Bà mẹ ở TP.HCM hoãn mua nhà 10 năm, bán tài sản để con học trường quốc tế: Vì tương lai con, mẹ không ngại chịu khổ
Không giống như các đại gia đóng tiền học cả năm cho con, chị Trân đóng theo từng tháng.
- 09-02-2022Chỉ số phát tài của 12 con giáp trong tháng Giêng: Đa số đều được thần tài chiếu cố, có người mua được nhà, số ít vẫn còn vất vả
- 09-02-20224 con giáp cần chú ý năm 2022: Hạn chế đổi việc, không nên mua nhà, cảnh giác tiểu nhân
- 03-02-2022Chỉ dùng 1 USD mỗi ngày, nhặt quần áo cũ về mặc, 34 tuổi đã mua 3 căn nhà: Đây chính là lý do khiến cô gái 'tiết kiệm nhất Nhật Bản' phải sống ki bo hết sức
Những năm gần đây, phụ huynh Việt Nam ngày càng có xu hướng cho con học trường quốc tế. So với trường công, môi trường ở trường quốc tế có phần năng động, cởi mở hơn. Học sinh không chỉ học các môn văn hóa, học Tiếng Anh với giáo viên bản địa mà còn được rèn luyện nhiều kỹ năng mềm, tham gia những hoạt động ngoại khóa thú vị, giao lưu văn hóa với học sinh đến từ các nước khác nhau,... Cơ sở vật chất hiện đại, xịn sò của trường quốc tế cũng là một điểm cộng trong lòng phụ huynh.
Tuy nhiên học phí trường quốc tế không hề rẻ. Một năm học tại trường quốc tế mức "rẻ" cũng dao động hơn 100 triệu đồng/năm. Với những trường quốc tế top đầu, học phí có thể lên tới hơn 700 triệu đồng/năm với lớp 12.
Nhiều gia đình tuy tài chính không quá khá giả nhưng vẫn cố gắng cho con học trường quốc tế. Họ lên kế hoạch tài chính bài bản, không tiếc hy sinh lợi ích trước mắt để con có môi trường học tốt nhất.
Học trường quốc tế là xu hướng của nhiều phụ huynh.
Hoãn mua nhà, bán tài sản để cho con học trường quốc tế
Chị Lê Trân (43 tuổi, TP.HCM) hiện đang sở hữu một thương hiệu nhượng quyền. Hai con của chị đều học ở trường quốc tế. Bé lớn học ở trường quốc tế Mỹ còn bé nhỏ học chương trình Homeschool của NewZealand.
15 năm trước chị Trân có dịp đến một ngôi trường quốc tế Mỹ đầu tiên mở tại TP.HCM. Thời điểm đó, chị cảm thấy choáng ngợp trước cơ sở vật chất, cũng như phương pháp giảng dạy y như trên phim ảnh của trường. Ngay thời khắc đó, bà mẹ này quyết tâm phải cho con học trường quốc tế bằng được.
"Thứ nhất, mình muốn con có môi trường tự do để phát triển, không bị gò ép, ràng buộc, quá mức khuôn khổ. Thứ hai về mặt kiến thức, hội nhập thế giới, mình thấy môi trường giáo dục phương Tây sẽ cập nhật nhiều hơn kiến thức mềm, xã hội, hơn là kiến thức trường học đơn thuần", chị Trân cho hay.
Tuy nhiên tài chính gia đình chị Trân khi ấy chưa dư dả và quyết định của chị đã gặp phải rất nhiều cản trở. "Đã có vài căn nhà cho thuê hay không?", "Đã có tài khoản chục tỷ chưa?", "Có nghĩ đến việc nửa đường hết tiền thì con phải chuyển sang học trường công? Liệu nó có thích nghi được không?",... là những câu hỏi bà mẹ này nhận được từ người xung quanh.
Trong đó, người phản đối kịch liệt nhất chính là chồng chị, bởi anh cho rằng "Tại sao phải đóng học phí 1 tháng của con bằng hơn 4 năm bố học đại học?". Lúc đó, chị Trân có công ty start-up riêng nhưng để cho con theo học trường quốc tế thì thực sự vẫn quá tầm. Bởi vợ chồng chị sẽ phải đối mặt với rất nhiều khoản chi. Ngoài tiền học của con thì còn sinh hoạt phí gia đình, tiền vận hành công ty,...
Dẫu vậy, chị Trân quyết định phải cho con học trường quốc tế bằng được, bởi chị hiểu rằng: Môi trường học tốt sẽ chắp cánh cho con bay xa trên đường đời.
Để có tiền cho con ăn học, bà mẹ này âm thầm đi xin việc ở một ngân hàng, nhằm có khoản tiền lương cố định hàng tháng. Chị tin rằng, khi nhìn thấy sự tự tin, tiến bộ của con thì chồng sẽ hiểu và ủng hộ vợ.
Năm 2008, chị Trân bắt đầu cho con đi học trường quốc tế. Thời điểm này, vợ chồng chị Trân vẫn chưa có nhà riêng. Cả hai quyết định hoãn việc mua nhà, sinh hoạt trong căn phòng 15m2 (trong ngôi nhà 5 tầng sống chung với đại gia đình) và để dành tiền đầu tư cho con. Suốt 10 năm, chị Trân chở xe máy đưa con đi học, cho đến khi không chở được nữa thì mới sắm xe.
Không giống như các đại gia đóng tiền học cả năm cho con, chị đóng theo từng tháng. Khi mang bầu bé thứ 2, chị Trân mất việc ở ngân hàng và thực sự khó khăn. Có tháng, chị thậm chí còn nợ học phí, phải xin hiệu trường cho khất. Hay có thời điểm, chị phải bán tài sản để tiếp tục đáp ứng việc học cho con.
"Bởi vì lúc đầu mình không có một số tiền lớn nên phải đóng từ từ từng tháng một. Nếu như đóng 12 năm trọn gói thì tính ra tiết kiệm hơn nhiều. Mình đóng lẻ nên số tiền rất lớn. Lúc bắt đầu thì học phí của một bé là khoảng 6-7k USD/năm (khoảng 136-159 triệu đồng), đến giờ là tăng lên khoảng 30k USD/năm (hơn 684 triệu đồng). Học phí của 2 bé là khoảng hơn 1 tỷ", chị Trân cho biết.
Đã có những lúc bà mẹ này cảm thấy gục ngã, áp lực vì số tiền học phí lớn, nhất là khi việc kinh doanh không suôn sẻ. Tuy nhiên, chính những khó khăn này lại trở thành động lực khiến chị Trân quyết tâm phải làm việc chăm chỉ để cho con có tương lai tốt đẹp nhất.
Chị làm thêm nhiều công việc một lúc, mở rộng việc kinh doanh. Bên cạnh đó, sau 6 tháng con lớn đi học trường quốc tế, chồng chị Trân cũng nhận ra sự khác biệt của con và quyết tâm cùng vợ lo cho con ăn học.
Thấm thoắt, cả hai đã nuôi con học trường quốc tế được hơn 13 năm. Nhờ làm việc chăm chỉ, vợ chồng chị đã mua được một căn chung cư cao cấp, và học phí hiện tại của 2 con không còn là vấn đề. Ngoài việc học ở lớp, các con chị có sinh hoạt thêm ở các câu lạc bộ piano, ice-skating, ballet,... Học phí sẽ dao động từ 500k - 1tr/giờ học. Việc học ngoại khóa, chị Trân không ép mà để cho các con tự lựa chọn. Các con cũng phải sắp xếp thời gian để có thể cân bằng việc học trên lớp, học ngoại khóa.
Việc học ở trường quốc tế có 2 mặt
Theo chị Trân, điều gì cũng có 2 mặt. "Khi cho con học trường quốc tế, năng lực cá nhân của con rất lớn, tính chủ quyền cao và con sẽ có cá tính riêng, đòi hỏi được phát triển sự cá tính đó. Cho nên, cha mẹ sẽ khó ràng buộc con vào điều gì đó, nếu như không cho con biết lý do rõ ràng. Với văn hóa phương Đông, đó có thể là điều khiến cha mẹ khó chấp nhận. Chúng ta không thể dùng quyền lực để áp chế "Con phải làm cái này, con không được làm cái kia".
Tuy nhiên, con sẽ năng động, tự do, biết rõ bản thân muốn gì, mạnh ở điểm gì. Con sẽ không bị rập khuôn, chạy theo điểm số. Điều này giúp con lựa chọn công việc trong tương lai sáng suốt hơn".
Nói thêm về trường quốc tế và trường công, chị Trân bày tỏ quan điểm, không phải học sinh trường quốc tế giỏi giang hơn trường công. Nhiều em trường công còn học giỏi hơn trường quốc tế rất nhiều. Điều mà bà mẹ này quan tâm là những năng lực, kỹ năng mềm của con.
Chẳng hạn như trường con chị, học sinh lớp 10 đã được học, phân tích tài chính, các loại hình đầu tư. Và những thứ này giúp học sinh được hội nhập tốt hơn, được va chạm nhiều thứ xã hội hơn,...
Nói về nhiều phụ huynh có tài chính không quá dư dả nhưng vẫn cố gắng cho con học trường quốc tế, từ câu chuyện của mình, chị Trân đưa ra lời khuyên: "Sau nhiều năm, mình thấy có vài thứ như này: Thứ nhất phụ huynh phải xác định mong muốn của mình khi cho con học trường quốc tế là gì? Thứ hai, phụ huynh nên có vài nguồn thu nhập, nếu chỉ có một nguồn thu nhập thì sẽ "căng" và khoản tiền học phí cho con cần dao động trong khoảng 20% tổng thu nhập của gia đình, như vậy sẽ đỡ áp lực hơn.
Thật ra, cha mẹ luôn cố gắng phấn đấu, làm việc chăm chỉ để cho con ăn học, nhưng một khi đã áp lực quá mức thì chúng ta dễ đổ thừa cho con, gây tâm lý tổn thương cho cha mẹ. Điều này nhiều khi cha mẹ không để ý, chẳng hạn như khi chúng ta kêu ca "Có biết bố mẹ phải đóng cho con nhiều tiền thế nào không?",...
Ngoài ra, còn có yếu tố thời gian nữa. Nhiều cha mẹ nghĩ đóng tiền học cho con là xong rồi. Nhưng thực chất, với những đứa trẻ càng được tiếp xúc với môi trường giáo dục tiên tiến, văn minh thì chúng ta càng cần phải dành nhiều thời gian để đồng hành bên con hơn".
Pháp luật và bạn đọc