'Bài toán khó' của Bắc Kinh: Thu hút các nhà đầu tư Mỹ, đồng thời làm suy yếu sức mạnh của Washington
Các nhà phân tích phương Tây nhận định rằng, Trung Quốc đang theo đuổi hai mục tiêu dường như trái ngược nhau cùng một lúc.
- 31-03-2024Tập đoàn Trung Quốc hướng tới mục tiêu giao hàng toàn cầu trong vài giờ
- 31-03-2024Khủng hoảng y tế Hàn Quốc ngày càng nghiêm trọng: Bé gái 33 tháng tuổi rơi xuống mương, tử vong vì 9 bệnh viện đều từ chối cấp cứu
- 31-03-202410 công việc “khát nhân lực” trả lương tới 3,8 tỷ đồng/năm, cho phép làm online nhưng cần đáp ứng yêu cầu đặc biệt
'Trung Quốc và Mỹ nên giúp đỡ thúc đẩy sự phát triển của nhau'
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thể hiện một thái độ niềm nở hôm 27/3, mỉm cười rạng rỡ với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tại một cuộc họp ở Bắc Kinh.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đảm bảo với các nhà đầu tư bao gồm Cristiano Amon của Qualcomm và Stephen Schwarzman của Blackstone Group rằng sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc, cơn suy thoái lớn nhất trong 15 năm, sẽ sớm kết thúc.
Theo Tân Hoa Xã, Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục vẽ ra một bức tranh tươi sáng về mối quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai.
Ông Tập nói: "Cho dù đó là các lĩnh vực truyền thống như kinh tế, thương mại và nông nghiệp hay các lĩnh vực mới nổi như biến đổi khí hậu và trí tuệ nhân tạo, thì Trung Quốc và Mỹ nên giúp đỡ thúc đẩy sự phát triển của nhau."
Nhưng theo Business Insider, hơn một năm trước, Chủ tịch Trung Quốc từng nói theo cách rất khác.
Trong bài phát biểu trước Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc vào ngày 6/3/2023 ở Bắc Kinh, ông Tập cho rằng Mỹ là nguyên nhân mang lại thách thức cho Trung Quốc.
"Các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn, bao vây và trấn áp toàn diện đối với Trung Quốc, điều này mang đến những thách thức nghiêm trọng chưa từng có đối với sự phát triển của đất nước chúng ta", ông Tập nói.
Tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh
Theo Business Insider, các nhà phân tích nhận định rằng, Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình đang theo đuổi hai mục tiêu dường như trái ngược nhau cùng một lúc.
Một mặt, Trung Quốc đang tìm cách thực hiện chiến lược dài hạn nhằm thay thế Mỹ trở thành cường quốc thống trị thế giới.
Trong cuộc xung đột Ukraine, Trung Quốc đang đối đầu với Mỹ về việc cung cấp hỗ trợ kinh tế và ngoại giao quan trọng cho Nga.
Bắc Kinh cũng gia tăng mức độ cứng rắn trong các tuyên bố về đảo Đài Loan (Trung Quốc) - một đồng minh của Mỹ. Một đô đốc Hải quân Mỹ trong tuần trước cảnh báo rằng, Trung Quốc đang xây dựng quân đội với tốc độ chưa từng thấy kể từ Thế chiến II và có thể lên kế hoạch tấn công đảo này trong vài năm tới.
Đô đốc John Aquilino - Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ - phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Mỹ vào ngày 20/3 rằng: "Tất cả các dấu hiệu đều chỉ ra rằng [Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc] đáp ứng chỉ thị của Chủ tịch Tập Cận Bình là sẵn sàng tấn công đảo Đài Loan vào năm 2027."
Theo Business Insider, các chuyên gia phương Tây cảnh báo rằng, một liên minh mới đang hình thành giữa Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên, với Trung Quốc là thành viên giàu có và quyền lực nhất.
Nhưng cũng theo các chuyên gia, ông Tập rõ ràng cũng thận trọng với việc làm khó Mỹ quá mức trong nhiệm kỳ của mình.
Nền kinh tế Trung Quốc sau nhiều thập kỷ tăng trưởng đang gặp phải những khó khăn đáng kể nhất trong nhiều năm qua. Cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản đã gây ra tình trạng thất nghiệp tăng vọt, chi tiêu tiêu dùng giảm sút và các nhà đầu tư nước ngoài đang chuyển hướng dòng tiền.
Ali Wyne - nhà phân tích của tổ chức phi chính phủ International Crisis Group có trụ sở tại Bỉ - nói với Business Insider rằng, Trung Quốc đang cố gắng tránh sự đổ vỡ hoàn toàn trong quan hệ với Mỹ.
Wyne nói: "Thu hút đầu tư nước ngoài rất quan trọng vì cả mục đích khách quan lẫn mục đích phản ánh: Trung Quốc đang cố gắng quản lý một loạt những trở ngại tăng trưởng đầy thách thức và ra hiệu rằng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có ảnh hưởng vẫn đang đặt cược lâu dài vào đất nước này."
"Ngoài ra, trong khi cạnh tranh mạnh mẽ với Mỹ, họ [Trung Quốc] tìm cách tránh sự cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ với siêu cường của thế giới; việc tham gia bền vững với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ là điều cần thiết cho mục đích đó", Wyne nói thêm.
Theo Business Insider, là một phần trong nỗ lực nhằm xoa dịu mối quan hệ với Mỹ và đảm bảo đầu tư, vào tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra một số nhượng bộ với Tổng thống Mỹ Joe Biden, đề nghị giúp giải quyết nạn buôn lậu chất ma tuý fentanyl và cùng hợp tác để hạn chế sử dụng AI trong vũ khí hạt nhân.
Một số nhà phân tích cho rằng ông Tập đang cố gắng kéo dài thời gian, giảm bớt căng thẳng với Mỹ để thúc đẩy nền kinh tế, nhưng không làm thay đổi căn bản tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh.
Robert Daly - Giám đốc Viện Kissinger nghiên cứu Trung Quốc và Mỹ thuộc Trung tâm Wilson, nói với đài NPR (Mỹ) vào tháng 11/2023 rằng: "Việc này có thể mang lại sự ổn định nhất định nhưng không thay đổi bản chất của một mối quan hệ có lẽ vẫn chưa tìm thấy đáy."
Đời sống và Pháp luật