Bão giá "gõ cửa" từ nhà đến chợ, ngấm từ dân công sở đến tài xế: Thực phẩm tăng, vé xe tăng, đến tô bún ăn sáng cũng không còn nguyên giá
Giá xăng dầu tăng quá cao và liên tục khiến mọi mặt đời sống, hoạt động của doanh nghiệp, người dân đều chật vật.
- 22-06-2022Chuẩn bị hộp cơm cho chồng mang đi làm, vợ trẻ Việt sống tại Hàn Quốc vượt "bão giá" dễ dàng
- 22-06-2022Bất chấp bão giá và nợ nần, giới trẻ chi tiền nhiều hơn để đi chơi: Mua nhà, mua xe đã hết "vui"?
Giá xăng dầu hiện đã tăng hơn 70% so với cuối năm 2021 trong bối cảnh tiêu dùng năng lượng toàn cầu tăng cao. Từ đầu năm đến nay, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã thực hiện 16 lần điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ, trong đó đã có 13 lần tăng giá và 3 lần giảm giá.
Đặc biệt, từ 15h ngày 21/6, giá xăng E5RON92 tăng thêm 190 đồng/lít, từ 31.110 đồng lên mức 31.300 đồng/lít. Xăng RON95 tăng 500 đồng/lít, từ mức 32.370 đồng/lít lên mức 32.870 đồng. Đây là lần tăng giá xăng thứ 7 liên tiếp tính từ tháng 4/2022 đến nay. Giá xăng tăng liên tục kéo theo nhiều mặt hàng khác cũng tăng giá theo.
Giá xăng tăng 13 lần giảm 3 lần: Công nhân tiểu thương tài xế sẽ ra sao?
Việc hàng hoá tăng giá theo giá xăng dầu không chỉ tác động trực tiếp đến việc kinh doanh của các tiểu thương mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân đặc biệt là công nhân, người lao động.
"Hồi xưa chị bán 35.000 đồng/ tô bún nhưng giờ phải lên 40.000 đồng"
"Xăng cứ tăng giá hoài mình cũng buồn lắm", cô Trần Thị Thanh Loan (tiểu thương) ũ rũ chia sẻ trước thực trạng thực phẩm tăng, người dân đi chợ cũng e dè chi tiêu hơn trước.
Cũng đang bán hoa quả ở chợ đầu mối, chị Quỳnh Anh cho biết, giá cả hàng hoá tăng theo giá xăng dầu nên sức mua của người dân cũng giảm đi đáng kể. ''Giá tăng cao quá nên người ta mua bớt đi, mua ít hơn. Thực phẩm vận chuyển bằng xăng mà, nên phải tăng giá theo''.
Hầu hết các tiểu thương đều cho rằng chi phí vận chuyển tăng nên hàng hoá cũng phải điều chỉnh giá theo, dù đã cố gắng bớt một phần tiền lời để giữ giá, hút khách nhưng sức tiêu thụ giảm rõ rệt.
''Bán chậm lắm, mất tiền chi phí nhiều quá khoảng 50-60% vì phải đi xa lấy hàng. Hồi trước một kí ớt 50.000 đồng, giờ tăng lên 110.000 đồng/kg. Bên cạnh đó các mặt hàng cũng hạn chế lại, không đa dạng nữa".
Nhiều tiểu thương cho biết do giá cả tăng cao nên lượng khách giảm nhiều
Đặc biệt, một số quán ăn như bún, hủ tiếu... dù chỉ tăng khoảng 5.000 đồng/bát, thậm chí bớt phần tiền lời để không tăng giá nhưng lượng khách ăn cũng đã giảm một nửa.
''Vẫn bán giá như vậy nhưng mình lời ít lại, thay vì hồi đó mình lời 7.000 đồng/bát thì giờ mình lời 5.000 đồng/bát".
Dù bớt một phần lãi để không tăng giá nhưng lượng khách ăn hủ tiếu giảm hẳn 1 nửa
Hay như chị Kim Hằng, để vật lộn với "bão giá" nên chị đã phải tăng thêm 5.000 đồng/tô hủ tiếu. "Hồi xưa chị bán 35.000 đồng nhưng giờ chị phải bán 40.000 đồng, nhưng cũng bị mất một nửa khách rồi", chị Hằng cho biết.
Giá cả các mặt hàng tăng cao theo giá xăng dầu đã tác động không nhỏ đến cuộc sống của người dân, hầu như mọi người đều phải thắt chặt chi tiêu. ''Hồi đó mình ăn một tô hủ tiếu giá tầm 35.000 đồng thôi, nhưng bây giờ lên 38.000 đồng, còn hộp cơm trước 35.000 đồng thì giờ phải 40.000 đồng trở lên. Thấy tăng chỉ vài nghìn nhưng cộng lại trong vòng 1 tháng thì mức tiền này cũng đáng để mình phải chú ý, đắn đo".
Là nhân viên văn phòng đang làm việc và thuê trọ ở TP.HCM, chị Ngô Thị Hoa cho biết, "Chi phí tiền trọ, tiền ăn nếu không tăng ca thì lương cũng chỉ vừa đủ chi trả chứ không có dư giả. Giá xăng dầu và tiền gas, khí đốt tăng cao nên so với mức lương công nhân thì không đủ".
"Chóng mặt" vì tiền đổ xăng, giá vé cũng tăng mà lượng khách thì giảm
Giá xăng tăng cao sau 6 tháng đầu năm có lẽ gây ảnh hưởng rõ rệt nhất là trong lĩnh vực vận tải. Không ít nhà xe lao đao, thậm chí phải cắt giảm một số tuyến xe liên tỉnh. Chia sẻ về tác động của giá xăng dầu tăng liên tiếp thời gian qua, ông Nguyễn Rồng - (nhà xe liên tỉnh) cho biết, "Từ hồi giá xăng 15.000 đồng/lít thì giá cước là 280.000, hiện nay xăng dầu tăng lên 30.000 đồng/lít thì giá cước tăng lên 320.000 đồng. Giá vé đắt nên khách chê không đi".
Đây có lẽ là tình trạng chung của nhiều nhà xe, khi lượng hành khách mỗi chuyến giảm mạnh khiến chủ xe điêu đứng, không biết xoay xở thế nào. "Lúc xăng dầu nó chưa tăng thì một tour chú đi đổ đến 3,5 triệu tiền dầu thì bây giờ phải đổ đến 5,5 triệu lận. Chi phí xăng dầu tăng gấp đôi. Xe của chú chạy tuyến Bến xe Miền Đông - Đắk Nông, giá vé lúc trước 130.00 đồng/vé nhưng giờ phải tăng lên 180.000 đồng/vé. Tuy nhiên vì đắt không có khách đi nên nhà xe giờ chỉ bán vé 150.000 đồng/vé''. Cũng theo vị tài xế này, việc lượng khách sụt giảm cũng ảnh hưởng đến mức lương của phụ xe và tài xế.
Một chủ nhà xe liên tỉnh cho biết chi phí đổ dầu cho mỗi chuyến xe hiện tại tăng gần gấp đôi
Vừa trải qua cơn bão sau đại dịch, giờ đây doanh nghiệp vận tải trong nước khó khăn lại chồng chất khó khăn khi giá xăng dầu tăng cao. Thậm chí, không ít nhà xe đã nghĩ đến việc nghỉ chạy xe, đóng tuyến... vì thua lỗ, không trụ nổi trước việc xăng dầu tăng giá.
Không chỉ các nhà xe mà cả những người làm nghề xe ôm, chở hàng hay xe ôm công nghệ cũng cho biết do giá xăng tăng, lượng khách sụt giảm do mọi người chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng,... kéo theo thu nhập tài xế sụt giảm mạnh nên không ít tài xế đang tính chuyện bỏ việc, chuyển sang bán hàng online hoặc tìm nghề khác để có nguồn thu nhập ổn định.
Giá vé tăng cao nên không có khách do vậy nhà xe chỉ tăng nhẹ từ 130.000 đồng/vé lên 150.000 đồng/vé
Bạn Võ Cao Siêu (shipper) cho biết, "Trước đây một ngày chạy được khoảng 500.000 đồng thì đổ xăng khoảng 60.000 - 70.000 đồng thì giờ phải đổ hơn 100.000 đồng. Mỗi ngày phải chạy thêm 1-tiếng đồng hồ để bù lại tiền xăng".
Tổ quốc