Báo động chất lượng nước uống đóng chai
Thời gian qua, nhu cầu nước uống đóng chai tăng nhanh khiến cho thị trường này ngày càng xuất hiện nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, qua kiểm tra, rất nhiều doanh nghiệp, kể cả DN có "tên tuổi" vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cơ sở sản xuất như "nấm mọc sau mưa"
Trong vài năm trở lại đây, nhu cầu của người tiêu dùng về nước uống đóng chai đang tăng mạnh. Theo thống kê của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, thị trường nước uống đóng chai tăng 16%/năm. Đây cũng chính là nguyên cớ để các cơ sở sản xuất và kinh doanh nước uống đóng chai ngày càng gia tăng như "nấm mọc sau mưa".
Cũng theo thống kê của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, hiện cả nước chỉ có 150 sản phẩm nước uống đóng chai của các cơ sở, doanh nghiệp có thương hiệu. Bên cạnh đó, có hàng nghìn cơ sở sản xuất bình nước đóng chai, thâm chí cơ sở kinh doanh mặt hàng này thì lên tới con số hàng trăm nghìn, không thống kê xuể.
Chính vì số lượng các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai quá nhiều nên việc kiểm soát chất lượng rất khó khăn. Trên thực tế, việc kiểm soát an toàn sản phẩm của thị trường nước uống đóng chai còn chưa chặt chẽ, trong khi đó, nhiều các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai chưa thực sự quan tâm cũng như chấp hành tốt quy định an toàn thực phẩm.
Trên thị trường tồn tại rất nhiều cơ sở hoạt động tự phát, không đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sản phẩm ra lò chưa được cấp giấy xác nhận công bố phù hợp tiêu chuẩn an toàn thực phẩm...nhưng vẫn lưu hành thản nhiên.
Phát hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất vi phạm
Ngày 17/5, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.Hà Nội tiếp tục công bố danh sách 7 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai vi phạm an toàn thực phẩm.
Theo số liệu của Cục An toàn thực phẩm, tại TP. Hồ Chí Minh, trong tháng 1, Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra 466 cơ sở, phát hiện hàng loạt vi phạm như: 180 cơ sở chưa có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc giấy đã hết hiệu lực; 86 cơ sở chưa có Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm/công bố hợp quy hoặc giấy đã hết hiệu lực; 114 cơ sở vi phạm về điều kiện vệ sinh, 121 cơ sở vi phạm điều kiện trang thiết bị dụng cụ, 179 cơ sở vi phạm điều kiện về con người; 134 cơ sở vi phạm về nguồn nước sử dụng để sản xuất… Những cơ sở vi phạm đã bị xử lý nghiêm như nhắc nhở, phạt tiền và đình chỉ hoạt động 6 cơ sở, tiêu hủy sản phẩm 7 cơ sở.
Điều đáng nói ở đây là, trong số các cơ sở doanh nghiệp sản xuất nước uống đóng chai vi phạm, có nhiều “tên tuổi” đã có thương hiệu, được người dân tin dùng như nước uống đóng chai LANKA (Công ty THHH SX TM Trang Long, quận Hoàng Mai), ALIBABA (Công ty THHH ALIBABA, quận Thanh Xuân), SUPER (Công ty TNHH Phúc Đầy, quận Long Biên), AN SINH (Cơ sở Thanh Trì)…
Trước đó, ngày 10/5, Chi cục này cũng đã công bố 10 cơ sở có mẫu kiểm nghiệm không đạt quy chuẩn, 4 cơ sở không đạt điều kiện vệ sinh, 3 cơ sở chưa xét nghiệm nguồn nước sử dụng cho sản xuất và 3 cơ sở vi phạm về giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm...
Về vấn đề này, bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) về việc đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, Chi cục ATVSTP TP.Hà Nội đã thành lập 2 đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai và sản xuất nước đá. Qua kiểm tra, nhiều doanh nghiệp vi phạm đã bị xử lý và công khai tên, địa chỉ để người tiêu dùng biết.
"Thời gian tới, Chi cục tiếp tục tiến hành kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nước uống đóng chai trên địa bàn TP. Hà Nội. Trên thực tế, nhân lực của chi cục còn hạn chế và rất khó để kiểm tra được 100% các cơ sở, doanh nghiệp, do đó, chúng tôi đã phân cấp và giao cho tuyến quận, huyện cùng tham gia kiểm tra", bà Nguyệt nhấn mạnh.
Thời Báo Tài chính