MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bạn sẽ làm gì với cuộc đời mình khi máy móc giỏi hơn bạn trong công việc?

Sau khi kỳ thủ cờ vậy số một thế giới - Ke Jie, bị đánh bại hoàn toàn bởi Chương trình trí tuệ nhân tạo AlphaGo, anh ta nhận ra rằng có nhiều điều quan trọng hơn là việc cố gắng thi đấu với một cái máy.


Đồ hoạ: Hoài Linh.

Đồ hoạ: Hoài Linh.

Giải cờ vây thế giới đã tìm ra nhà vô địch người Trung Quốc - Ke Jie. Thế nhưng, anh vừa tham gia trận đấu gồm 3 ván cờ với chương trình trí tuệ nhân tạo AlphaGo và chịu thất bại 3-0.

Xem Ke Jie thi đấu và chứng kiến thất bại của anh khiến chúng ta nhớ đến những cuộc tranh luận gần đây về tự động hóa và các ngành nghề trong tương lai. Những cuộc tranh luận này đào sâu nhiều vấn đề thay vì chỉ một khía cạnh đơn lẻ là liệu robot có cướp mất công việc của con người.

Vấn đề thực sự ở đây có vẻ là liệu robot có lấy đi tâm hồn của chúng ta?

Nhìn lại thất bại của mình, Ke Jie cho biết anh băn khoăn về thất bại của con người. "Tôi đã rất phấn khích. Tôi có thể cảm nhận tim mình đập mạnh," anh nói. "Có thể bởi vì tôi quá phấn khích nên tôi đã đi vài nước cờ ngu ngốc. Có thể đó là điểm yếu lớn nhất của con người".

Có thể. Hoặc cũng có thể "điểm yếu lớn nhất của con người" là khả năng tách biệt cảm xúc với công việc. Vì vậy, chúng ta đánh giá bản thân trên những tiêu chí phù hợp hơn với máy móc như nguồn lực đầu vào và kết quả đầu ra, năng suất và tăng trưởng. Việc đánh giá dựa trên những phép tính thuần túy hơn là giá trị thực chất của con người.

Nói cách khác, chiến thắng của AlphaGo giúp chúng ta biết được vị trí của mình trong hệ thống rộng lớn của vạn vật. Sau Copecnic, chúng ta phải chấp nhận rằng Trái đất không phải trung tâm của vũ trụ. Sau AlphaGo, chúng ta chấp nhận rằng con người không còn là sinh vật thông minh nhất trên Trái Đất. Có thể sự thừa nhận này giúp ta hiểu hơn về tương lai thực sự của các công việc.


Đồ hoạ: Hoài Linh.

Đồ hoạ: Hoài Linh.

Đây là lần thứ hai AlphaGo đánh bại một đối thủ xếp hạng cao, lần đầu là trận thắng trước kỳ thủ chuyên nghiệp Lee Sedol của Hàn Quốc với tỉ số 4-1 năm 2016. Thật là một kết quả kinh ngạc khi Ke Jie được biết đến rộng rãi là một kỳ thủ số một thế giới và thi đấu gần như "hoàn hảo" trong tất cả các ván đấu mà không thể đánh bại một chiếc máy tính. Kết quả đó đủ để hầu hết các chuyên gia thừa nhận AlphaGo đã được cải tiến đến mức bất khả chiến bại.

Chiến thắng của máy tính ở môn cờ vây ấn tượng hơn nhiều so với chiến thắng trong môn cờ vua. Với cờ vua, máy tính có thể ghi nhớ hàng nghìn nước đi và tính toán chính xác con đường đến chiến thắng. Nó chủ yếu là bài tập số học.

Đánh bại kì thủ cờ vây lại là một cấp độ thông minh khác.

Với cờ vây, số nước đi khả thi nhiều hơn số nguyên tử trong vũ trụ, vì vậy tính toán số học không thể đủ. Máy tính không thể ghi nhớ tất cả các nước đi hay thậm chí không thể nhớ một phần nhỏ trong tổng số các nước đi. Vì thế, chương trình cần phải "nghĩ" để hiểu tình trạng của cuộc chơi và phát triển chiến thuật đi đến chiến thắng.

Cho đến gần đây, chúng ta có thể đùa rằng suy nghĩ là trí thông minh chỉ loài người mới có nhưng điều này không còn đúng nữa.


Đồ hoạ: Hoài Linh.

Đồ hoạ: Hoài Linh.

"Sự nổi lên của những máy móc thông minh hơn bao giờ hết, mà AlphaGo là ví dụ, liệu có cho chúng ta một lối thoát?"

Câu hỏi trên chứa đầy ẩn ý về tương lai của các công việc.

Công việc, hiểu theo nghĩa rộng, dường như luôn ở trung tâm những giá trị mà con người hướng đến. Chúng ta là những sinh vật sống, ta hiểu mình bằng cách tương tác với môi trường cả về thể chất lẫn tinh thần. Điều đó khiến ta trở nên khác biệt với máy móc. Đó là lý do máy móc không bao giờ thật sự suy nghĩ như con người, cho dù chúng có thông minh đến đâu đi nữa. Điều ý nghĩa đối với con người là được làm nhiều công việc khác nhau để cảm thấy thỏa mãn và trọn vẹn.

Vấn đề là, định nghĩa công việc đã trở thành "công việc được trả lương". Đối với đa số trong chúng ta, điều đó có nghĩa là làm việc cho người khác. Trong điều kiện này, công việc được hiểu là việc bán sức lao động kiếm một khoản tiền lương để tồn tại thay vì việc phát triển giá trị tự thân của con người.


Đồ hoạ: Hoài Linh.

Đồ hoạ: Hoài Linh.

Vậy nên, khi các nhà kinh tế nói rằng chúng ta không cần phải lo lắng về việc robot lấy đi công việc của mình bởi vì công nghệ sẽ tạo ra nhiều công việc mới thì họ cơ bản là đang tranh cãi về thực trạng số đông làm thuê cho số ít và công việc nói đến ở đây là công việc được trả lương. Họ đang định nghĩa chúng ta như những đơn vị cho sản xuất, đầu vào của nền kinh tế thay vì những con người sống, tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời bằng cách tương tác với thế giới.

Phải chăng một thế giới mà máy móc thông minh đến kinh ngạc mới thực sự là tương lai tốt nhất chúng ta có thể tưởng tượng? Sau tất cả, việc bán sức lao động cho những kẻ sở hữu vốn không đem lại điều gì cho giá trị tự thân của con người. Thực tế, nó bộc lộ điều xấu xa nhất của con người, đó là một thực hành bóc lột khi số ít nắm quyền lực và kiểm soát số đông.

Liệu sự phát triển của máy móc thông minh mà AlphaGo là một ví dụ có cho chúng ta một lối thoát? Nếu chúng ta để máy móc đảm nhận nhiều công việc hơn con người, liệu chúng ta có tìm ra cách nào khác phân phối của cải tốt hơn tiền lương và giải phóng con người để sống một cuộc đời ý nghĩa hơn? Thay vì đe dọa vị trí của chúng ta trong vũ trụ, liệu trí tuệ nhân tạo có thể giúp cúng ta đảm bảo vị trí của mình?

Nếu nhìn nhận theo hướng này thì hầu hết các nền văn minh rốt cuộc đều dựa trên nô lệ bởi vì chế độ nô lệ giúp giải phóng một phần dân số khỏi ràng buộc của những công việc có tính chất làm- để- sống. Đây là điều kiện tiên quyết cho tiến bộ của loài người. Ví dụ, công dân của Hy Lạp cổ đại sáng tạo ra văn minh phương tây, từ nghệ thuật, triết học cho đến dân chủ, nhưng họ chỉ có thể làm vậy bởi vì họ có nô lệ lo những công việc mưu sinh hằng ngày.


Đồ hoạ: Hoài Linh.

Đồ hoạ: Hoài Linh.

Không ai lại ưa thích chế độ nô lệ nhưng máy móc tự động hóa có thể tương đương với nô lệ về mặt chức năng. Nếu chúng ta có thể vượt qua cái đạo đức nghề nghiệp rằng giá trị của con người được đo đếm bằng việc bán sức lao động, mà thay vào đó, chúng ta nhìn nhận con người như những con người thay vì chỉ nhìn họ như những nhân viên và đầu vào lao động trong nền kinh tế dựa trên tiêu dùng và tăng trưởng. Điều này là hoàn toàn có thể khi trí tuệ nhân tạo và những công nghệ tương tự mở ra một thời đại mới của sự phát triển loài người.

Điều đó không có nghĩa là trong tương lai chúng ta cần phải loại trừ bất cứ thứ gì chúng ta nhận thấy như một nghề nghiệp mà chúng ta sẽ thực hiện các công việc theo cách hoàn toàn khác.

Cao thủ cờ vây Ke Jie cho chúng ta một gợi ý về cách ta nên nghĩ. Thua một chiếc máy với tỉ số 3-0, anh tuyên bố: "Sau lần này, với tôi, AlphaGo là hoàn hảo 100%. Với tôi, AlphaGo là chúa của cờ vây". Anh cũng tuyên bố sẽ trở lại để thi đấu với con người.

Đó là một tuyên bố nhân văn nhưng cũng rất sáng suốt. Anh ấy không bỏ cuộc, mà nhận ra rằng có nhiều điều quan trọng hơn là việc cố gắng thi đấu với một cái máy, rằng giá trị của con người không được định nghĩa bằng thành công của chúng ta so với những công nghệ vô tri vô giác mà là khả năng tìm kiếm niềm vui, sự thỏa mãn cho chính bản thân mình. Trong trái tim mình, chúng ta đều biết điều đó và có thể tương lai của máy móc siêu thông minh sẽ giúp chúng ta hiện thực hóa điều đó.

Chu Lan Anh

The Guardian

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên