MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bác sĩ khuyên ăn thêm 3 thứ để tăng cường miễn dịch trong thời điểm dễ mắc cúm A

14-03-2023 - 18:58 PM | Sống

Cúm A là một loại cúm mùa phổ biến với cả người lớn và trẻ nhỏ. Thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường và độ ẩm không khí cao như hiện nay đang là môi trường thuận lợi để cúm A phát triển mạnh, thậm chí có nguy cơ bùng lên thành dịch.

Bác sĩ Zhang Chaoyong, Trưởng Khoa Nhi thuộc Trung tâm Y tế Lâm sàng Y tế Công cộng Thành Đô (Trung Quốc) cho biết, rất nhiều người lầm tưởng rằng cúm A chỉ thường gặp và gây hại với trẻ em. Tuy nhiên, dù là trẻ em hay người lớn, nhất là những người có miễn dịch kém, người lớn tuổi sẽ dễ bị cúm A tấn công và có những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là đe dọa đến tính mạng.

Các triệu chứng và nhóm người có nguy cơ cao mắc cúm A

Bác sĩ Zhang Chaoyong giải thích, cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra vào mùa đông - xuân, khi chuyển giao giữa hai mùa (cúm do mùa). Bệnh gây ra bởi các chủng của virus cúm A và lây lan qua đường hô hấp thông qua các hạt bụi, giọt nước li ti dính virus khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng.

 Bác sĩ khuyên ăn thêm 3 thứ để tăng cường miễn dịch trong thời điểm dễ mắc cúm A - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Do đó, bệnh cúm A lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, đặc biệt là những nơi tập trung nhiều người như các lễ hội, trường học, khu vui chơi, công sở…

Còn về triệu chứng của cúm A, tiến sĩ Li Ying thuộc Khoa Hô hấp, Bệnh viện Tương Á và là giảng viên tại Đại học Trung Nam (Hồ Nam, Trung Quốc) thì lại bày tỏ quan ngại bởi rất nhiều người thường bị nhầm lẫn nó với cúm thường. Ông nhấn mạnh, mặc dù cúm A và cúm thường đều có một số biểu hiện chung như ho, sốt, đau đầu, mệt mỏi nhưng cũng có những khác biệt nhất định. Để phân biệt, cần ghi nhớ những triệu chứng đặc hiệu của cúm A bao gồm:

- Ho.

- Đau đầu.

- Sưng hạch hầu họng, viêm, đau nhức vòm họng.

- Sốt cao trên 38.5 độ và kéo dài.

- Cơ thể mệt mỏi, đau nhức xương, cơ nặng, tê bì chân tay.

- Buồn nôn, nôn mửa (thường thấy ở trẻ em).

- Nhiều khi bệnh nặng sẽ có cảm giác khó thở, viêm phổi.

Ông cũng nhắc nhở các nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh cúm nói chung và cúm A nói riêng bao gồm:

- Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là những trẻ dưới 2 tuổi. Không chỉ dễ mắc cúm mà còn thường bị biến chứng nặng hơn.

- Người già trên 65 tuổi.

- Những người mắc bệnh tiềm ẩn, đang có bệnh lý nền, nhất là về hô hấp và tim mạch.

- Người thừa cân, béo phì, có chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn 30.

- Phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho con bú.

3 thực phẩm nên ăn nhiều hơn để phòng tránh cúm A

Về phòng tránh cúm A, các chuyên gia đều cho biết cần phải kết hợp nhiều yếu tố. Tuy nhiên, nhìn chung vấn đề quan trọng trước tiên là cần tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ đường hô hấp.

Cách đơn giản mà người lớn hay trẻ em đều có thể áp dụng để tăng cường miễn dịch là thông qua chế độ ăn uống. Có 3 nhóm thực phẩm nên ăn nhiều hơn để bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch bao gồm:

Một số thực phẩm giàu Protein

Protein được xem là chìa khóa để tăng cường miễn dịch. Có nhiều thực phẩm giàu protein, tuy nhiên nếu muốn tăng cường miễn dịch, phòng chống cúm A thì không nên bỏ qua: thịt bò, cá và đậu phụ.

 Bác sĩ khuyên ăn thêm 3 thứ để tăng cường miễn dịch trong thời điểm dễ mắc cúm A - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Thịt bò là loại thịt đỏ rất giàu axit amin, protein và các chất dinh dưỡng khác, có giá trị dinh dưỡng cao. Nhưng cũng không nên ăn quá nhiều thịt bò, cụ thể là dưới 80g cho một người mỗi ngày. Ngoài ra, không nên ăn thịt bò chưa chín kỹ, thịt bò sống và nên chế biến mềm để tốt cho tiêu hóa, nhất là đối với trẻ em.

Cá không chỉ giàu dưỡng chất mà còn giúp tăng cường miễn dịch rất tốt. Nhất là các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá cơm… Bởi vì ngoài protein dồi dào, cá còn chứa nhiều axit béo omega-3 và selen, vitamin D, kẽm. Các chất này giúp cải thiện chức năng của các tế bào miễn dịch giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Còn đậu phụ hoặc các thực phẩm họ đậu thì lại giàu và protein thực vật và chất xơ. Nó cũng chứa chất béo, carbs, khoáng chất cũng như các axit amin thiết yếu mà cơ thể cần. Chưa kể, đậu phụ cũng rất đa dạng cách chế biến, giá thành rẻ, mềm nên dễ nhai nuốt và tiêu hóa với cả trẻ em hay người lớn.

Rau củ quả giàu vitamin C

Vitamin C không chỉ cần thiết trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày của mọi lứa tuổi mà còn là “thần dược” với hệ miễn dịch.

Vitamin C góp phần tăng cường khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng bằng cách hỗ trợ chức năng của các tế bào khác nhau trong cả hệ thống miễn dịch. Nó hỗ trợ chức năng hàng rào biểu mô chống lại các mầm bệnh và thúc đẩy hoạt động quét oxy hóa của da. Nhờ vậy nó giúp bảo vệ chống lại sự oxy hóa của môi trường và giúp phòng ngừa nhiều bệnh tật, nhất là bệnh về đường hô hấp.

Nhưng cần phải hiểu rằng cơ thể không thể tự sản xuất hay tổng hợp vitamin C, vì vậy nên nguồn cung cấp loại dưỡng chất này chính là từ thực phẩm chúng ta tiêu thụ hàng ngày. Bác sĩ Zhang Chaoyong cũng nhắc nhở rằng không nên lạm dụng các thực phẩm chức năng hay viên uống bổ sung vitamin C. Thay vào đó, nên ưu tiên các loại rau củ quả giàu vitamin C như: ổi, dâu tây, nho, kiwi, cam, quýt, chuối, lê, táo, ớt chuông, bông cải xanh…

Bởi vì ngoài vitamin C thì các thực phẩm này còn giàu chất xơ và nhiều dưỡng chất khác. Tốt cho cả hệ hô hấp, miễn dịch, tiêu hóa và sức khỏe tổng thể của con người.

Một số loại gia vị

Bên cạnh những thực phẩm kể trên, một số loại gia vị cũng có thể mang đến những lợi ích rất tích cực trong việc phòng và hỗ trợ điều trị cúm A. Trong đó, không thể không kể đến: gừng, tỏi, nghệ, mật ong, bạc hà. Bởi vì chúng chứa các hợp chất chống vi khuẩn và chống viêm giúp tăng cường khả năng miễn dịch và chống nhiễm trùng, bảo vệ hệ tiêu hóa và hệ hô hấp.

Tỏi chứa chứa allicin, hợp chất sulfur… rất hiệu quả trong việc kháng khuẩn, tiêu viêm. Gừng giúp giải độc phổi, trong khi nghệ có đặc tính chống vi khuẩn. Nhiều loại lá tươi như húng quế, bạc hà và rau mùi cũng có thể được sử dụng để giải độc và có tác dụng làm dịu cơ thể.

Hay đối với mật ong, các chuyên gia hô hấp cho biết ngoài vitamin, khoáng chất thì nó còn nó có đặc tính sát khuẩn cao. Vì vậy rất tốt trong việc tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ hệ hô hấp, chống viêm cũng như loại bỏ nhiễm trùng. Ngay cả đối với những người đang mắc cúm A, uống mật ong điều độ sẽ giúp làm dịu cổ họng và hỗ trợ trị các triệu chứng một cách tự nhiên.

 Bác sĩ khuyên ăn thêm 3 thứ để tăng cường miễn dịch trong thời điểm dễ mắc cúm A - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, có một lưu ý là không ăn quá nhiều các loại gia vị trên, nhất là với trẻ em dưới 5 tuổi để tránh các tác dụng phụ không mong muốn. Ngoài ra, hãy giữ vệ sinh cá nhân thật tốt và đeo khẩu trang tại những nơi công cộng để phòng bệnh cúm A hiệu quả nhất.

Theo Ngọc Ái

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên