MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán được 42,5 triệu sản phẩm trong 5 phút, nghề streamer giúp nhiều người Trung Quốc đổi đời trong nháy mắt

03-01-2020 - 11:59 AM | Tài chính quốc tế

Đối với các thương hiệu toàn cầu, những người nổi tiếng trên internet là cách hiệu quả nhất để có thể tiếp cận với hàng trăm triệu người tiêu dùng Trung Quốc.

Tháng 11 vừa qua, Xin Ba, 1 livestreamer (người chuyên phát sóng trực tiếp trên mạng) đã bán được 42,5 triệu sản phẩm chăm sóc da chỉ trong 5 phút, thu về 400 triệu nhân dân tệ (57 triệu USD) trong sự kiện mua sắm đặc biệt nhất trong năm. Anh hoạt động trên Kuaishou, mạng xã hội chia sẻ video nổi tiếng ở Trung Quốc.

Đối với nhiều người Trung Quốc, đó chính là giấc mơ làm giàu trong nháy mắt mà nền kinh tế kỹ thuật số có thể đem lại. Còn đối với các thương hiệu toàn cầu, những người nổi tiếng trên internet, các KOL như Xin Ba, đang nổi lên là cách hiệu quả nhất để có thể tiếp cận với hàng trăm triệu người tiêu dùng Trung Quốc.

Xin, tên đầy đủ là Xin Youzhi, là người có kỹ năng giao tiếp thượng thừa. Anh xuất thân từ vùng Đông Bắc, nơi nổi tiếng với những người làm giải trí có tài nói liến thoắng. Khu vực này gồm 3 tỉnh, tiếp giáp với Siberia và Triều Tiên, có nền kinh tế vẫn đang chật vật cố gắng thoát khỏi những hệ lụy mà tình trạng dư thừa sản lượng công nghiệp gây ra.

Theo Hao Wu, đạo diễn làm nên bộ phim tài liệu về những livestreamer ở Trung Quốc có tựa đề "People’s Republic of Desire", những người từ vùng Đông Bắc rất giỏi trong việc biểu diễn hài kịch, do đó những nội dung họ làm ra có sức hấp dẫn với khán giả trên khắp cả nước, kể cả những người ở phía Nam.

Trong giai đoạn nghề livestreamer mới nổi lên ở Trung Quốc, khu vực này đã sản sinh ra nhiều nhân vật nổi tiếng mà người xem sẵn sàng tặng cho họ cả "cơn mưa" quà tặng ảo. Theo báo cáo của mạng xã hội Momo, tính đến giữa năm ngoái Trung Quốc có tổng cộng hơn 425 triệu livestreamer, trong đó 3 tỉnh Đông Bắc chiếm tỷ lệ cao nhất và con số ngày càng tăng lên.

Tại 1 hội nghị ở Bắc Kinh hôm 17/12 vừa qua, Wang Yulin, CEO của Mockuai, đối tác của Kuaishou, cho biết đối với những người dùng của Kuaishou có hơn 1 triệu fan trở lên, khối lượng giao dịch trong 11 tháng qua đã tăng 9 lần, so với mức tăng trưởng 34 lần của những người có ít nhất 200.000 fan.

Mới đây Bloomberg đưa tin Kuaishou đang lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Mỹ vào năm 2020, với mức định giá ít nhất là 25 tỷ USD.

Nghề livestreamer đang bùng nổ ở Trung Quốc, nhưng vẫn có những khó khăn nhất định. Những ông lớn hoàn toàn thống trị thị trường, và những đòi hỏi về mức độ chuyên nghiệp ngày càng tăng lên.

Khoảng 1 năm trước, các video có thể dễ dàng thu hút được sự chú ý và 1 cá nhân đơn lẻ hoàn toàn có thể thành công. Tuy nhiên giờ đây cần phải có cả 1 đội ngũ đứng sau để hỗ trợ thì mới có thể tạo ra được video hot, theo Kelvin Zhao – người đã từng có 4 năm làm việc cho 1 nhà sáng tạo nội dung hàng đầu Trung Quốc.

Theo 1 báo cáo hồi tháng 3 của công ty nghiên cứu TopKlout, hiện có ít nhất 5.000 đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối các KOL với các thương hiệu và đôi lúc sẽ hỗ trợ quá trình sản xuất nội dung.

Quãng thời gian mà các KOL có thể tận dụng sức hút để kiếm tiền cũng không kéo dài lâu.

5 năm kể từ khi Wu bắt đầu theo dõi một số livestreamer để lấy tư liệu làm phim, vị đạo diễn này cho biết họ vẫn có thể kiếm được thu nhập tương đương thời kỳ trước, nhưng nhìn chung thì lượng fan gần như đi ngang vì sự xuất hiện của nhiều nền tảng chia sẻ video khác, đặc biệt là TikTok.

"Họ cố gắng hết sức để tìm phương án dự phòng, nhưng thường thì những người này không có bằng đại học, không có vốn xã hội và không biết cách điều hành 1 công việc kinh doanh ở ngoài đời thực. Họ cũng thử lập nhà hàng, quán bar nhưng đều thất bại", Wu nói.

Even Xin, người có gần 34,7 triệu người theo dõi trên Kuaishou, biết rằng nghề livestreamer không thể tồn tại mãi mãi. Anh chia sẻ mình luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân, tích lũy fan và phát triển chuỗi cung ứng của riêng mình.

Tham khảo CNBC

Thu Hương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên