MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bài học "bán nhà trồng cao su" của bầu Đức: Vì sao đầu tư bài bản, quy mô Đông Dương, công nghệ Israel, kết quả là sóng gió suốt thập kỷ?

28-09-2022 - 17:05 PM | Doanh nghiệp

Bài học "bán nhà trồng cao su" của bầu Đức: Vì sao đầu tư bài bản, quy mô Đông Dương, công nghệ Israel, kết quả là sóng gió suốt thập kỷ?

Một hạn chế cố hữu của nền nông nghiệp Việt Nam là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, lực lượng sản xuất chủ yếu dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết trong sản xuất kinh doanh. Những năm 2011- 2012, ông Đoàn Nguyên Đức đã dồn hết vốn liếng và của cải của Hoàng Anh Gia Lai đi làm nông nghiệp trên quy mô lớn, trải dài ở 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Quyết tâm trồng cao su một cách bài bản trên quy mô lớn

Năm 2012, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ông Đoàn Nguyên Đức - thường được gọi là bầu Đức, khiến dư luận nổi sóng với câu nói "Phải bán nhà cũng trồng cao su". Trên thực tế, ông Đức không hề nói suông.

Con đường làm nông nghiệp với chủ lực là cây cao su được bầu Đức bắt đầu từ cuối năm 2007, với những cánh rừng cao su bạt ngàn ở Attapeu - Lào.

Hoàng Anh Gia Lai đã thuê nhiều chuyên gia, các nhà khoa học tư vấn, mua công nghệ cao và đầu tư bài bản cho nông nghiệp. Trung bình tại Attapeu tổng chi phí đầu tư cho 1ha cao su là 5.000 USD , trong đó riêng công nghệ tưới nhỏ giọt bù áp lên tới 1.000 USD .

Vùng đất Attapeu khô cằn ở Nam Lào với rừng khộp nghèo nàn đã được bầu Đức cho quy hoạch bài bản để trồng mía, cao su và cọ dầu bằng công nghệ tiên tiến.

Bài học bán nhà trồng cao su của bầu Đức: Vì sao đầu tư bài bản, quy mô Đông Dương, công nghệ Israel, kết quả là sóng gió suốt thập kỷ? - Ảnh 1.

Nông trường cao su của Bầu Đức rộng hàng chục nghìn hecta

Ngoài nông trường cao su ở Tây Nguyên - Việt Nam và Attapeu - Lào, bầu Đức còn tìm đến Campuchia. Tính tổng cộng diện tích trồng cao su ở ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia của Hoàng Anh Gia Lai đã tăng rất nhanh trong giai đoạn từ 2008 - 2012.

Bài học bán nhà trồng cao su của bầu Đức: Vì sao đầu tư bài bản, quy mô Đông Dương, công nghệ Israel, kết quả là sóng gió suốt thập kỷ? - Ảnh 2.

Trong báo cáo thường niên năm 2009, HAGL đã không giấu diếm tham vọng tập đoàn sẽ đạt mục tiêu 51.000 ha diện tích trồng cao su tại Tây Nguyên (Việt Nam), Lào, Campuchia vào năm 2012.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, mục tiêu này bị lùi sang năm 2013 và cho đến nay - sau 10 năm - đã không có khả năng trở thành hiện thực. Tổng diện tích trồng cao su của HAGL đạt đỉnh vào năm 2013 là 50.540 ha và giảm dần sau đó.

** Số liệu diện tích trồng cao su là số liệu lũy kế và được tập hợp theo báo cáo thường niên từ năm 2008 - 2021 của HAGL.

Trên thực tế, bầu Đức và HAGL không chỉ thực hiện canh tác trên diện tích lớn, mà còn trồng cao su một cách bài bản với sự đầu tư mạnh về công nghệ.

Khi ấy, Hoàng Anh Gia Lai là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây cao su. Hệ thống này gồm các bể chứa nước, van điều áp và hệ thống đường ống dẫn nước đến từng gốc cao su. Nhờ van điều áp mà nước bơm nhỏ giọt qua các van đặc biệt, được nhập khẩu từ Isarel, vào từng gốc cao su đều một lượng nước là 2 lít mỗi giờ.

Thông thường, cây cao su phát triển nhanh vào mùa mưa, còn mùa khô từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm, cây chậm phát triển hoặc không cạo được mủ vì thiếu nước.

Hệ thống tưới nhỏ giọt giúp cây cao su phát triển quanh năm nên cao su Hoàng Anh Gia Lai trồng chỉ 4 năm tuổi là thu hoạch được, rút ngắn thời gian 1 năm so với quy trình trồng và chăm bón phổ biến của các doanh nghiệp khác và sau này, có thể khai thác mủ cả vào mùa khô. Ông Đức so sánh, giống như một đứa trẻ, cây cao su được chăm sóc đặc biệt sẽ lớn nhanh hơn nhiều.

Bầu Đức cho hay, khối lượng công việc mà Hoàng Anh Gia Lai làm để cánh rừng cao su rộng 22.000 hecta mọc lên, trong tổng diện tích quy hoạch 36.000 hecta rất lớn. Riêng đường ống tưới cây lắp đặt đủ quấn 3 vòng trái đất vì trung bình cứ 1 hecta có 1.600 m ống.

Mặc dù đầu tư một cách bài bản trên diện tích rộng như vậy, nhưng những gì cây cao su đem lại cho bầu Đức và HAGL không được như kỳ vọng. Còn chưa kịp đem tiền về cho HAGL, giá cao su thế giới từ 2012 liên tục sụt giảm, bắt đầu quãng thời gian khó khăn nhất của tập đoàn này.

Nguyên nhân thất bại, do thiên thời, địa lợi hay nhân hòa?

Trước hết, nói về "thiên thời, địa lợi", chúng ta sẽ có cái nhìn khách quan hơn khi gắn hành trình trồng cao su của HAGL vào biểu đồ giá cao su trong một chu kỳ 15 năm.

Bài học bán nhà trồng cao su của bầu Đức: Vì sao đầu tư bài bản, quy mô Đông Dương, công nghệ Israel, kết quả là sóng gió suốt thập kỷ? - Ảnh 3.

Ghi chú: Giá cao su ở biểu đồ này cập nhật theo số liệu giá cao su RSS3 tại sàn Singapore Commodity Exchange Ltd (SICOM). Đơn vị là USD/1kg mủ RSS3.

Giai đoạn bầu Đức "đoạn tuyệt" với bất động sản để "tất tay" sang cao su là thời kỳ lập đỉnh của giá cao su thế giới, khi mà giá lên tới hơn 6.000 USD/tấn mủ.

Đặc thù của ngành nông nghiệp là vòng đời sản phẩm dài, vòng quay vốn chậm, vì vậy có độ trễ khi tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Bầu Đức trồng cây lúc giá cao, nhưng đến lúc có thể thu hoạch thì giá lại liên tục lao dốc.

Cùng với đà giảm của giá cao su, doanh thu cao su năm 2014 của HAGL chỉ đạt 227 tỷ đồng, bằng 67% mức kế hoạch. Ngoài doanh thu sụt giảm, tỷ suất lợi nhuận của cao su cũng giảm đáng kể.

Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ 68,6% của năm 2013 xuống còn 47,3% năm 2014 do giá bán bình quân giảm. Giá bán bình quân năm 2014 là 34,3 triệu đồng/tấn, giảm tới 43,9% so với năm 2013.

Trước tình hình đó, HAGL đã chủ động giãn tiến độ, chỉ chọn những cây to để cạo mủ nhằm mục đích đào tạo tay nghề và duy trì lực lượng công nhân.

Cũng theo báo cáo thường niên năm 2014, trong năm HAGL đã thực hiện chuyển đổi 2.000 ha cao su tại Gia Lai sang dự án chăn nuôi bò. Diện tích cao su giảm từ 44.500 ha xuống 42.500 ha. Báo cáo thường niên khi đó cho biết HAGL sẽ không tăng thêm diện tích cây cao su.

Trong năm 2015, HAGL tiếp tục chuyển đổi một số diện tích cao su sang dự án chăn nuôi bò. Diện tích cao su giảm còn 38.428 ha cao su, trong đó 22.177 ha tại Lào, 2.394 ha tại Việt Nam và 13.857 ha tại Campuchia.

Bài học bán nhà trồng cao su của bầu Đức: Vì sao đầu tư bài bản, quy mô Đông Dương, công nghệ Israel, kết quả là sóng gió suốt thập kỷ? - Ảnh 4.

Đàn bò "nghìn tỷ" một thời của bầu Đức

Tuy nhiên, không chỉ có yếu tố khách quan "thiên thời, địa lợi", trong bài học rút ra từ thất bại với cây cao su của HAGL, không thể không nhắc tới yếu tố "nhân hòa". Đó là vấn đề về quản trị rủi ro và chiến lược kinh doanh của Ban lãnh đạo.

Thứ nhất, sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn.

Giai đoạn làm nông nghiệp cũng là thập kỷ vay nợ nhiều nhất của HAGL. Những rừng cao su chờ thu hoạch, những đồn điền mía, cánh đồng ngô và cọ dầu mênh mông đến mấy cũng không thể gánh đỡ nổi lãi vay và trả gốc cho hàng chục nghìn tỷ đồng nợ vay của HAGL trong giai đoạn này.

Bài học bán nhà trồng cao su của bầu Đức: Vì sao đầu tư bài bản, quy mô Đông Dương, công nghệ Israel, kết quả là sóng gió suốt thập kỷ? - Ảnh 5.

Tổng hợp từ BCTC của DN

Tuy nhiên trên thực tế, sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn không phải là câu chuyện riêng của HAGL mà nhiều doanh nghiệp khi đầu tư dự án cũng bị mắc phải.

