công nghệ và xe hơi bổ sung cho nhau, khiến ngày càng nhiều sự hợp tác giữa các công ty chuyên trách được tiến hành.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên