MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Banker ngày xưa lương cao thưởng lớn, nhiều Banker bây giờ tăng lương như không được tăng, còn phải tuân thủ hàng loạt quy định ngặt nghèo, thậm chí không được tắt điện thoại

10-04-2023 - 17:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Banker ngày xưa lương cao thưởng lớn, nhiều Banker bây giờ tăng lương như không được tăng, còn phải tuân thủ hàng loạt quy định ngặt nghèo, thậm chí không được tắt điện thoại

Không ít nhân viên ngân hàng đang "than" vì lương tăng nhưng chỉ tăng vài chục nghìn, song lại không được nghỉ thứ 7 và phải luôn mở điện thoại.

Báo cáo từ các tổ chức chuyên tư vấn về lương và nhân sự hàng đầu như Persolkelly, ManpowerGroup,... cho thấy ngân hàng luôn là ngành có lương cao thu nhập khủng trong nhiều năm liền. Các báo cáo mới đây của 2 đơn vị này cũng dự báo trong năm 2023, lương thưởng của nhiều vị trí tại ngân hàng sẽ có thu nhập hàng trăm triệu cho đến một tỷ đồng mỗi tháng.

Vì lẽ đó, trở thành nhân viên ngân hàng (banker) là mong muốn của không ít người.  Thậm chí, có những giai đoạn cách đây từ lâu, người ta truyền tai nhau rằng phải bỏ ra vài lượng vàng để con cái có thể vào được ngân hàng. Các “lò luyện thi” phục vụ nhu cầu thi tuyển vào ngân hàng cũng đã có dịp mọc lên như nấm sau mưa.

Không chỉ thu nhập cao, ngành ngân hàng cũng rất được xã hội trọng vọng. Dân tình cũng có câu “mẹ cha cho bạc cho vàng, không bằng lấy được một nàng/chàng làm bank”.

Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện quá khứ. Banker ngày nay đã khác rất nhiều.

Theo chia sẻ của chị Lê Thị Lý, một nhân viên khối vận hành ngân hàng X, đầu năm nay ngân hàng chị ra quyết định tăng 10% lương cho cán bộ công nhân viên toàn hệ thống. Tuy nhiên, sau đó, hàng loạt các khoản thưởng, phụ cấp lại bị cắt giảm. Chưa kể, nhân viên còn được yêu cầu chấp hành hàng loạt các quy định “ngặt nghèo” khác.

“Giữa tháng 1/2023, tụi mình nhận được quyết định tăng lương toàn hệ thống. Lúc đó mọi người hân hoan lắm, nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, sau đó lại đón nhận ngay những quy định khắc nghiệt khác. Cụ thể, đầu tháng 2, ngân hàng ban hành một bộ “thiết quân luật”, trong đó yêu cầu toàn bộ nhân sự khối tiền sảnh (front office) cũng như khối vận hành (back office) phải luôn luôn có trang phục chỉnh tề. Quy định mới còn yêu cầu tay áo của nhân viên không được xắn lên, trời rét vẫn phải mặc sơ mi trắng bên ngoài, nếu mặc áo ấm bên trong thì lớp áo này cũng  phải màu trắng.

Về tác phong, trong giờ làm việc nhân viên không được nhận hàng từ shipper; không được rời khỏi nhiệm sở trong bất cứ hoàn cảnh nào, trừ khi đi công tác hoặc gặp gỡ làm việc với khách hàng; không mang đồ ăn thức uống vào cơ quan…

“Mỗi buổi sáng, mình thường nấu cơm và mang theo đi làm. trong hơn 5 năm làm ngân hàng, mình chưa từng mở cơm ra ăn ở cơ quan hay ăn trong giờ làm việc. Thế nhưng sáng hôm đó, tổ kỷ luật vẫn quyết định lập biên bản mình, vì lỗi mang thức ăn vào văn phòng. Bực nhất là khi đó còn đến 30 phút mới đến giờ hành chính”, chị Lý bức xúc chia sẻ.

Chị nói thêm, mặc dù tăng lương đầu năm, nhưng tháng 3 vừa qua ngân hàng lại công bố một văn bản mới, trong đó quyết định cắt hàng loạt các loại phụ cấp.

“Sau khi văn bản thứ 2 được ban hành, mỗi tháng mình chỉ được nhận thêm khoảng 120 nghìn đồng. Đây là con số tương đối cao trong chi nhánh. Một số đồng nghiệp của mình chỉ được thêm 50 nghìn đồng/tháng. Với mức tăng như vậy thì khác nào không tăng lương”, chị Lý chia sẻ.

Không dừng lại ở đó, chỉ 1- 2 tuần sau, ngân hàng lại ban hành một loạt văn bản khác can thiệp sâu vào đời sống và quyền riêng tư của các nhân sự. Như yêu cầu xử lý nghiêm các nhân sự có hành vi đánh giá tiêu cực về các cơ chế, chính sách, cách thức hoạt động của ngân hàng trên mạng xã hội.

“Thậm chí, có văn bản yêu còn yêu cầu cán bộ công nhân viên không được đưa tin tiêu cực trong các nhóm chat, tin nhắn cá nhân”, chị Lý chia sẻ thêm.

Chưa hết, mới đây ngân hàng còn ban hành một bản quy định mới yêu cầu nhân viên phải đảm bảo thông suốt liên lạc 24/24h.

“Yêu cầu toàn bộ Cán bộ nhân viên Ngân hàng giữ thông tin liên lạc 24/24h. Thực hiện cài đặt cuộc gọi chờ trên máy điện thoại cá nhân, đảm bảo các cá nhân phải nhân được thông tin cuộc gọi đến trong thời gian đang tiếp nhận cuộc gọi khác (để nắm được thông tin lãnh đạo ngân hàng gọi, sắp xếp thứ tự ưu tiên để tiếp nhận cuộc gọi)”, văn bản nêu rõ.

Ngoài ra, nhà băng này còn yêu cầu nhân sự đăng ký dịch vụ thông báo cuộc gọi nhỡ, để đảm bảo trong các tình huống bất khả kháng (điện thoại hết pin, mất sóng viễn thông,...) vẫn biết được có cuộc gọi nhỡ. Đồng thời các cán bộ công nhân viên phải liên lạc lại ngay sau khi nhận được thông tin cuộc gọi nhỡ của lãnh đạo ngân hàng.

Điều đáng chú ý là văn bản này không đề cập đến việc phí đăng ký các dịch vụ kể trên do phía ngân hàng hay nhân sự chịu trách nhiệm thanh toán.

Chị Nguyễn Thị Ánh, một quản lý chi nhánh của ngân hàng trên cũng cho biết, nhà băng này hiện không cho phép nghỉ ngày thứ 7.  Các nhân sự phải đi học các khóa đào tạo nội bộ bắt buộc vào ngày này. Việc học hành và thi cử diễn ra liên tục.

Anh Hồ Thanh Tuấn công tác tại Ngân hàng E.  cũng chia sẻ câu chuyện tương tự. Theo đó, anh được yêu cầu phải luôn túc trực bên điện thoại. Lương có tăng nhưng hầu hết các phục cấp cơ bản đều bị cắt.

“Trước đây, ngân hàng còn có suất ăn trưa cùng cà phê cho nhân sự. Tuy nhiên, sau khi tăng lương, các phụ cấp này đều đã bị cắt giảm. Bên cạnh đó, yêu cầu về trang phục cũng như tác phong làm việc đều bị thắt chặt hơn”, anh Tuấn tâm sự.

Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, các doanh nghiệp đều tiết giảm chi phí, ngành ngân hàng cũng không ngoại lệ. Thông thường chi phí cho nhân viên sẽ chiếm khoảng 40-60% chi phí hoạt động của các nhà băng. Do đó, đây sẽ là một trong những khoản được nhiều ngân hàng cân nhắc cắt giảm

Ngoài ra, ngay từ đầu năm, chỉ thị 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Thông điệp cắt giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất còn được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần từ đầu năm tới nay trong các cuộc họp hay chỉ đạo của lãnh đạo NHNN đối với các tổ chức tín dụng.


Văn Tuệ

Nhịp sống Thị trường

Trở lên trên