Bãi bỏ 6 Nghị định trong lĩnh vực ngân hàng
Trong 6 nghị định thì có 4 nghị định có nội dung đã được quy định cụ thể tại Luật Tổ chức tín dụng.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 42/2018/NĐ-CP bãi bỏ một số Nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực ngân hàng.
Theo đó, sẽ có 6 Nghị định về lĩnh vực ngân hàng chính thức bị bãi bỏ từ ngày 1/7/2018.
Cụ thể, hai Nghị định về Quỹ tín dụng nhân dân bị bãi bỏ là Nghị định số 48/2001/NĐ-CP ngày 13/8/2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân và Nghị định số 69/2005/NĐ-CP ngày 26/5/2005 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 48/2001/NĐ-CP.
Bãi bỏ Nghị định số 22/2006/NĐ-CP ngày 28/2/2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam.
Bãi bỏ Nghị định số 59/2009/NĐ-CP ngày 16/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại.
NHNN cho biết, nội dung tại 4 nghị định trên đã được quy định cụ thể trong Luật các tổ chức tín dụng 2010.
Bên cạnh đó, các quy định tại Nghị định số 05/2010/NĐ-CP về việc áp dụng Luật Phá sản đối với các tổ chức tín dụng sẽ không còn được áp dụng vì Luật Phá sản năm 2014 đã quy định về thủ tục phá sản tổ chức tín dụng tại Chương VIII.
Đồng thời, bãi bỏ Nghị định số 14/CP ngày 02/3/1993 của Chính phủ ban hành bản Quy định về chính sách cho hộ sản xuất vay vốn để phát triển nông - lâm - ngư - diêm nghiệp và kinh tế nông thôn.
Hiện nay, các nội dung của Nghị định 14/CP đã được thay thế bởi quy định tại một số văn bản của Chính phủ như Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 về phát triển ngành nghề nông thôn; Nghị Quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008; Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 về khuyến nông; Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 về một số chính sách phát triển thuỷ sản và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014...