Báo cáo thất nghiệp Mỹ tháng 5: Các chuyên gia kinh tế đoán sai trật lất, chênh 10 triệu việc làm so với số thực tế, điều gì đang diễn ra?
Theo báo cáo, trong tháng 5 các công ty đã tuyển dụng thêm con số kỷ lục 2,5 triệu việc làm, so với dự đoán 7,5 triệu việc làm sẽ biến mất.
- 05-06-2020Chứng khoán Mỹ thăng hoa đột biến, Dow Jones có lúc tăng 1.000 điểm, vượt mốc 27.330 điểm nhờ việc làm nhiều kỷ lục
- 29-05-2020FED: Chính phủ cứu trợ quá tốt khiến người lao động không chịu quay lại làm việc sau dịch Covid-19
Báo cáo việc làm của Mỹ thường đem đến những con số bất ngờ so với những dự đoán trước đó, nhưng chưa bao giờ sự chênh lệch lại quá lớn và gây sửng sốt như báo cáo tháng 5 vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố tối qua (5/6).
Theo báo cáo, trong tháng 5 các công ty đã tuyển dụng thêm con số kỷ lục 2,5 triệu việc làm, so với dự đoán 7,5 triệu việc làm sẽ biến mất. Trong số 78 chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg, dự đoán lạc quan nhất cũng cho rằng đã có 800.000 việc làm mất đi. Họ cũng dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ chạm mốc 20% - cao nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930. Nhưng thực tế là tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 13,3%.
Vì sao các chuyên gia kinh tế lại có thể đoán sai ở mức độ lớn đến vậy?
Đóng vai trò quan trọng trong các quá trình dự báo của các chuyên gia kinh tế chính là các báo cáo được công bố hàng tuần trong thời gian trước đó cho thấy hàng chục triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu. Đây là điều mà nước Mỹ chưa từng trải qua trong thời gian ngắn đến vậy.
Thêm vào đó, mô hình dự đoán của các chuyên gia phân tích đã không thể tính đến các gói giải cứu của chính phủ, đặc biệt là chương trình Giải cứu tiền lương PPP cung cấp cho các doanh nghiệp nguồn vốn để không phải sa thải lao động.
"Các dữ liệu tần số cao – trong đó có dữ liệu về sự thay đổi thu nhập và số doanh nghiệp nhỏ mở cửa trở lại – gần đây cho thấy hoạt động kinh tế đã chạm đáy vào khoản giữa tháng 4", các chuyên gia kinh tế Aneta Markowska và Thomas Simons của Jefferies nhận định. "Dữ liệu về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp không khớp với bức tranh đó. Và giờ thì chúng ta biết rằng dữ liệu đó đã sai. Báo cáo việc làm tháng 5 thể hiện 1 thị trường lao động vững chắc, với nhiều ngành khởi sắc trở lại".
Theo dữ liệu của Bloomberg theo dõi từ năm 1996 đến nay, lần chênh lệch lớn nhất là vào tháng 2/2003, nhưng cũng chỉ vênh nhau 318.000 việc làm mà thôi.
Bản chất bất ngờ của cuộc khủng hoảng lần này cũng khiến các số liệu theo thời gian thực bị vênh nhiều hơn.
"Không có bộ dữ liệu nào mà các chuyên gia kinh tế đang sử dụng có thể tính toán đến 1 sự kiện thiên nga đen lớn đến vậy", David Gilbertson, phó chủ tịch của Kronos, 1 công ty phần mềm theo dõi dữ liệu của các khách hàng sử dụng khoảng 3,2 triệu lao động ở Mỹ, nói. "Khi có quá nhiều việc làm đột nhiên biến mất như vậy thì không có dữ liệu nào có thể chỉ báo điều gì đang thực sự diễn ra trong nền kinh tế".
Dữ liệu của Kronos cho thấy bắt đầu từ giữa tháng 4 đã có sự hồi phục trong nhóm các lao động được trả lương theo giờ, đặc biệt trong ngành bán lẻ, sản xuất và khách sạn, dịch vụ giải trí.
Gregory Daco, chuyên gia kinh tế trưởng tại Oxford Economics, chỉ ra nguyên nhân số liệu lệch đến vậy là do sự khác biệt của cuộc suy thoái kinh tế lần này: mạnh mẽ và nhanh hơn nhiều so với các cuộc suy thoái thời hậu thế chiến thứ 2 vì gần như toàn bộ nền kinh tế phải đóng cửa để ngăn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên ông cho rằng dù báo cáo tháng 5 rất lạc quan, sự thật vẫn là tỷ lệ thất nghiệp tăng và cần thời gian để thị trường lao động có thể quay lại trạng thái như trước dịch.
Theo Daco, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những điều bất ngờ trong thời gian tới đơn giản vì chưa bao giờ trải qua hoàn cảnh này.
Trong khi đó Michelle Meyer, chuyên gia kinh tế của Bank of America Corp., chỉ vào 1,4 triệu việc làm mới trong ngành nhà hàng để nhận định chương trình PPP đang tỏ ra hiệu quả. Tiền đã đến tay các doanh nghiệp nhỏ - như các nhà hàng – và được sử dụng để mang người lao động trở lại.
Chính quyền Trump cũng đã từng nhắc tới việc khó có thể dự báo chính xác về nền kinh tế trong bối cảnh tình hình diễn biến rất nhanh như hiện nay. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nhiều lần nói rằng vì đây là hoàn cảnh chưa từng xảy ra trong lịch sử, rất khó để dự đoán nền kinh tế đang đi về đâu. Nhà Trắng cũng hoãn cập nhật dự báo kinh tế mùa hè năm nay vì lý do này.
Và đối với con số việc làm có 1 điều khá rõ ràng: lấy số liệu theo thời gian thực về con số được tuyển mới sẽ khó hơn lượng bị sa thải, đặc biệt là khi đó chỉ là sa thải tạm thời. Ngoài ra một số người vẫn được thống kê trên bảng lương kể cả nếu thu nhập giảm xuống mức tối thiểu.
"Phố Wall vẫn quen dự báo số việc làm bị mất đi hoàn toàn vì suy thoái thông thường, nhưng trong trường hợp này chỉ là một lượng lớn được tạm thời gửi về nhà", Stevenson nói.