Bác sĩ cảnh báo: Thói quen khi chơi thể thao dễ dẫn tới mòn sụn, giảm tuổi thọ của khớp
Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Đức, trong những năm gần đây, bệnh viện tiếp nhận khá nhiều trường hợp do chấn thương thể thao chiếm gần 50% số trường hợp.
- 24-03-2019Bài tập loại bỏ chứng tắc nghẽn bạch huyết, giảm đau xương khớp dành cho người ngồi nhiều
- 26-01-2019Nghe thì tưởng không liên quan nhưng đây lại là những triệu chứng cho thấy xương của bạn đang có vấn đề
Những chấn thương hay gặp phải
Trường hợp bệnh nhân N.V.T (37 tuổi) bị đau cổ chân do chơi bóng đá, đau dai dẳng kéo dài sau chấn thương 1 năm. Một năm trước đây, anh đã đi khám tại một bệnh viện nhưng không thấy tổn thương gãy xương, trật khớp nên chỉ được cho thuốc về nhà điều trị.
Bệnh nhân T, đã uống thuốc nhưng không hết đau, sau đó đã điều trị tại nhiều nơi nhưng đau liên tục tăng dần.
Bệnh nhân đã tới Bệnh viện Việt Đức khám, kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy hình ảnh tổn thương sụn xương sên ở cổ chân. Xương sên là loại xương nhỏ ở phần cổ chân, nằm giữa xương chày và xương bàn chân.
Người gặp chấn thương xương sên sẽ rất khó khăn khi vận động. Vùng cổ chân có thể bị sưng tấy, khó cử động khớp cổ chân linh hoạt.
Bệnh nhân được mổ nội soi, điều trị tổn thương. Sau mổ hết đau, biên độ vận động được cải thiện, sau vài tuần bệnh nhân có thể quay trở lại sinh hoạt bình thường.
Bệnh nhân bị chấn thương xương sên do chơi đá bóng, ảnh BVCC.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa Phẫu thuật Chấn thương y học thể thao và chi trên, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay, trong những năm gần đây, bệnh viện tiếp nhận khá nhiều trường hợp do chấn thương thể thao chiếm gần 50% số trường hợp.
Số bệnh nhân bị chấn thương thể thao nhiều nhất ở lứa tuổi từ 20-40 tuổi, chiếm tới 70-80% số bệnh nhân chấn thương thể thao. Các môn thể thao hay gặp chấn thương nhất là bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, thậm chí là tập yoga…
Không tự ý điều trị tại nhà
Cũng theo PGS.TS Khánh, chấn thương do thể thao có nhiều mức độ. Nhẹ nhất là sưng nề phần mềm, làm người tập đau, khó chịu. Nặng thì khiến người bệnh đau dai dẳng, kéo dài, có thể giãn dây chằng bên ở quanh khớp, đứt gân, đứt dây chằng chéo trước hoặc chéo sau ở khớp gối hoặc đứt dây chằng quanh khớp cổ chân…
Đa phần các bệnh nhân bị chấn thương do chơi thể thao đến viện trong tình trạng muộn hoặc do người bệnh chủ quan cố chịu đau, sau một thời gian không khỏi mới tìm đến bác sĩ.
"Đã có nhiều trường hợp để lại những biến chứng đáng tiếc như rách sụn chêm thứ phát, mòn sụn, làm giảm tuổi thọ của khớp… Nhiều trường hợp, người bệnh bị sưng khớp, trật khớp, đau mỏi còn điều trị bằng thuốc nam, châm cứu… sẽ làm cho bệnh càng nặng hơn", PGS.TS Khánh nói.
Chuyên gia khuyến cáo, khi chơi thể thao gặp chấn thường cần phải đi khám, không nên chủ quan, tự ý đi mua đơn thuốc về dùng, không dùng thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc đắp, hoặc xoa bóp… Một số trường hợp tìm đến các thầy lang để… kéo, nắn, giật rất nguy hiểm, gây khó khăn cho quá trình điều trị của bác sĩ về sau.
Trí thức trẻ