Bán quyền thu phí cao tốc Bắc – Nam thế nào sau khi hoàn thiện?
Khi tuyến cao tốc Bắc - Nam hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhiều chuyên gia lo việc thu phí với tuyến cao tốc mà Nhà nước đầu tư sẽ xảy ra tình trạng “phí chồng phí”, nhất là khi ô tô đã phải đóng phí bảo trì đường bộ hằng năm.
- 12-01-2022Cao tốc Bắc - Nam: Mũi nhọn huyết mạch trong phát triển kinh tế
- 12-01-2022Cần cơ chế đặc thù cho cao tốc Bắc Nam
- 11-01-2022Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Rà lại suất đầu tư 200 tỷ đồng/km
Cùng với 8 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước (đầu tư công), mới đây Quốc hội quyết định đầu tư thêm 12 đoạn cao tốc Bắc - Nam cũng bằng ngân sách Nhà nước, nhằm nối thông tuyến cao tốc này. Như vậy, sắp tới sẽ có 20 đoạn, tuyến cao tốc Bắc – Nam được Nhà nước bỏ tiền đầu tư.
Đến nay, do chưa có quy định về thu phí với các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, nên việc thu phí để thu hồi vốn ra sao sau khi tuyến cao tốc này hoàn thiện đang nhận rất nhiều sự quan tâm của người dân cũng như chuyên gia kinh tế và giao thông.
Đề xuất thí điểm thu phí với cao tốc Bắc – Nam do Nhà nước đầu tư
Liên quan đến dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT đã hoàn thiện đề án thu phí với cao tốc đầu tư bằng ngân sách và báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét quyết định. Nếu Quốc hội thông qua, trên cơ sở đề án Chính phủ có thể giao Bộ GTVT và Bộ Tài chính xây dựng mức phí, cách thu, thời điểm thu.
Do đó, hiện chưa nói được sẽ thu phí cao tốc đầu tư công từ bao giờ, mức thu ra sao, thu với tuyến nào. Việc thu phí cao tốc đầu tư công cần Quốc hội thông qua do Luật Giao thông đường bộ quy định không thu phí với các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách, thay bằng thu phí bảo trì trên đầu phương tiện khi đăng kiểm.
Sau khi các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 hoàn thành sẽ tổ chức thu phí để thu hồi vốn Nhà nước thông qua hình thức chuyển nhượng quyền thu phí trong một thời hạn nhất định (3 năm, 5 năm hoặc 10 năm).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trên cơ sở quy định pháp luật, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án thu phí đối với các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước để thu hồi vốn đầu tư, quản lý vận hành và điều tiết giao thông.
Hiện nay, các cơ quan của Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện Đề án để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua, làm cơ sở triển khai thực hiện.
Tính toán sơ bộ của Bộ GTVT cho thấy, nếu thu phí toàn bộ 12 dự án thành phần trong 5 năm đầu có thể thu hồi khoảng 18.300 tỷ đồng vốn Nhà nước, trong 10 năm khoảng 37.881 tỷ đồng. Nếu thu phí 8 dự án thành phần (không thu phí 3 dự án đi trùng và nâng cấp một số đoạn đường Hồ Chí Minh hiện hữu), trong 5 năm đầu có thể thu hồi khoảng 14.800 tỷ đồng vốn Nhà nước, trong 10 năm khoảng 30.000 tỷ đồng.
“Mức phí dịch vụ sẽ được Chính phủ tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức nhận chuyển nhượng quyền thu phí và người sử dụng dịch vụ đồng thời hạn chế tác động, điều tiết lưu lượng giao thông phù hợp với năng lực khai thác giữa các tuyến đường song hành”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.
Trường hợp nhượng quyền thu phí không thành công, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu áp dụng hình thức thuê dịch vụ thu phí từ các nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng hiện nay đang triển khai như VETC, VDTC (Viettel)... để thu hồi vốn cho Nhà nước.
Người đứng đầu ngành GTVT cho biết, các tuyến cao tốc Bắc-Nam sẽ được triển khai liên dịch vụ thu phí thông trên toàn bộ 12 dự án giai đoạn 2021-2025 và các dự án giai đoạn 2017-2020, áp dụng hình thức thu phí điện tử tự động không dừng (ETC), bố trí trạm tại các điểm ra, vào đường cao tốc, thu phí theo số km thực tế sử dụng.
“Việc đưa hệ thống thu phí điện tử không dừng (112 trạm trên toàn quốc) vào hoạt động đã góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, bước đầu tạo được sự thuận tiện, niềm tin cho người sử dụng dịch vụ, số lượng các phương tiện dán thẻ và tham gia dịch vụ không dừng ngày càng tăng cao (khoảng hơn 2 triệu phương tiện đã dán thẻ để tham gia dịch vụ), doanh thu thu phí ETC tại các trạm tăng từ 19% trong quý 1/2021 lên đến 40% trong quý 4/2021”, ông Thể cho hay.
Tuy nhiên, ông Thể thừa nhận do hệ thống thu phí điện tử không dừng lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, việc quản lý vận hành hệ thống liên quan đến nhiều đối tượng (cơ quan có thẩm quyền, ngân hàng, nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ, chủ phương tiện giao thông...) nên trong quá trình vận hành hệ thống vẫn còn tồn tại một số lỗi, bất cập, gây bức xúc cho một số chủ phương tiện tham gia dịch vụ.
Để khắc phục các tồn tại, vướng mắc trên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương khắc phục triệt để các tồn tại nảy sinh trong quá trình vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng bảo đảm thuận tiện nhất cho phương tiện giao thông; tổ chức tuyên truyền, vận động; cải thiện, đa dạng hóa hình thức nạp tiền, trả tiền để thuận tiện cho người sử dụng.
Lo ngại phí chồng phí
Tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT đề nghị bổ sung quy định thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư đồng thời vẫn duy trì thu phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện ô tô như hiện nay.
Trong đó, các tuyến thu phí là đường bộ cao tốc, đường cấp cao, đường vành đai đô thị theo chuẩn cao tốc. Bộ Tài chính quy định mức thu phí với tuyến cao tốc do trung ương quản lý, hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức thu với đường cao tốc do địa phương quản lý.
Nhiều chuyên gia giao thông khi được hỏi đều nêu quan điểm cho rằng, có thể thu phí với cao tốc được đầu tư bằng ngân sách. Với điều kiện cao tốc thu phí phải có tuyến quốc lộ song song miễn phí, để người dân có quyền lựa chọn vì đã đóng phí bảo trì.
Thực tế, điều kiện này cũng khó đạt được ngay với cao tốc Bắc - Nam, khi tuyến song song là Quốc lộ 1 có nhiều đoạn đang thu phí BOT.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính) tỏ ra không đồng tình phương án thu phí cao tốc đầu tư công, do xảy ra tình trạng “phí chồng phí”, nhất là khi ô tô đã phải đóng phí bảo trì đường bộ hằng năm.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, với cao tốc đầu tư công, tới nay chỉ có đoạn TPHCM - Trung Lương đang khai thác và miễn phí. Tuyến cao tốc này được đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng vốn ngân sách, giai đoạn 2011-2018 được Nhà nước nhượng quyền thu phí.
Khi hợp đồng này kết thúc, từ đầu năm 2019 tới nay vẫn dừng thu phí. Cục Quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT) - đơn vị quản lý tuyến đường cho hay, sau khi dừng thu phí, tuyến đường hư hỏng không có kinh phí để sửa chữa. Phải tới tháng 9 vừa qua, tuyến cao tốc dài 62km này mới được Nhà nước bố trí 105 tỷ đồng để sửa chữa.
"Cần tính toán kỹ phương án thu phí cao tốc Bắc -Nam do Nhà nước bỏ ngân sách ra đầu tư, nếu không sẽ dẫn đến việc "phí chồng phí", 1 xe ô tô phải đóng cả phí bảo trì đường bộ hàng năm, vừa phải mua phí đường bộ qua các trạm", ông Quyền nói./.
VOV