MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bài toán khó cho Tổng thống Trump ở hội nghị G7

04-06-2018 - 19:43 PM | Tài chính quốc tế

Đây không phải là thời điểm cho một cuộc đàm phán thương mại thông qua Twitter và thỉnh thoảng là những lời tố cáo dồn dập thiếu sự chuẩn bị trước như ông Trump vẫn thường làm. Cuộc họp G-7 vào tuần tới là một thời điểm để nước Mỹ yêu cầu một cách nghiêm túc.

Trong 2 ngày 8-9/6, hội nghị thượng đỉnh G-7 sẽ diễn ra tại Quebec, Canada. Giới phân tích cho rằng đây chính là cơ hội để Tổng thống Donald Trump làm rõ quan điểm của ông về các nền tảng kinh tế, chính trị và thương mại đa phương cấu thành trật tự thế giới.

Tháng 11 tới sẽ diễn ra 1 sự kiện quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với độ dài nhiệm kỳ của Tổng thống Trump: bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ. Và chắc hẳn ông thống Trump nhận thức được các vấn đề thế giới gắn bó chặt chẽ như thế nào đối với mức độ tín nhiệm của ông. Phố Wall đang nhắc nhở ông về điều đó mỗi ngày bằng những biến động rất mạnh trong giá tài sản sau mỗi động thái cắt giảm thuế của Tổng thống hay sau mỗi báo cáo việc làm và tiền lương, cùng với hy vọng chấm dứt thực trạng nước Mỹ bị thất thoát của cải vật chất và tài sản chất xám vì các hoạt động thương mại không công bằng.

Đã đến lúc người đứng đầu nước Mỹ đạt được một số bước tiến trong các vấn đề này. Không phải thông qua những dòng trạng thái ngắn ngủi trên Tweeter mà là 1 lời kêu gọi rõ ràng về những lợi ích quốc gia quan trọng của nước Mỹ.

Ông Trump nên làm gì ở G7?

Đó nên là một cách hành xử thân thiện. Ở phía đối diện với ông Trump là những người bảo vệ thương mại đa phương và tự do thương mại và trên thực tế họ cũng chính là những người chịu trách nhiệm về thặng dư thương mại quá mức.

Tổng thặng dư thương mại của Trung Quốc và Đức với phần còn lại của thế giới đã lên đến 463,4 tỷ đô la trong năm ngoái. Trong cùng kỳ, thâm hụt thương mại của Mỹ là 466,2 tỷ đô la.

Nếu ba quốc gia này – đóng góp gần 40% tổng lực cầu cũng như sản lượng kinh tế toàn cầu - được coi là đại diện cho nền kinh tế thế giới, bạn sẽ có minh chứng hoàn hảo để cho thấy cán cân thanh toán của thế giới là bằng không, với lỗi đo lường rất nhỏ.

Điều này cũng cho thấy rằng thặng dư thương mại của Trung Quốc và Đức sẽ đủ để bù đắp cho thâm hụt của Mỹ thông qua việc mua các công cụ nợ của chính phủ Hoa Kỳ. Nói cách khác, người Trung Quốc và người Đức sẽ tăng thêm lượng tài sản nước ngoài ròng bằng cách tái sử dụng số đôla mà Mỹ đã trả để mua hàng hóa và dịch vụ của họ.

Đối với nước Mỹ, điều tất nhiên, là phải bù đắp vào chỗ thâm hụt bằng cách tích lũy nợ nước ngoài ròng. Vào cuối năm ngoái, khoản nợ đó đã được ước tính là 7,8 nghìn tỷ đô la.

Tất nhiên đây chỉ là 1 phép giản lược, thực tế bức tranh thương mại thế giới phức tạp chồng chéo hơn rất nhiều. Dẫu vậy đúng là hiện nay hệ thống thương mại thế giới cần được điều chỉnh ở một số điểm.

Thứ nhất, thâm hụt thương mại lớn và có hệ thống cho thấy một chính sách kinh tế phụ thuộc quá mức vào nhu cầu hàng hóa nước ngoài để tạo ra thu nhập và việc làm. Đây là những chiến lược tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu hay còn gọi là chính sách "bần cùng hóa người láng giềng (chính sách tìm kiếm lợi ích cho một quốc gia dựa trên việc làm tổn hại đến lợi ích các quốc gia khác)", bởi vì các nước theo đuổi các mục tiêu đó phải có sự kết nối chặt chẽ với các đối tác thương mại của họ.

Thứ hai, những quốc gia đó vi phạm các quy tắc điều chỉnh thương mại đã tồn tại lâu đời. Họ cũng làm ngược lại với những khuyến nghị của G-20 về mục đích tái lập cân bằng cán cân thương mại để tạo ra một nền kinh tế thế giới ổn định.

Thứ ba, 2 nước có thặng dư thương mại thuộc hàng lớn nhất thế giới đã không làm gì để đáp lại các khiếu nại thương mại của Mỹ trong vòng một năm rưỡi vừa qua. Trong quý đầu tiên của năm nay, thặng dư thương mại của Trung Quốc và Liên minh châu Âu (mà dẫn đầu khối này là Đức) chiếm 62,4 % tổng thâm hụt thương mại của Mỹ. Năm 2017 con số cũng tương tự: 65%.

Đây không phải là thời điểm cho một cuộc đàm phán thương mại thông qua Twitter và thỉnh thoảng là những lời tố cáo dồn dập thiếu sự chuẩn bị trước như ông Trump vẫn thường làm. Cuộc họp G-7 vào tuần tới là một thời điểm để nước Mỹ yêu yêu cầu một cách nghiêm túc.

Ông Trump cũng nên biết rằng các đối thủ thương mại của ông đang bắt tay với nhau. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hoàn thành chuyến thăm thứ 11 của mình đến Bắc Kinh tuần trước, với việc này, bà đã đảm bảo những lựa chọn thay thế đáng kể cho số lượng hàng hóa xuất khẩu của Đức vào thị trường Mỹ. Các phương tiện truyền thông Đức đang đưa tin rằng thậm chí bà Angela Merkel còn tìm kiếm một thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc - một sự đảo ngược hoàn toàn các mối đe dọa và cáo buộc gần đây mà bà đã nhắm vào các hoạt động đầu tư và thương mại phân biệt của Bắc Kinh và sự can thiệp của Trung Quốc tại các sân sau ở Trung Âu và Đông Âu của Đức.

Những cân nhắc đầu tư

Với việc Cục Dự trữ Liên bang sẵn sàng tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát gia tăng và củng cố nền kinh tế, các thị trường ngày càng nhạy cảm với những mâu thuẫn thương mại và các cuộc đối đầu quân sự.

Mỹ nên bình ổn mọi thứ bằng cách đảm bảo rằng Trung Quốc và EU đồng thuận - không có sự lấp lửng - hợp tác hoàn toàn trong việc cân bằng nhanh chóng các cán cân thương mại với Mỹ.

Căng thẳng ở nước ngoài với các cuộc chiến tranh ủy nhiệm (cuộc chiến đại diện cho những thế lực đứng sau, một cuộc chiến được giật dây bởi những thế lực ngầm) và các biện pháp trừng phạt kinh tế là một nguyên nhân khác làm giảm giá tài sản của Mỹ - mặc dù đã có một môi trường thị trường thuận lợi được tạo ra bởi các chính sách tài khóa của ông Trump và quá trình rút thanh khoản cực kỳ khéo léo của Fed.

Trừ khi Tổng thống Trump có thể giảm bớt những mâu thuẫn thương mại và các cuộc đối đầu chính trị ở Đông Âu, Trung Đông và Đông Á, ông không nên mạo hiểm chỉ dựa vào một đợt cắt giảm thuế khác để điều chỉnh thị trường tài chính.

Phạm Cường

CNBC

Trở lên trên