MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Kinh Nghiệm Đầu Tư] Giữ tiền mặt hay "xuống tiền" mua BĐS lúc này, chuyên gia nói gì?

08-09-2020 - 10:07 AM | Bất động sản

Giữ tiền mặt hay xuống tiền đầu tư vào BĐS thời gian này là câu hỏi không của riêng ai. Và đầu tư vào phân khúc nào để sinh lời tốt trong dài hạn cũng là nỗi niềm của rất nhiều nhà đầu tư (NĐT).

Làm gì với nguồn vốn sẵn có?

Chia sẻ tại một tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam đã có những phân tích về các kênh mà NĐT có thể cân nhắc để "bỏ tiền" vào.

Theo ông Thành, gửi tiền ngân hàng bao giờ cũng bị mất giá. Chẳng hạn, gửi tiền ngân hàng dài hạn được 7% nhưng thực chất tiền sẽ mất giá, như năm trước sẽ là 5% còn năm nay dự báo là 3%. Như vậy, lợi suất khi gửi ngân hàng chỉ là 4% do trượt giá mà chúng ta không nhìn thấy được. Tuy vậy, gửi ngân hàng thì gần như rủi ro bằng 0.

Còn nếu đầu tư BĐS tiền thuê mỗi năm khoảng được 4%, và giá trị BĐS tăng mỗi năm khoảng 5% nữa thì NĐT được khoảng 10%. Đầu tư BĐS thì có thể xảy ra rủi ro hơn gửi tiết kiệm. Nhưng, căn cứ giữa 4% với 10% thì có xứng đáng để chấp nhận rủi ro để hưởng lợi suất hay không?

"Tôi thích đầu tư BĐS vì tôi có niềm tin sắt đá về giá BĐS không xuống, trừ một số dự án chung cư không được quản lý, bảo trì tốt. Trong khi đó, vàng lên xuống theo thời điểm. Tại sao tôi chấp nhận đầu tư BĐS dù lãi suất cho thuê chỉ khoảng 4.5%, bởi tôi cho rằng giá không xuống mà sẽ tăng đều", ông Thành chia sẻ.

[Kinh Nghiệm Đầu Tư] Giữ tiền mặt hay xuống tiền mua BĐS lúc này, chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

Còn nếu đầu tư vào vàng, theo vị chuyên gia này về dài hạn có thể tăng nhưng chỉ cần thị trường có biến động thì giá vàng lại đột ngột tăng, giảm. Nếu như vậy đầu tư vào vàng thì kỳ vọng ít nhất là 20% thì mới nên chấp nhận đầu tư.

Phân tích thêm kênh đầu tư chứng khoán, ông Thành cho rằng, thời điểm này, từ tác động của Covid 19 sẽ làm lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết giảm nhưng có thể tăng lên vào năm sau. Vấn đề là niềm tin của nhà đầu tư đặt vào đó đang căn cứ vào lợi nhuận kỳ vọng vào các doanh nghiệp mà nhà đầu tư sẽ quyết định mua hay không. Ngoài ra, phải xem xu hướng của các quỹ đầu tư nước ngoài để học hỏi và cân nhắc đầu tư.

"Với thị trường hiện nay, những NĐT có sẵn tài chính nhàn rỗi (không vay ngân hàng) thì nên vào thị trường, chấp nhận tỉ lệ lợi nhuận thấp so với kì vọng. Nhưng bù lại, nếu tính về giá trị sản phẩm gia tăng trong tương lai thì đây là bài toán tốt nếu chọn kênh đầu tư BĐS lúc này. Chắc chắn về trung – dài hạn BĐS vẫn sinh lợi nhuận tốt", ông Thành khẳng định.

Theo các chuyên gia, việc "xuống tiền" trong giai đoạn này có thể là nước cờ thông minh, bởi nhiều chính sách ưu đãi được triển khai sẽ giúp người mua hưởng lợi nhiều hơn so với thời điểm trước.

Còn ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, BĐS vẫn là kênh đầu tư sinh lợi tốt nhất, an toàn nhất và có dư địa lớn nhất. Về yếu tố sinh lợi thông qua giá trị, thị trường BĐS trong suốt nhiều năm qua, chưa có cuộc khủng hoảng nào mà BĐS giảm giá. Ngược lại, BĐS vẫn tăng đều, bình quân từ 5-7%. Ngoài ra, BĐS còn có khả năng sinh lợi khi khai thác kinh doanh để gia tăng thêm lãi.

Với BĐS nghỉ dưỡng, đây là phân khúc có lợi thế, dư địa lớn để phát triển. Trong vòng 5, 10 năm nữa, du lịch Việt Nam sẽ trở nên cạnh tranh và thu hút tầm cỡ thế giới. Theo ông Đính, trên thực tế, BĐS nghỉ dưỡng ở thời điểm hiện tại cũng bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh nhưng vẫn nhận được quan tâm rất lớn của các NĐT.

Thời điểm hấp dẫn để "xuống tiền"?

Theo các chuyên gia, mua BĐS lúc này sẽ được giá tốt. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để người mua tính toán được mức sinh lợi cụ thể ở các phân khúc, sự lựa chọn sản phẩm đẹp cũng đa dạng hơn.

Tại hội thảo mới đây, TS. Cấn Văn Lực lưu ý về một số phân khúc đang được quan tâm là "Second home" và BĐS nhà ở. Nếu quyết định đầu tư lâu dài thì BĐS du lịch là một kênh đáng lưu ý.

Ông Lực nhấn mạnh thêm rằng lãi suất đi vay để mua nhà hiện nay tương đối hấp dẫn và nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục giảm. Nhiều ngân hàng tung ra các gói cho vay kỳ hạn 9 năm đổ xuống với lãi suất chỉ từ 7-9%/năm. Đây là mức lãi suất khá hấp dẫn. "Thời điểm hiện nay có tiền mặt là vua, nhưng cũng là thời điểm xuống tiền cho BĐS tương đối hấp dẫn", ông Lực nhấn mạnh. Chưa kể, nhìn dài hạn BĐS vẫn là kênh đầu tư có tiềm năng trong tương lai.

[Kinh Nghiệm Đầu Tư] Giữ tiền mặt hay xuống tiền mua BĐS lúc này, chuyên gia nói gì? - Ảnh 2.

Theo TS Cấn Văn Lực, thời điểm hiện nay có tiền mặt là vua, nhưng cũng là thời điểm xuống tiền cho BĐS tương đối hấp dẫn

Bên cạnh đó, điều chắc chắn là giữa mùa dịch để kích thích nhu cầu mua BĐS, các CĐT sẽ dành những ưu đãi mạnh tay hơn hẳn so với thời điểm khác. Biên lợi nhuận của người mua cũng được kì vọng nhiều hơn khi thị trường tốt lên.

Trên thị trường, rất nhiều dự án mới ra mắt của các tập đoàn lớn đều đang có các chính sách ưu đãi rất hấp dẫn. Đơn cử như các sản phẩm thuộc phân khu Wonderland thuộc Tổ hợp Du lịch Nghỉ dưỡng Giải trí NovaWorld Ho Tram (Bà Rịa – Vũng Tàu) của Novaland, Vinhomes tặng voucher mua xe VinFast trị giá hàng trăm triệu đồng cho khách mua nhà Vinhomes,...Ngoài ra, theo ông Vũ Cương Quyết, CEO Đất Xanh Miền Bắc thì hiện bình quân mỗi tuần đơn vị này giao dịch thành công khoảng 300-400 sản phẩm, đa phần các dự án chung cư sắp bàn giao nhà ở Hà Nội đều có ưu đãi lớn trong tháng Ngâu. 

Hầu hết các chuyên gia trong ngành đưa lời khuyên, việc "xuống tiền" trong giai đoạn này có thể là nước cờ thông minh, bởi nhiều chính sách ưu đãi được triển khai sẽ giúp người mua hưởng lợi nhiều hơn so với thời điểm trước. Chưa kể, nhìn dài hạn BĐS vẫn là kênh đầu tư có tiềm năng trong tương lai. Hiện nay, mỗi NĐT có những phương pháp để vào thị trường, còn nhìn nhận kênh nào để "bỏ tiền" thì do mỗi NĐT quyết định.

Hạ Vy

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên