MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bài học cho doanh nghiệp nhìn từ khủng hoảng truyền thông của TGDĐ: Mọi thứ đều có thể bị "leak", càng giải thích càng to chuyện

04-10-2021 - 06:59 AM | Doanh nghiệp

Bài học cho doanh nghiệp nhìn từ khủng hoảng truyền thông của TGDĐ: Mọi thứ đều có thể bị "leak", càng giải thích càng to chuyện

"Trong thời đại này, bất cứ công văn, văn bản, giấy tờ, thậm chí là một tin nhắn thôi, cũng có thể bị rò rỉ ra bên ngoài. Khi đó, câu chuyện có thể sẽ bị nhìn nhận với một sắc thái khác. Kể cả những văn bản mang tính nội bộ, cá nhân, cũng phải đặt trong tâm thế rằng có thể bị rò rỉ ra bên ngoài bất cứ lúc nào và phải điều chỉnh văn phong, ngôn từ để tránh gây phản cảm (nếu có )", chuyên gia Nguyễn Ngọc Long cho hay.

CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng truyền thông liên quan đến việc cắt giảm chi phí thuê mặt bằng.

Trước tiên, hãy tóm tắt nhanh sự việc:

Ngày 29/9, ông Trần Kỷ Mùi (Bình Định) đăng tải hình ảnh chụp văn bản được cho là của MWG gửi tới đối tác cho thuê mặt bằng, và một văn bản thông báo thanh toán gửi cho riêng ông Mùi.

Trong đó, ở văn bản gửi chung các đối tác, MWG cho biết: "Với mong muốn giải quyết những khó khăn để tiếp tục đồng hành cùng Quý đối tác sau khi dịch bệnh qua đi, TGDĐ/ĐMX xin thông báo đến Quý đối tác về những biện pháp chúng tôi sẽ triển khai trong giai đoạn này như sau:

"- KHÔNG TÍNH TIỀN THUÊ và không thanh toán 100% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng phải đóng cửa hoàn toàn, không kinh doanh theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan Nhà nước.

- KHÔNG TÍNH TIỀN THUÊ 70% và thanh toán 30% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng bị hạn chế bán hàng để phối hợp phòng chống dịch.

Thời gian áp dụng từ 1/1 - 1/8/2021. Công văn đề nghị tiền thuê đã thanh toán sẽ cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo, cũng như sẽ áp dụng cho đến hết hạn hợp đồng thuê nếu xảy ra các trường hợp bất khả kháng buộc cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng".

Đúng như thông báo, trong văn bản thanh toán gửi cho ông Mùi, MWG đã trừ 100% số tiền thuê những ngày mà đơn vị này cho rằng cửa hàng đóng cửa, giảm 70% số tiền thuê cho những ngày bán giãn cách.

Đáng nói, ông Mùi cho biết MWG đã tự ý gửi văn bản, tự ý trừ tiền thuê khi chưa có sự chấp thuận của ông. Theo vị này, "trong hợp đồng cũng không có điều khoản nào liên quan đến các sự cố, sự kiện bất khả kháng". Khi trao đổi với chúng tôi, ông Mùi một lần nữa khẳng định hành động Thế Giới Di Động là hoàn toàn đơn phương, chưa nhận được sự đồng ý của ông.

Sau khi hình ảnh được lan truyền khắp mạng xã hội, MWG vấp phải sự phản đối gay gắt từ công chúng. Nhiều người cho rằng giọng văn trong văn bản có thái độ trịch thượng, ép giảm giá dù chưa nhận được sự đồng ý từ phía người cho thuê.

Bài học cho doanh nghiệp nhìn từ khủng hoảng truyền thông của TGDĐ: Mọi thứ đều có thể bị leak, càng giải thích càng to chuyện - Ảnh 1.

Một vài bình luận về văn bản của MWG

Còn theo Zing, nguồn tin từ MWG giải thích rằng tập đoàn chỉ gửi công văn trên đến các chủ nhà "thiếu thiện chí" hoặc chưa chịu gặp với lý do chưa nhận được công văn. Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, lý giải này có thể hợp lý nếu đặt trong quy trình giải quyết sự vụ nhưng câu từ lại làm cho người đọc có cảm giác thiếu thiện cảm, đặc biệt là khi giấy tờ bị tung ra công khai.

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long cho biết thêm, đây không phải lần đầu tiên MWG gặp phải khủng hoảng truyền thông như vậy.

"Cách đây không lâu, trong buổi làm việc với cơ quan quản lý thị trường, CEO Bách Hoá Xanh – ông Trần Kinh Doanh cũng bị chỉ trích là trả lời thiếu thiện chí, không có bất cứ câu xin lỗi khách hàng nào mà chỉ nói về thiệt hại của công ty. Dù đội ngũ MWG cho rằng đây chỉ là cuộc nói chuyện riêng với cơ quan quản lý nhưng lại bị người khác quay lại và tung lên mạng, khiến người xem thấy phản cảm.

Đồng ý rằng bên nào cũng có lý của họ, không phải tự nhiên họ làm như vậy nhưng xét về góc độ truyền thông, nếu như sự cố đã từng xảy một lần thì phải rút kinh nghiệm, coi đó là bài học. Trong thời đại này, bất cứ công văn, văn bản, giấy tờ, thậm chí là một tin nhắn thôi, cũng có thể bị rò rỉ ra bên ngoài. Khi đó, câu chuyện có thể sẽ bị nhìn nhận với một sắc thái khác.

Tương tự như sự cố xảy ra với Bách Hoá Xanh, Thế Giới Di Động đang nghĩ rằng những văn bản, những câu nói của họ nằm trong bối cảnh khác, phục vụ cho mục tiêu riêng nhưng khi bị rỏ rỉ ra ngoài lại trở nên phản cảm", ông Nguyễn Ngọc Long bày tỏ.

Bài học cho doanh nghiệp nhìn từ khủng hoảng truyền thông của TGDĐ: Mọi thứ đều có thể bị leak, càng giải thích càng to chuyện - Ảnh 2.

Bách Hoá Xanh từng gặp sự cố truyền thông tương tự.

Vị chuyên gia cho rằng, không chỉ riêng MWG mà đây là bài học chung cho tất cả doanh nghiệp, từ lớn đến nhỏ.

"Tất cả những tài liệu mang tính công khai như thông cáo báo chí, trả lời họp báo,… thì mặc nhiên phải lựa chọn cách nói vừa truyền tải được thông tin, vừa đẹp lòng số đông. Nhưng qua sự việc này, kể cả những văn bản mang tính nội bộ, cá nhân, cũng phải đặt trong tâm thế rằng có thể bị rò rỉ ra bên ngoài bất cứ lúc nào và phải điều chỉnh văn phong, ngôn từ để tránh gây phản cảm (nếu có )".

Thêm nữa, nhiều người bày tỏ sự không hài lòng với cách xử lý khủng hoảng của MWG khi tập đoàn này nhiều lần chọn im lặng, tuyên bố "không bình luận" khi được báo chí liên hệ.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Long, "MWG đang rơi vào tình thế "tình ngay lý gian". Khi đã rơi vào hoàn cảnh này, càng giải thích thì chuyện càng to, nên chọn cách im lặng là cách làm đúng. Bởi vì nếu bên ngoài đã thấy phản cảm rồi thì giải thích như thế nào cũng không thể làm hài lòng tất cả. Chủ yếu là phải rút kinh nghiệm cho lần sau, không chỉ với MWG mà tất cả các doanh nghiệp".

Theo Hoàng Thùy

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên