MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Bad bank" là gì và liệu đây có phải là "liều thuốc thần tiên" cho Deutsche Bank?

09-07-2019 - 12:45 PM | Tài chính quốc tế

Deutsche Bank sử dụng kế hoạch "bad bank" cho cuộc tái cấu trúc lần này. Dù dường như khá đơn giản nhưng ngân hàng lớn nhất nước Đức cũng sẽ phải chịu rủi ro và tốn kém không ít.

Khi một ngân hàng gặp phải rắc rối và quyết định thay đổi chiến lược, thì giải pháp có thể được áp dụng thường được gọi là "bad bank" (ngân hàng thu nợ xấu). Đó là một kế hoạch mà Deutsche Bank sử dụng để giúp họ phục hồi lợi nhuận bằng cách giảm sự tập trung vào mảng ngân hàng đầu tư. Tuy nhiên, dù ý tưởng này dường như khá đơn giản, nhưng việc thực hiện lại cực kỳ tốn kém.

1. "Bad bank" là gì?

Là nơi mà một định chế tài chính đang gặp khó khăn trong việc thu lời hoặc trong tình trạng tồi tệ có thể đặt tài sản vào đó để sẵn sàng cắt giảm hoặc bán bớt tài sản. Thông thường, tình huống này xảy ra khi các mảng kinh doanh hoặc các các tài sản thuộc sở hữu của ngân hàng nhưng đang khiến ngân hàng trở nên trì trệ, ví dụ như các công cụ phái sinh rủi ro, thanh khoản kém, hoặc có các khoản vay quá hạn. Tuy nhiên, từ "bad bank" có thể dễ gây hiểu lầm, bởi không phải tất cả mọi thứ trong đó đều ở tình trạng tồi tệ, ở đó có thể bao gồm những tài sản không còn là yếu tố cốt lõi đối với chiến lược của công ty. 

Nhiều ngân hàng, bao gồm Deutsche Bank, đã thành lập những bộ phận như vậy trong nội bộ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Những quốc gia như Đức, Tây Ban Nha và Ireland cũng thành lập những phương tiện được tài trợ bởi khoản thuế của người dân nhằm củng cố ngành công nghiệp và kiểm soát hộ gia đình, các công ty.

2. Deutsche Bank đang làm gì?

Deutsche Bank đang thành lập "đơn vị phát hành vốn" nhằm xử lý các tài sản phi chiến lược, để có thể tập trung vào các hoạt động kinh doanh chính. Các công ty holding và mảng kinh doanh liên quan được chuyển đến đơn vị đang nắm giữ 74 tỷ euro tài sản rủi ro và 288 tỷ euro rủi ro đòn bẩy tính đến cuối năm ngoái. 

Theo nguồn thạo tin, bộ phận này có thể sẽ nắm giữ tài sản từ bộ phận kinh doanh vốn, tài sản liên quan đến giao dịch lãi suất bên ngoài châu Âu, cũng như các khoản nợ và nợ xấu.

3. Có điều gì hấp dẫn ở kế hoạch này?

Đưa tài sản không cốt lõi sang một bộ phận riêng biệt có thể giúp kế hoạch tái cấu trúc hiệu quả hơn và minh bạch hơn, bằng cách công khai tài chính đối với các nhà đầu tư để họ có thể theo dõi quá trình này. 

Việc chuyển tài sản trong "bad bank" sau đó giải phóng vốn có thể được sử dụng để củng cố lợi thế về tài chính của công ty hoặc tái triển khai cho các mảng kinh doanh có lợi nhuận cao hơn. Nếu có một chi nhánh riêng biệt, quá trình này còn có thể cho phép một ngân hàng thu gọn bảng cân đối kế toán, hạn chế thua lỗ và bảo vệ các bên gửi tiền.

4. Khó khăn khi thực hiện kế hoạch tái cấu trúc?

Bước đầu tiên là rất trắc trở bởi việc tuyên bố về một loạt các hoạt động kinh doanh bết bát là điều không mong muốn. Đưa tài sản vào "bad bank" có thể có nghĩa là Deutsche Bank phải chấp nhận rằng các tài sản cho vào đây sẽ có giá trị thấp hơn ước tính trước đó. Theo đó, giá trị của chúng trong sổ sách của công ty sẽ sụt giảm và phải xác định trước các khoản lỗ sau này khi được bán ra. 

Deutsche Bank phải đối mặt với sự đánh đổi đầy thách thức giữa việc bán ra nhanh và giảm thiểu lỗ. Các bên mua đang ở vị thế có lợi hơn bởi họ biết rằng ngân hàng này đang muốn loại bỏ số tài sản trên và có thể phải chấp nhận mức giá thấp hơn nếu việc bán ra giúp họ giảm thiểu rủi ro. 

5. Cách này đã từng được áp dụng hiệu quả chưa?

Rồi. Ví dụ điển hình nhất là Citigroup, năm 2009 đã ra mắt một bộ phận nhằm cắt giảm hàng trăm tỷ USD tài sản ngoài ý muốn. Michael Corbat, lãnh đạo của đơn vị này, tiếp tục điều hành ngân hàng. Royal Bank of Scotland đã ghi nhận "kỳ tích" tương tự, sống sót trở về từ bờ vực thẳm sau cuộc khủng hoảng tài chính và sau đó tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi ở Anh. Trong khi 2 ngân hàng đều được hưởng lợi từ các khoản tiền thuế trong công quỹ, thì Deutsche Bank và nhiều ngân hàng khác tìm cách tự cải tổ. 

Nhìn lại, nhiều ngân hàng có thể đã thành công nếu họ nhận tiền công quỹ. Số khác thì từ chối. Credit Suisse đã đóng cửa đơn vị giải quyết chiến lược vào năm ngoái, là một phần của kế hoạch thay đổi trong bối cảnh các mảng kinh doanh thương mại gặp biến động nhằm quản lý tài sản một cách ổn định hơn. Kể từ khủng hoảng tài chính, các nhà hoạch định chính sách của EU đã tìm cách hạn chế sử dụng vốn công quỹ để giải cứu ngân hàng. "Bad bank" vẫn là một cách để giải quyết đối với những ngân hàng thua lỗ, nhưng khoản thuế mà người dân đóng không thể chỉ đơn giản là được yêu cầu chi trả.

6. Có hiệu quả với Deutsche Bank ở lần áp dụng trước hay không?

Đó là sự thành công đối với Deutsche Bank, nhưng lại tốn kém và mất nhiều thời gian. Năm 2012, đơn vị này đã thu hút các bộ phận không mong muốn của các công ty trong quá trình mở rộng mảng ngân hàng bán lẻ và quản lý tài sản. Tuy nhiên, chi nhánh đầu tư lại chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khối tài sản bị chia lẻ. Trong đó bao gồm chứng khoán bảo đảm bằng tài sản, cho vay bất động sản thương mại, các công cụ phái sinh và tài sản liên quan đến trái phiếu. Họ cũng bán các mảng kinh doanh từ casino cho tới cảng ở New Jersey. 

Cuối cùng, bộ phận đã có thêm 2% điểm cho thước đo về quyền lực tài chính của ngân hàng trong năm 2016. Việc này cũng mang đến hiệu quả tương tự với 8 tỷ euro vốn mà Deutsche Bank huy động được vào năm 2017. Tuy nhiên, họ cũng phải đối mặt với cái giá không hề nhỏ: đơn vị này phải giải quyết hơn 13,7 tỷ euro lỗ trước thuế sau khi bán tài sản với mức giá thấp hơn giá trị, rút ​​ra sớm từ các hợp đồng giao dịch và do chi phí kiện tụng.

Hương Giang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên