Bài diễn thuyết chấn động TQ: Không đánh, không mắng, không phạt, không có học sinh ưu tú
Chuyên gia giáo dục hàng đầu Trung Quốc Tiền Văn Trung cho rằng, nền giáo dục hiện nay tại Trung Quốc đang thụt lùi vì sự nhượng bộ con trẻ của chính phụ huynh và nhà trường.
LTS: Mới đây, bài diễn thuyết của giáo sư Tiền Văn Trung (giảng viên Đại học trọng điểm Phục Đán được trình bày tại "Diễn đàn Cấp cao Giáo dục Gia đình Tân Đông Phương lần thứ 3" đã gây xôn xao dư luận Trung Quốc khi chỉ ra những thực trạng sai lầm trong việc dạy dỗ con trẻ của hầu hết các gia đình và nhà trường hiện đại.
Đặc biệt, bài diễn thuyết của giảng viên Tiền còn gạt bỏ sự hô hào mù quáng cho các bậc phụ huynh về hình thức giáo dục được coi là "văn minh", "tiến bộ" như "giáo dục vui vẻ", "giáo dục tố chất". Từ đó, ông đã chỉ ra rằng, lối dạy dỗ con cái không đi liền với các hình phạt nghiêm khắc sẽ phá hủy tương lai của xã hội.
Dưới đây là nguyên văn bài diễn thuyết của giáo sư Tiền Văn Trung đã giúp hàng triệu các bậc cha mẹ, thầy cô "thức tỉnh".
Chân dung giáo sư Tiền Văn Trung - chuyên gia giáo dục nổi tiếng tại Trung Quốc. (Ảnh: Nguồn Internet).
"Tôi vô cùng vinh hạnh khi được tới tham dự diễn đàn lần này.
Lẽ ra đề tài diễn thuyết của tôi do thầy hiệu trưởng Du Mẫn Hồng chỉ định. Nhưng sau khi lắng nghe những phát biểu của thầy Du tại trường Ngoại ngữ Trịnh Châu cùng đôi lời của đồng chí hiệu trưởng trường Tứ Trung, tôi đã mạnh dạn đề xuất đổi đề tài.
Trước tiên tôi muốn dùng thân phận của một người thầy giáo, sau đó là vai trò của một người phụ huynh, và cuối cùng kể tới xuất thân từng là học sinh để phát biểu đôi lời về cái nhìn của tôi đối với giáo dục.
Luận điểm thứ nhất: Vấn nạn "con một" mà Trung Quốc hiện nay đang phải đối mặt
Nền giáo dục Trung Quốc đang phải đối mặt với một vấn đề trước nay chưa từng có.
Cho tới thời điểm hiện tại, quan điểm của chúng ta đối với giáo dục nước nhà có lẽ đều bắt nguồn từ một sai lầm. Đó là bởi chúng ta chưa bao giờ thực sự suy nghĩ xem "giáo dục là gì?".
Chúng ta đang không ngừng nhượng bộ, biện hộ cho bản thân mình và bào chữa thay cho con cái. Tôi muốn nói rằng, giáo dục không phải là như vậy, và cũng không nên như vậy.
Trung Quốc đang gặp phải một vấn nạn mà lịch sử loài người trước kia chưa từng gặp qua, đó chính là sự xuất hiện của "giống loài" mang tên "con một".
Chưa có một loài nào kể từ khi trái đất hình thành cho tới khi xuất hiện con người, mà phải duy trì chính sách "con một" để kiểm soát dân số như chúng ta.
Lịch sử nhân loại trước nay chưa từng tồn tại thực trạng số lượng người không có anh chị em đang tăng chóng mặt chỉ trong một thời gian ngắn như ở Trung Quốc.
Và xin mọi người đừng quên rằng, tất cả những lí luận giáo dục, phương pháp giáo dục, cách thức giáo dục của chúng ta trước giờ đều xây dựng để dành cho những đứa trẻ có anh chị em.
Hiện nay, những nhà giáo dục của chúng ta đều đang ra sức nghiên cứu, suy nghĩ. Thế nhưng, hãy lưu ý rằng, chủ thể của đối tượng tiếp thu giáo dục ngày nay là một "loài" mà trước giờ chưa từng xuất hiện trong lịch sử.
