“Bài toán 680 tỷ đồng” của Địa ốc Hoàng Quân
Hai trong ba “nhiệm vụ” mà Địa ốc Hoàng Quân muốn thực hiện trong năm 2023 là thanh toán các khoản nợ thuế và khắc phục việc thâm hụt vốn cổ phần. Trên báo cáo tài chính kiểm toán của công ty, tổng hai khoản này gần 680 tỷ đồng.
- 04-03-2023Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân: “Nhà ở xã hội đang được giao không đúng đối tượng”
- 24-06-2021Địa ốc Hoàng Quân, Xây dựng Ngân Thuận, Tập đoàn MeKong… cùng loạt doanh nghiệp BĐS bị “bêu tên” nợ thuế
- 20-02-2019Địa ốc Hoàng Quân đã mắc sai phạm nghiêm trọng như thế nào tại dự án nhà ở xã hội Hoàng Quân Nha Trang?
Nội dung chính:
- - Hoàng Quân nợ thuế 216 tỷ đồng và thâm hụt vốn cổ phần 462 tỷ đồng - theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của công ty.
- - Hai trong ba nhiệm vụ của lãnh đạo Hoàng Quân trong năm 2023 là khắc phục thâm hụt vốn cổ phần và thanh toán nợ thuế.
- - Rất khó để thực hiện đồng thời hai mục tiêu nói trên ngay cả khi hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2023.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân (HQC) nhiều lần nhắc đến 3 mục tiêu năm nay của công ty bao gồm:
Một là, trả dứt điểm nợ thuế với số tiền 216 tỷ đồng.
Hai là, giải quyết việc thâm hụt vốn cổ phần 462 tỷ đồng.
Ba là, đưa cổ phiếu HQC về mệnh giá.
Với hai nhiệm vụ đầu tiên, Hoàng Quân phải giải “bài toán 680 tỷ đồng” - tương đương với việc thanh toán toàn bộ nợ thuế và xóa thâm hụt vốn cổ phần.
Nợ thuế 216 tỷ đồng
Với 216 tỷ đồng nợ thuế, công ty có thể giải quyết mà không cần kết quả kinh doanh có lãi. Trao đổi với phóng viên, ông Trương Anh Tuấn nhấn mạnh: “Quan trọng là dòng tiền”.
Số tiền nợ thuế của Hoàng Quân tính đến cuối năm 2022 đã tăng 21 tỷ đồng trong một năm. Thực tế năm 2021, Hoàng Quân có dòng tiền kinh doanh dồi dào, lên tới gần 2.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản tiền dồi dào này chủ yếu đến từ các cá nhân liên quan cho công ty mượn. Nếu loại bỏ chênh lệch các khoản phải trả, dòng tiền thực sự đến từ hoạt động kinh doanh của Hoàng Quân vẫn bị thâm hụt.
Thâm hụt vốn cổ phần 462 tỷ đồng
Với 462 tỷ đồng thâm hụt vốn cổ phần, ông Tuấn cho biết về lý thuyết có hai phương án: Một là có lợi nhuận để bù vào phần thâm hụt. Hai là, phát hành cổ phiếu trên mệnh giá để có thể hạch toán phần thặng dư.
Năm 2023, lợi nhuận kế hoạch của Hoàng Quân là 140 tỷ đồng, tương đương 22% phần thâm hụt vốn cổ phần phải bù đắp. Chưa kể, lợi nhuận đạt được trong năm công ty sẽ phải phân phối các loại quỹ, khó có thể lấy toàn bộ để bù đắp cho thâm hụt cổ phần. Mặc dù lạc quan về tình hình kinh doanh năm 2023 so với các năm trước, Chủ tịch Hoàng Quân vẫn bỏ ngỏ khả năng không thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh. Như vậy, việc bù đắp phần thâm hụt vốn cổ phần của công ty bằng lợi nhuận giữ lại năm 2023 lại càng bất khả thi.
Giải pháp phát hành thêm trên mệnh giá để lấy phần vượt mệnh giá bù đắp thâm hụt không chỉ phụ thuộc ý chí chủ quan của Hoàng Quân, mà còn phụ thuộc diễn biến thị trường với cổ phiếu HQC.
Trong một năm gần đây, mức giá cao nhất của cổ phiếu HQC là 6.100 đồng/cổ phiếu, thấp hơn rất nhiều so với mệnh giá 10.000 đồng. Từ cuối tháng 8/2022, HQC luôn dưới 5.000 đồng/cổ phiếu - tức chưa bằng một nửa mệnh giá. Trong khi đó, HQC lại là một cổ phiếu có tính thanh khoản cao với hàng triệu cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên.
Với lý do đó, nhà đầu tư cá nhân hay nhà đầu tư chuyên nghiệp đều không có nhiều động lực để mua cổ phiếu phát hành thêm với giá trên 10.000 đồng của Hoàng Quân.
Thị trường bất động sản được đánh giá chưa hết khó khăn trong năm nay. Cổ phiếu bất động sản như HQC vì vậy vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực, khó có khả năng “bứt tốc”, tăng bằng lần trong thời gian tới.
Trao đổi với phóng viên về khả năng khắc phục thâm hụt vốn cổ phần, ngoài hai phương án nói trên, ông Tuấn bỏ ngỏ khả năng lãnh đạo công ty, hoặc các nhà đầu tư chiến lược có thể “giúp đỡ” bằng cách mua cổ phiếu phát hành thêm với giá cao, thậm chí “đấu giá” cổ phiếu và “tặng” công ty như một khoản hỗ trợ.
ĐHĐCĐ thường niên của Hoàng Quân đã thông qua phương án phát hành 100 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm tài trợ cho dự án Golden City tại tỉnh Tây Ninh. Mức giá này cao hơn gấp đôi mức giá cổ phiếu HQC đang được giao dịch trên thị trường.
Nếu phương án này được các cơ quan chức năng thông qua và Hoàng Quân phát hành thành công, công ty có thể thu về 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số tiền này về nguyên tắc sẽ không được dùng để thanh toán nợ thuế. Đồng thời, với mức giá phát hành bằng mệnh giá, Hoàng Quân cũng không thể hạch toán thặng dư vốn cổ phần để bù vào con số 462 tỷ đồng thâm hụt nói trên.
Bên lề cuộc họp, ông Tuấn cho biết công ty đã tìm được nhà đầu tư chuyên nghiệp mua 100 triệu cổ phiếu phát hành thêm sắp tới - tuy nhiên không cung cấp thông tin cụ thể.
Với “bài toán 680 tỷ đồng” mà lãnh đạo Hoàng Quân đặt ra, công ty có thể phải kéo dài đến năm 2024 mới có thể thực hiện hoàn chỉnh.
Tuy không nói về khả năng “gia hạn” mục tiêu, ông Trương Anh Tuấn cho biết công ty chưa thể chia cổ tức năm 2023 và 2024. Nếu có, phải đến năm 2025 công ty mới tính đến việc chia cổ tức cho cổ đông.
Một trong những điều kiện để doanh nghiệp có thể chia cổ tức, là doanh nghiệp đó phải hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Nhịp sống thị trường