Bán khăn lụa “Made in China” nhưng quảng bá "Made in Vietnam", KhaiSilk vi phạm những quy định gì?
Việc KhaiSilk bán chiếc khăn lụa có 2 mác xuất xứ đã vi phạm nghiêm trọng quy định về đạo đức kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ.
- 26-10-2017Khaisilk - "thần tượng" sụp đổ
- 25-10-2017Thêm người tiêu dùng tố khăn lụa Khaisilk gắn mác "Made in Vietnam", nhưng đã khéo cắt đi mác “Made in China”, vì sao doanh nhân Hoàng Khải vẫn im lặng?
- 24-10-2017Giữa tâm bão “khăn Việt” hay “khăn Tàu”, cửa hàng lụa Khaisilk lặng lẽ đóng cửa Fanpage
- 23-10-2017Khăn lụa Khaisilk vừa có mác "Made in China", vừa có mác "Made in Vietnam", nguồn gốc thật sự ở đâu?
Luật sư Ngô Anh Tuấn, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi bán chiếc khăn có 2 mác ghi xuất xứ đã vi phạm nghiêm trọng quy định về đạo đức kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ về đạo đức kinh doanh để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc đã được gắn mác “Made in Vietnam” xâm phạm quyền của người tiêu dùng. Bản thân ông Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn KhaiSilk cũng thừa nhận 50% sản phẩm được bày bán tại hệ thống phân phối do công ty đặt hàng sản xuất tại Trung Quốc.
Doanh nghiệp của ông Hoàng Khải cũng đang vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, doanh nghiệp phải kê khai rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng,... của sản phẩm. Một chiếc khăn được gắn thêm mác xuất xứ có nội dung khác với mác trước đó là trái với thông tin trong hồ sơ bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại Việt Nam. Pháp luật sẽ chỉ bảo hộ cho doanh nghiệp nào đăng ký trước.
Trong trường hợp chiếc khăn hai mác của KhaiSilk, luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng các các tổ chức cá nhân, kinh doanh cùng lĩnh vực với KhaiSilk, hoặc cung cấp hàng hóa cho KhaiSilk có thể khởi kiện công ty này.
“Không xác định được doanh nghiệp bị thiệt hại từ hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa của sản phẩm (của cả phía Việt Nam lẫn Trung Quốc) nên không có cơ sở để các bên liên quan yêu cầu bồi thường. Tuy vậy, các tổ chức, cá nhân kinh doanh cùng lĩnh vực với Khaisilk hoặc cung cấp hàng hóa cho KhaiSilk có thể khởi kiện công ty này vì đã sử dụng hình ảnh, nguồn gốc hàng hóa của mình để bán sản phẩm của nước ngoài (trong câu chuyện, ông Hoàng Khải có nhắc đến hàng hóa của làng nghề Nha Xá, Hà Nam như là nơi cung cấp hàng hóa chất lượng cho mình)” – Luật sư Ngô Anh Tuấn nói.
Bên cạnh đó, Luật sư Ngô Anh Tuấn cũng cho rằng, KhaiSilk đã quảng cáo sai sự thật. Khách hàng đã hiểu rằng họ mua hàng hóa do Việt Nam sản xuất (trên mác cũng ghi “Made in Vietnam”) những khi xem kỹ lại phát hiệt ra thêm một mác khác ghi xuất xứ Trung Quốc.
Hiện nay, Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chưa có trả lời chính thức về vụ việc khăn lụa có 2 mác xuất xứ của KhaiSilk. Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, vụ việc còn liên quan đến Cục Xuất nhập khẩu và Cục Quản lý thị trường (thuộc Bộ Công thương).