Chúng ta không biết làm cách nào để dạy dỗ những đứa trẻ ấy. Tuyệt đối không nên nghĩ rằng, chúng giống như chúng ta. Chúng và chúng ta khác nhau, thậm chí có thể nói là hoàn toàn khác nhau.
Hệ quả của chính sách "một con" đang tác động lên xã hội Trung Quốc. Tranh minh họa.
Ngày nay, chúng ta ưa chuộng thứ gọi là "giáo dục vui vẻ", chúng ta yêu thích việc kể lại thời thơ ấu của mình một cách thật vui vẻ.
Vậy nhưng, tuổi thơ của chúng ta có thực sự "vui vẻ" hay không? Ít nhất, cá nhân tôi, không hề cảm thấy thời thơ ấu của mình vui vẻ một chút nào!
Hồi chúng ta còn tới trường, có lúc không làm bài tập sẽ bị các thầy cô đánh vài cái, mắng vài câu. Vậy thì sao có thể gọi đó là "giáo dục vui vẻ"?
Tôi thực sự nghĩ không ra, vì sao giáo dục lại cứ nhất thiết phải đề cao, tôn thờ hai chữ "vui vẻ"? Phải chăng đó là hệ quả của việc chịu ảnh hưởng từ nền giáo dục nước ngoài?
Tôi cho rằng, trong giáo dục nhất định phải có yếu tố "đau khổ", và đây là chuyện đương nhiên. Tôi cũng thực sự không hiểu, tại sao chúng ta cứ phải nhượng bộ đối với con cái của chính mình?
Luận điểm thứ hai: Không có biện pháp kỷ luật thì sao gọi là giáo dục?
Hiện nay, phương pháp giáo dục của chúng ta đối với trẻ em hầu hết đều là cổ vũ, khích lệ. Điều đó không hẳn là sai.
Nhưng còn vấn đề kỷ luật thì sao? Giáo dục có thể không áp dụng bất kỳ hình thức xử phạt nào hay sao? Chỉ dựa vào việc hô hào, cổ vũ là có thể hoàn thành giáo dục được chăng?
Tôi không tin!
Trẻ em ngày nay, nói không nghe, mắng không được, phê bình cũng chẳng xong, thậm chí càng ngày càng không chịu nổi một cú vấp ngã.
Lúc còn nhỏ, thầy của tôi cũng từng phạt tôi. Nhưng cho tới bây giờ, tình cảm thầy trò giữa chúng tôi vẫn luôn rất tốt.
Kỷ luật thì sao?
Tôi từng đi du học ở châu Âu. Đó là nơi mà chúng ta vẫn thường ca ngợi về sự hoàn mỹ trong nền giáo dục của họ.
Được! Vậy tôi và các bạn cùng xem thử xem, nội quy của các trường học tại Anh nghiêm khắc tới mức nào.
Nghị viện Anh đã thông qua một điều luật có nội dung khái quát là: "Trong trường hợp đã cảnh cáo nhiều lần, cho phép các giáo viên được áp dụng những biện pháp cần thiết, bao gồm cả "tiếp xúc thân thể" trong phạm vi nhất định để khiến những học sinh không tuân thủ kỷ luật buộc phải chấp hành kỷ luật".
Nói trắng ra, là các giáo viên tại Anh có quyền kỷ luật những học sinh vi phạm kỷ luật bằng hình thức đánh.
Tôi cũng thường nghe người ta ca ngợi về nền giáo dục của Singapore. Nhưng dường như họ quên rằng, đất nước ấy không phải vẫn thường treo một cây thước ở tường sau đấy ư?
Tôi còn nghe nói, trẻ em ở đó nếu không nghe lời, theo quy định sẽ bị đánh ba thước, và chỉ được phép đánh vào lòng bàn tay chứ không được đụng đến lưng bàn tay. Hình phạt này cũng chỉ được thực hiện khi có ít nhất hai giáo viên tại hiện trường.
Giáo sư Tiền Văn Trung cho rằng, khác với suy nghĩ của nhiều người Trung Quốc, bản chất của giáo dục nước ngoài không phải là triệt tiêu hoàn toàn việc xử phạt hay kỷ luật. Ảnh minh họa.
Nếu như nói cách giáo dục của chúng ta trong quá khứ đều là sai lầm, vậy thì ai đã đào tạo nên những người như hiệu trưởng Du Mẫn Hồng của chúng ta, và còn cả những đồng chí tài ba như Đặng Tiểu Bình, Vương Cường nữa?
Mỗi người chúng ta ở đây đều không phải là thành quả của một nền giáo dục trong quá khứ đào tạo thành hay sao? Chúng ta có khạc nhổ bừa bãi hay trở thành bè lũ du côn chăng?
Hoàn toàn không! Hơn nữa, chúng ta còn trưởng thành rất tốt.
Tôi cho rằng, giáo dục không thể càng ngày càng thêm nhân nhượng. Bởi chúng ta đều phải có trách nhiệm đối với con trẻ.
Không nên hùa theo một số cách nói "nghe thì có vẻ tốt" trong xã hội, giống như những khái niệm mơ hồ về thứ gọi là "giáo dục tố chất", "giáo dục vui vẻ"…
Luận điểm thứ ba: Chế độ thi cử ngày nay có thực sự công bằng hay không?
Xã hội loài người không tồn tại cái gọi là công bằng tuyệt đối. Trung Quốc chưa hẳn cái gì cũng công bằng, ngay tới Mỹ cũng vậy mà thôi!
Hiện nay, gần như chỉ có một thứ có thể nhận xét là "tương đối công bằng". Đó chính là kỳ thi đại học của chúng ta.
Nếu như các trường học đều dựa theo cái gọi là "năng khiếu", "tố chất" để tuyển sinh, vậy thì con em ở những gia đình bình thường tại Trung Quốc liệu có nổi mấy người đỗ vào được Thanh Hoa, Bắc Đại?
Một đứa trẻ ngay tới cả cạnh tranh công bằng cũng không được cạnh tranh, sao có thể nói tới chuyện xét "tố chất", xem "năng khiếu", liệu có mấy ai tin được?
Vì vậy, chúng ta không nên hùa theo một số thành phần tự nhận mình là "chuyên gia" trong xã hội.
Hiện tại, tôi đề nghị khôi phục lại chế độ thi đại học tập trung trên cả nước, hơn nữa cần triệt để xóa bỏ việc cộng điểm ưu tiên.
Còn nhớ, đồng chí Vương Cường năm xưa từng là người đứng thứ hai trong kỳ thi đại học ở khu vực Nội Mông Cổ. Tôi năm ấy đứng thứ hai ở Thượng Hải. Chúng tôi đều học như vậy, thi như vậy mới có thể đỗ vào Đại học Bắc Kinh.
Nếu như chế độ thi đại học đã không thể sửa đổi, vậy thì nền giáo dục của chúng ta vĩnh viễn cũng không thể sửa đổi.
Cách thức thi ấy chưa thể thay đổi là do chúng ta không tìm được một kiểu thi nào ưu việt, tân tiến và tốt hơn so với cái cũ.
Dù cho kỳ thi đầu vào đại học thực chất chưa phải là hình thức công bằng nhất, nhưng nó được coi là chế độ "không tệ" nhất, chế độ "ít bất công" nhất.
Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta phải làm rõ những mâu thuẫn mà chúng ta đang phải đối mặt.
Kỳ thi đại học tập trung tại Trung Quốc được giáo sư Tiền đánh giá là hình thức thi cử tương đối công bằng nếu bỏ đi việc cộng điểm ưu tiên.
Có người từng hỏi tôi:
"Thầy Tiền, thầy giảng quốc học trên TV mấy năm nay, hết giảng ‘Tam tự Kinh’ lại đến ‘Đệ tử quy’. Thầy thấy đâu là khó khăn nhất trong việc phổ biến những kiến thức này?"
Câu trả lời của tôi luôn là: "Mong cho các ngành có liên quan sẽ ra sức hỗ trợ việc phổ cập và đưa vào chương trình giảng dạy".
Thực ra đây cũng không phải khó khăn lớn nhất. Trở ngại to lớn hơn cả chính là:
Nếu như học theo "Tam tự kinh" và "Đệ tử quy", vậy thì theo như tiêu chuẩn đào tạo học sinh, sinh viên của những trường danh tiếng đang có mặt tại diễn đàn lần này, những đứa trẻ đó bước ra ngoài xã hội chắc chắn 90% là phải chịu thiệt.
Bạn thử nghĩ, cho một đứa trẻ học "Tam tự kinh" để rèn trung thực, giữ chữ tín, học cách hiếu thuận, kính trên nhường dưới… Nếu đem những đức tính ấy ra ngoài xã hội phức tạp như hiện nay, chắc chắn con em của bạn sẽ là người chịu thiệt.
Điều này cho thấy, xã hội của chúng ta đang tồn tại một vấn đề lớn. Ai có thể phủ định điều đó?
Đây chính là lý do mà chúng ta phải học và làm theo những điều căn bản nhất trong tinh hoa văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Bản thân tôi là một người thầy giáo, công việc hằng ngày đều cần tiếp xúc với học sinh. Vì vậy, tôi muốn nói với mọi người, chúng ta cần phải có ý thức về sự gian khổ trong giáo dục ở Trung Quốc.
Trẻ em dù sao cũng chưa phải là người lớn. Con em của chúng ta nhất định phải được quản lý, nhất định phải cần tới kỷ luật, nhất định phải để cho chúng biết, giáo dục không đơn thuần chỉ có sự vui vẻ, học tập cũng không đơn giản là con đường trải toàn hoa hồng.
Nếu một người có thể cảm thấy vui vẻ trong học tập, vậy người ấy nhất định sẽ trở nên vô cùng tài giỏi. Nhưng đại đa số mọi người đều không cảm thấy việc học là sung sướng, là thoải mái.
Hầu hết chúng ta đều thấy, học là gian nan, khó nhọc. Chúng ta học vì một mục đích nào đó, và hơn hết là bởi ta ý thức được tầm quan trọng của việc học đối với cuộc đời, cho nên dù thế nào, cũng không thể không học!
Luận điểm thứ tư: Trẻ em ngày nay phải trả giá quá thấp cho việc phạm lỗi
Chúng ta cần nói cho con trẻ biết rằng, phạm lỗi là việc phải trả giá. Nếu như cả xã hội này đều chạy theo trào lưu nhân nhượng con em, vậy thì không chỉ tương lai của đứa trẻ đó đáng lo ngại, mà tương lai của chúng ta cũng là điều đáng lo ngại.
Những đứa trẻ được dạy dỗ như vậy, khó có thể thể gánh nổi trọng trách phát triển tương lai cho Trung Quốc.
Hiện nay, trẻ em tiến bộ, xã hội tiến bộ; trẻ em thụt lùi, giáo viên thụt lùi; trẻ em mắc lỗi, phụ huynh nhượng bộ. Cha mẹ thương xót con em mình, giáo viên thì e dè học sinh của mình. Vấn nạn "con một" từ đó mà hình thành.
Nếu giáo dục cứ tiếp tục như vậy thì sao chúng ta có thể tiến bộ được? Càng huống hồ, giáo dục hiện nay đang phải đối mặt với nhiều mâu thuẫn, nên khó có thể giải quyết và áp dụng theo những lý luận thông thường.
Cha tôi từng được thụ hưởng một nền giáo dục hết sức tốt đẹp, nên ông cũng không thể chấp nhận được cách dạy con của tôi. Có một lần, chứng kiến tôi dạy dỗ con mình, cha tôi đứng cạnh tỏ ra rất không vui.
Khi đó, con tôi nói: "Bố ơi, vì sao bố lại nói con như thế?"
Tôi bảo: "Vì con làm sai!"
Nó lại trả lời: "Cho dù con làm sai, bố cũng không được nói con như thế!"
Tôi hỏi: "Con đã đọc qua ‘Tam tự kinh’ chưa?"
Nó nói: "Có phải bố muốn nói tới câu ‘nuôi mà không dạy là lỗi của cha’ hay không?"
Tôi đáp: "Đúng!"
Nó cự nự: "Hai hôm trước, bố vừa giảng ‘Đệ tử quy’ còn gì. Trong đó có viết ‘trước kính trên, sau thủ tín’. Bố làm cho ông không vui, vậy thì sao con lại phải làm cho bố vui lòng?"
Câu chuyện nhỏ của gia đình tôi đã phản ánh một hiện thực: Cách giáo dục truyền thống của chúng ta tới ngày nay đã hoàn toàn sụp đổ. Và tất cả chúng ta đều đang phải đối mặt với nhiều xung đột từ những điều căn bản nhất.
Giáo sư Tiền thẳng thắn chia sẻ về những mâu thuẫn trong quan niệm dạy con của gia đình mình để mọi người hình dung rõ về mâu thuẫn tồn tại trong quan niệm giáo dục hiện nay tại Trung Quốc.
Với tư cách là một bậc phụ huynh, tôi lại mong rằng, nếu thầy của con tôi thấy nó không nên người, cứ việc đánh nó vài cái, phạt nó vài lần. Đấy là việc nên làm. Hơn nữa, Bộ Giáo dục nên đưa ra quy định cụ thể về hình phạt dành cho học sinh.
Chúng ta hiện nay đều hô hào về việc khích lệ sự tự tin ở trẻ bằng cách khen ngợi chúng. Điều này là đúng, nhưng nếu làm quá lại hóa thành sai.
Trẻ em thụ hưởng cách giáo dục cổ vũ quá mức, đến lúc bước chân ra ngoài xã hội, đối mặt với sự thật đầy những điều tương phản, chúng sẽ bị "sụp đổ", bị "phá hủy".
Chúng ta nên nói cho trẻ biết, kỳ thực xã hội này hết sức tàn khốc, hết sức thiếu công bằng, phải chuẩn bị tinh thần mà chịu đựng ấm ức, càng sớm chịu ấm ức, càng sớm được tôi luyện.
Nếu như hiệu trưởng, giáo viên xử phạt những học sinh phạm lỗi, thậm chí đánh chúng vài cái, tôi thực sự phải cảm ơn những người cô, người thầy ấy.
Hãy ngừng lại việc hô hào mù quáng về "giáo dục vui vẻ", "giáo dục tố chất", "giáo dục thành công". Thành công là thứ hào nhoáng biết nhường nào, mà tôi thì cho rằng, chỉ cần dạy trẻ lớn lên như một người bình thường và được hưởng hạnh phúc đã là điều rất tốt rồi!
Luận điểm thứ năm: Giáo dục không thể càng ngày càng nhân nhượng
Tôi quan niệm, giáo dục phải là chuyện chân thực nhất. Giáo viên không nên lúc nào cũng xét đoán tới suy nghĩ của phụ huynh và con trẻ, càng không nên lúc nào cũng nhân nhượng học sinh, nhún nhường phụ huynh.
Con của chúng ta không đỗ vào một trường đại học danh tiếng cũng không sao hết. Tôi chỉ mong chúng trưởng thành khỏe mạnh, được sống một cuộc đời hạnh phúc.
Huống chi, nào ai biết được loài người chúng ta còn tồn tại được bao nhiêu năm. Hoắc Kim đã từng dự đoán, có lẽ chỉ khoảng trên dưới 200 năm.
Nếu thực sự như vậy, tôi sẽ bảo cháu tôi đừng sinh con nữa. Các vị có cho rằng đó là một chuyện nực cười không?
Ngày nay, điều chúng ta cần cố gắng là làm sao để con trẻ khỏe mạnh cả về tâm lý và sinh lý, sau đó trao cho chúng quyền được quyết định tương lai của mình. Bởi chúng ta không thể lo toan cho chúng cả đời.
Đừng để thế hệ sau giống như chúng ta lúc nhỏ, phải trải qua cuộc sống khó khăn, phải lớn lên trong một xã hội chưa phát triển, kinh tế còn nghèo nàn, nhưng lại luôn lớn lên trong sự bao bọc của cha mẹ.
Tôi bây giờ vô cùng ngưỡng mộ cha mẹ tôi. Họ dám đánh, dám mắng chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn vô cùng yêu họ.
Trẻ em ngày nay nói không nghe, mắng không được, thậm chí chỉ lườm một cái, không chừng còn bị ông bà chúng quở trách vì quá nghiêm khắc.
Giáo viên càng ngày càng ít dám phê bình học sinh, càng không dám đụng tới thân thể của trẻ vì sợ phụ huynh tới cửa lớp làm ầm.
Có một lần, khi giảng "Đệ tử quy", nói đến câu "thủ hiếu đễ" (giữ đạo hiếu), tôi liền nhờ trợ lý tìm giúp ví dụ phản biện về những vụ việc "bất hiếu", "giết cha", hại mẹ" xảy ra trong năm rồi in ra nhằm phục vụ cho bài giảng.
Chỉ một lúc sau, trợ lý nói với tôi: "Thầy ơi, hết giấy để in rồi!"
Ảnh minh họa.
Từ thực tế ấy có thể nhìn ra rằng, nếu chúng ta không quản nghiêm con trẻ, thậm chí dùng danh nghĩa yêu thương mà nhân nhượng chúng, đó đích thị là một cách giáo dục sai lầm.
Có lẽ, quan điểm này của tôi có phần đột ngột. Nhưng khi nghe tới những khẩu hiệu giáo dục như "làm thế nào để trẻ càng thành công", trong lòng tôi chỉ nảy ra ba chữ: "Không tin tưởng"!
Vì vậy, tôi chọn cách nói với các giáo viên, các hiệu trưởng đang ngồi đây về nghĩ thực sự của mình. Nếu chúng ta không làm rõ những thứ mơ hồ này, vậy thì chúng ta chẳng sớm thì muộn sẽ cùng nhau "rồi đời".
Giáo dục, đặc biệt là giáo dục cơ bản, e rằng không nên chỉ đơn thuần là đi theo trào lưu của xã hội.
Đây thực chất là một vấn đề lớn. Bản chúng ta chỉ đơn giản cho rằng, giáo dục nên song hành cùng sự phát triển.
Vậy, xã hội là đang "giáo dục" nền giáo dục, hay giáo dục đang "giáo dục" cho xã hội?
Tôi cho rằng, nên để nền giáo dục "giáo dục" xã hội này. Nhưng thực tế hiện nay, thì xã hội lại đang "đè đầu" giáo dục. Nếu cứ như vậy, tính căn bản trong giáo dục sẽ chẳng còn tồn tại, và những lí luận giá trị cơ bản nhất rồi cũng sẽ sớm tiêu tan.
Vòng hộ mệnh cuối cùng của chúng ta chỉ có giáo dục. Chúng ta không nên dễ dàng nhượng bộ xã hội, càng không nên dễ dàng nhượng bộ con em của mình.
Chúng ta nên trao cho hiệu trưởng và giáo viên quyền kiểm soát nhiều hơn. Đối với con trẻ, vinh dự càng cao, đãi ngộ càng tốt, thì trách nhiệm cũng càng phải nhiều lên.
Đây là những lời "rút ruột rút gan" của tôi. Nếu có chỗ nào không đúng, mong các vị hiệu trưởng trước hết hãy xem tôi như một học sinh, sau đó coi tôi như một vị phụ huynh, và cuối cùng mới nhìn nhận dưới tư cách là một giáo viên "hậu bối" để nhận xét, phê bình.
Tôi xin chân thành cảm ơn!"
Mặc dù chỉ đề cập đến nền giáo dục của Trung Quốc hiện nay song bài diễn thuyết của giáo sư Tiền Văn Trung nếu vượt qua biên giới Trung Quốc, có lẽ nó cũng sẽ chạm đến tư duy, suy nghĩ của rất nhiều phụ huynh ở những nước khác trong đó có Việt Nam.
Giáo dục hiện nay, đúng là có rất nhiều điều đáng bàn!
Trí thức trẻ