Thứ hai, hoạt động kinh doanh chính khiến dòng tiền "mắc kẹt". Không thể phủ nhận rừng cao su có giá trị lớn (khai thác mủ và cây gỗ sau thu hoạch) nhưng đó là câu chuyện của "tương lai". Cây cao su phải mất khoảng 5 năm trồng và chăm sóc mới có thể cho thu hoạch. Trong thời gian đó, các chi phí vận hành, đầu tư rất lớn, chưa kể chi phí tài chính khổng lồ, HAGL lấy dòng tiền ở đâu để bù đắp các khoản chi ra?

Mặc dù ông Đức và HAGL luôn nhấn mạnh chiến lược "lấy ngắn nuôi dài" bằng cách trồng những cây ngắn ngày như mía, hoa quả như chanh leo, thanh long,... hay cọ dầu để lấy nguồn thu "nuôi cao su" nhưng thực tế đều không hiệu quả.

Cây mía mà ông Đức chọn cũng lại có một câu chuyện đầu ra chìm nổi và phức tạp về giá. Cọ dầu mặc dù ngắn ngày hơn cao su nhưng cũng phải đầu tư mất 30 tháng mới cho thu hoạch.

Năm 2014, HAGL bắt đầu xoay chuyển sang nuôi bò, để "cứu" tập đoàn trong những năm khủng hoảng tài chính do chi phí đội lên quá cao. Khi các lĩnh vực khác bế tắc thanh khoản, nguồn thu từ chăn nuôi bò là động lực chính để thúc đẩy dòng tiền.

Trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015 của HAGL với doanh thu đạt 5.347 tỷ đồng , lợi nhuận sau thuế đạt 1.680 tỷ đồng , có điểm đáng chú ý là trong quý III, doanh thu từ bán bò chiếm 63%. Doanh thu từ bò khi đó đã vượt qua mía đường, trở thành lĩnh vực đóng góp chính cho doanh nghiệp.

Bước sang năm 2016, giai đoạn khủng hoảng tài chính của HAGL lên tới đỉnh điểm, với việc cầm cố hầu hết tài sản để trả nợ vay đến hạn, thì doanh thu từ đàn bò vẫn là bệ đỡ duy nhất, giúp đế chế của bầu Đức thoát khỏi thảm cảnh sụp đổ.

Vai trò của đàn bò lớn đến mức khiến bầu Đức bày tỏ thẳng thắn: “Năm nay (2016), không có bò thì chúng tôi cũng… bò luôn”.

Mặc dù vậy, khi biên lợi nhuận nuôi bò giảm nhanh, đàn bò cuối cùng cũng đã giảm dần về số lượng nhường chỗ cho trái cây ngắn ngày (chuối) và mới đây là heo. Cho đến hết quý II/2022, trồng chuối và nuôi heo đang cho thấy dấu hiệu dòng tiền tích cực hơn với HAGL.

Thứ ba, dự phóng tương lai quá lạc quan của ban Lãnh đạo khi đánh giá về thị trường và biến động giá cả.

Còn nhớ trong một bài báo vào năm 2013 có nêu ý kiến một vị lãnh đạo của Hoàng Anh Attapeu khi đó cho biết, về mặt lý thuyết năm 2013 này mới chỉ là năm bắt đầu. "Hiện nay (năm 2013) giá cao su trung bình từ 2.500 USD đến 3.000 USD / tấn, khoảng 5 năm nữa 25.000 ha cao su Attapeu được khai thác hết. Nhân sản lượng, diện tích, giá cả bình quân sẽ ra con số doanh thu và lợi nhuận khổng lồ trong tương lai".

Tại thời điểm phát biểu, vị lãnh đạo này không thể ngờ rằng, giá cao su từ 2013 đến 2016 liên tục trượt dốc, chạm đáy vào tháng 1/2016, vào khoảng 1.500 USD/tấn.

Cũng chung sự lạc quan này, bầu Đức kỳ vọng doanh thu từ cao su ước mỗi năm khoảng 765 triệu USD, lợi nhuận mỗi năm khoảng 653 triệu USD.

Đối chiếu với thực tế, doanh thu từ cao su trong giai đoạn 2013 - 2016 chỉ đạt cao nhất 241 tỷ đồng và đạt đỉnh 454 tỷ đồng vào năm 2017 cùng với sự tăng giá trở lại của cao su.

Mặc dù HAGL luôn tự tin khẳng định lợi thế của họ là tìm được quỹ đất với chi phí thấp và có được đội ngũ cán bộ công nhân viên nông lâm nghiệp có tay nghề cao và dày dạn kinh nghiệm nhưng khi chứng kiến đà giảm giá mạnh của cao su trong hai năm 2014 - 2016, chính HAGL đã phải thừa nhận giá vốn cao su của họ có tốt đến đâu cũng không thể chống đỡ được với mức độ giảm giá của thị trường.

Theo Trọng Nghĩa

Nhíp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên