MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Át chủ bài" giúp Nhật Bản có thể tiếp tục nới lỏng tiền tệ bất chấp làn sóng tăng lãi suất

11-11-2022 - 11:09 AM | Tài chính quốc tế

"Át chủ bài" giúp Nhật Bản có thể tiếp tục nới lỏng tiền tệ bất chấp làn sóng tăng lãi suất

Các nhà phân tích cho rằng, con át chủ bài của BoJ có thể không phải là cơ may Fed đảo chiều lãi suất, mà là các cuộc đàm phán về tiền lương vào mùa xuân.

Với việc Nhật Bản là nền kinh tế lớn duy nhất vẫn áp dụng chính sách lãi suất bằng 0, BoJ đang có vẻ bị cô lập hơn bao giờ hết và phải chịu rất nhiều áp lực từ thị trường quốc tế. Tuy nhiên, nước Nhật đang đặt một ván cược khổng lồ rằng một loạt tiến triển ở cả trong và ngoài nước sẽ giúp giải quyết các vấn đề cấp bách nhất. Mức lương trong các công ty Nhật Bản đang tăng đáng kể, lạm phát “tốt” bắt đầu xuất hiện, đồng yên ổn định trở lại, Mỹ suy thoái nhẹ và FED đảo chiều chính sách lãi suất.

Tăng lương cần thiết

Các nhà phân tích cho rằng, con át chủ bài của BoJ có thể không phải là cơ may Fed đảo chiều lãi suất, mà là các cuộc đàm phán về tiền lương “shunto” vào mùa xuân.

Các cuộc nói chuyện thường niên giữa các công đoàn và người sử dụng lao động trong nhiều năm đã đem lại nhiều sự mong đợi, sau đó là sự thất vọng chung của người lao động trên khắp đất nước.

Có lẽ thời thế đã thay đổi, vì trong các cuộc đàm phán mùa xuân, Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản (Rengo) đang tìm cách tăng mức lương thêm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, thêm 3% so với lương cơ bản, mức cao nhất kể từ năm 1995.

Nếu một đợt tăng lương lớn như vậy có thể xảy ra, nó cũng sẽ trùng với sự kiện thay đổi chức vụ thống đốc BoJ khi nhiệm kỳ của ông Kuroda hết hạn vào tháng Tư.

Nếu mức lương có xu hướng tăng, thống đốc BoJ kế nhiệm có thể tự tin xem xét việc điều chỉnh lại chương trình nới lỏng tiền tệ định lượng và định tính (QQE).

Kuroda đã lập luận rằng thắt chặt chính sách tiền tệ bây giờ là quá sớm, khi mà lạm phát cơ bản của Nhật Bản dự kiến ​​sẽ giảm xuống dưới mục tiêu 2% vào năm tới, nhưng dự báo hiện tại của BoJ chưa tính đến khả năng các công ty sẽ tăng lương vào mùa xuân.

David Bowers, đồng sáng lập của Nghiên cứu Chiến lược Tuyệt đối, nói rằng: “Việc tăng lương được coi là 'bùa hộ mệnh' cuối cùng của Nhật Bản để tránh khỏi rơi vào tình trạng giảm phát. Nếu đàm phán thành công, thì có thể Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - dưới quyền người kế nhiệm Kuroda - có thể bắt đầu chuyển hướng khỏi kịch bản QQE của mình, điều này sẽ tác động đến đồng Yên và lợi suất trái phiếu không chỉ ở Nhật Bản mà trên toàn thế giới. ”

Tuy nhiên, các nhà kinh tế vẫn chưa thống nhất về việc các công ty sẽ sẵn sàng tăng lương cho nhân viên bao nhiêu sau thời gian dài từ chối. Trong khi một số doanh nghiệp đang từ từ tăng giá sản phẩm, những nhà sản xuất khác vẫn lo sợ người tiêu dùng sẽ chùn bước với mức giá cao hơn, đặt ra câu hỏi về con gà và quả trứng cho các công ty Nhật Bản.

Masahiro Okafuji, giám đốc điều hành của Itochu, một trong năm công ty kinh doanh lớn của Nhật Bản, cho rằng: “Nếu các công ty tạo ra lợi nhuận và tăng lương, nhu cầu có thể sẽ tăng lên. Nhưng cái nào có trước? Các doanh nghiệp thì không thể tăng lương nếu lợi nhuận không tăng, người tiêu dùng thì không thể chi nhiều hơn nếu mức lương của họ không tăng. Chúng ta không thể dễ dàng chỉ trích BoJ vì các công ty cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu đưa ra một quyết định sai lầm. ”

Đã đến lúc “mua Nhật Bản”?

Chỉ trong năm nay, đồng yên đã giảm 28% so với đồng đô la, điều này đã làm dấy lên câu hỏi lớn hơn về việc các thị trường Nhật Bản có đáng để đầu tư hay không.

Mười năm trước, các cải cách kinh tế và chính sách theo học thuyết “Abenomics” đã đưa các cổ phiếu niêm yết tại Tokyo, được đo lường bằng chỉ số Topix, vào một đợt tăng giá trong nhiều năm và tăng gần 100% về giá trị. Nhưng gần đây, chứng khoán Nhật Bản, ở một mức độ nào đó, đã trở thành một ví dụ điển hình khác cho thấy chính sách của BoJ đã vượt xa kế hoạch ban đầu.

Trong hai năm rưỡi sau khi ông Shinzo Abe lên làm thủ tướng vào năm 2012 và bổ nhiệm Kuroda làm thống đốc BoJ, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 25 triệu cổ phiếu Nhật Bản.

Trong những năm từ 2015 đến nay, họ đã hoàn toàn làm ngược lại, bán được 25,6 nghìn tỷ yên. Trong 10 năm qua, BoJ đã mua ròng 36 tỷ yên, thông qua chương trình mua ETF của mình.

Có vẻ thời cơ đã chín muồi cho một đợt tăng giá. Các công ty Nhật Bản có tình hình tương đối ổn định, và vì giá đồng Yên, nên giá cổ phiếu của họ cũng rất rẻ. Về lý thuyết, một làn sóng mua vào cổ phiếu nước ngoài mạnh mẽ sẽ làm tăng giá đồng Yên và tạo ra một áp lực tăng giá tự nhiên mà sẽ giúp các nhà chức trách Nhật Bản khỏi phụ thuộc vào tiền của Hoa Kỳ để tạo một lực hỗ trợ giả tạo.

Trên thực tế, đồng yên bị khóa trong một mô hình giao dịch biến động do các công ty và nhà quản lý tài sản Nhật Bản ồ ạt bán tháo. Trong khi điều đó đang gây ra sự bất ổn, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể từ chối “mua Nhật Bản”.

Bruce Kirk, Giám đốc Chiến lược Tài sản tại Goldman Sachs ở Tokyo, cho rằng tiền tệ ổn định là điều cần thiết để thu hút các quỹ đầu tư nhìn lại Nhật Bản. “Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang rất quan tâm tới Nhật Bản, nhưng điều đang kìm hãm họ là họ cảm thấy chưa biết đồng yên có thể giảm thêm bao nhiêu nữa, liệu 150 đã là mốc cuối chưa, hay liệu nó có thể giảm sâu hơn nữa, hướng tới 175 hoặc 200. ”

Các nhà phân tích cho rằng các nhà chức trách Nhật Bản có thể đang phản ứng hơi lộn xộn với sự biến động gần đây của đồng Yên. Bộ trưởng tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki và các quan chức khác liên tục đề cập đến việc các nhà đầu cơ đã quá đề cao vai trò của các quỹ phòng hộ và các nhà đầu tư đòn bẩy khác.

Shusuke Yamada, Giám đốc chiến lược cổ phiếu và ngoại hối Nhật Bản tại Bank of America, nói rằng "tiền thật" mới là động lực thúc đẩy đồng Yên giảm giá trong năm nay: các công ty Nhật Bản và các nhà quản lý tài sản trong nước của Nhật Bản phản ứng với chênh lệch tỷ giá, thâm hụt thương mại của Nhật Bản và thâm hụt đầu tư trực tiếp nước ngoài .

Không giống như giai đoạn ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi các nhà đầu cơ trong và ngoài nước sẽ vay đồng Yên và bán nó để mua các tài sản có lợi suất cao hơn (“carry trade” - mua bán chênh tỷ giá), hiện nay họ đã bớt hào hứng đối với các khoản đầu tư như vậy.

Yamada cũng cho biết thêm rằng, tất cả những gì ngân hàng trung ương có thể làm bây giờ là chờ đợi cơn bão qua đi. “BoJ đang cố câu giờ, hy vọng rằng tỷ giá của Hoa Kỳ đạt đỉnh và làm thị trường dịu đi được tới đâu hay tới đó. Điều này cuối cùng sẽ diễn ra như thế nào lại phụ thuộc vào phía Hoa Kỳ."

Hướng rút lui

Rất ít nhà kinh tế học kỳ vọng Kuroda sẽ thay đổi quan điểm trước khi nhiệm kỳ của ông hết hạn vào năm sau. Nhưng khi Nhật Bản thay đổi (sớm hay muộn, và nhiều người cho rằng đây là việc không thể tránh khỏi), thì đó sẽ là một câu chuyện đầy rủi ro.

Các chuyên gia đồng ý BoJ sẽ cần có những phương án giao tiếp triệt để với các thị trường khi có bất cứ dấu hiệu gì về việc bình thường hoá để tránh rủi ro hiểu sai. “BoJ sẽ cần phải đưa ra một kế hoạch cơ bản từ trước để thị trường có thể mong đợi những gì sắp tới”, cựu quan chức của BoJ nói.

Trong một cuộc họp báo tuần trước, Kuroda cho biết: “Mặc dù chúng tôi không nghĩ đến việc tăng lãi suất hoặc rút lui sớm. . . khi mục tiêu [lạm phát] 2% có thể đạt được, hội đồng chính sách sẽ cần thảo luận về chiến lược rút lui và điều quan trọng là phải truyền thông đúng cách với thị trường.”

Masamichi Adachi, nhà kinh tế trưởng tại UBS Tokyo, cho biết BoJ có khả năng đưa ra đánh giá công khai về tác động của chính sách tiền tệ của mình trong năm 2023 để báo hiệu một sự điều chỉnh sắp xảy ra. Ông cho biết, họ đã từng làm một việc tương tự như vậy trước khi khởi động chương trình kiểm soát đường cong lợi suất.

Adachi cho biết thêm, bước đầu tiên có thể là điều chỉnh các chính sách sắp tới của BoJ và mở rộng mục tiêu 0,25% đối với JGBs kỳ hạn 10 năm. “Chúng ta có thể gọi quá trình này là bước khởi đầu của quá trình bình thường hóa chính sách nhằm cải thiện chức năng của thị trường trái phiếu, cho phép khởi đầu suôn sẻ mà không gặp áp lực khó khăn từ thị trường”.

Vào thứ Tư, Kuroda đã đưa ra gợi ý lớn nhất rằng sắp tới có thể sẽ có một pha đảo chiều. Ông nói với quốc hội: “Nếu việc đạt được mục tiêu lạm phát 2% đi kèm với việc tăng lương, việc xem xét lại chính sách tiền tệ tất nhiên sẽ là điều cần thiết”.

Nhưng bất kỳ chỉnh sửa nào được cho là quá nhanh hoặc vượt quá mong đợi đều có thể gây ra hậu quả nhanh chóng trên thị trường.

Khi lợi suất ở Anh tăng đột biến do chương trình Ngân sách “nhỏ” (“mini” budget) vào tháng 9, Ngân hàng Trung ương Anh đã phải vào cuộc để hỗ trợ khi các quỹ hưu trí đối mặt với các vấn đề đột ngột về thanh khoản. Nếu ngân hàng trung ương Nhật Bản bị buộc phải thực hiện một hành động tương tự với các trái chủ, quy mô can thiệp sẽ cần phải lớn hơn rất nhiều - với nguy cơ lây lan toàn cầu cao hơn nhiều.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi trong nội bộ BoJ và chính phủ Nhật Bản, cuộc khủng hoảng trên thị trường trái phiếu chính phủ ở Anh đã trở thành một điển hình cần tránh. Mari Iwashita, Nhà Kinh tế tại Daiwa Securities, cho biết: “Bài học cho các thị trường cũng như các nhà hoạch định chính sách là Nhật Bản nên tránh gây ra các bất ổn trong chính sách của mình, như Vương quốc Anh.”

Cho đến giờ, các nhà hoạch định chưa đưa ra các phương án rút lui lộn xộn. Nhưng Kuroda sẽ cẩn thận theo dõi vòng flop (vòng chia 3 lá bài đầu tiên trong poker), hy vọng ông sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình với bộ bài đẹp nhất có thể.

Tham khảo Financial Times

Minh Lại

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên