Bao giờ di dời các bộ, ngành ra khỏi trung tâm?
Khu Tây hồ Tây dự kiến là nơi đặt trụ sở 12 bộ, ngành, cơ quan; các cơ quan còn lại sẽ được bố trí ở khu Mễ Trì
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 423/QĐ-TTg phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể tại Hà Nội đến năm 2030.
Phương án kiến trúc khu Tây hồ Tây
Khu Tây hồ Tây bố trí 13 trụ sở làm việc
Đồ án quy hoạch gồm hai bản quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 tại hai khu vực là Tây hồ Tây và Mễ Trì. Theo quy hoạch, trụ sở mới sẽ là nơi làm việc của 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc chính phủ và 6 cơ quan trung ương của các đoàn thể.
Khu Tây hồ Tây có diện tích 35 ha, gồm 20,7 ha thuộc phường Xuân La (quận Tây Hồ) và 14,3 ha tại phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm), sẽ bố trí 13 trụ sở làm việc có hình khối kiến trúc thống nhất về phía Bắc và Nam gắn với 2 trục đường đô thị để tạo thuận lợi cho khách và cán bộ đến tiếp cận làm việc được thuận lợi bằng phương tiện giao thông cơ giới.
Phương án kiến trúc khu Tây hồ Tây
Các công trình trụ sở được xây dựng thống nhất chiều cao 12-25 tầng, các khối công cộng phụ trợ, dịch vụ thương mại cao 6-24 tầng, thống nhất chỉ giới xây dựng lùi so với mặt đường chính là 20 m.
Giai đoạn từ 2023 đến năm 2025, chuẩn bị đầu tư giai đoạn 1. Cụ thể, thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng và chuẩn bị đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan có nhu cầu cấp thiết cần di dời giai đoạn 1. Giai đoạn từ 2026-2030, thực hiện đầu tư giai đoạn 1 và chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2. Trong đó sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng và đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan có nhu cầu cấp thiết cần di dời giai đoạn 1 (hoàn thành trụ sở mới, di dời và bàn giao trụ sở cũ vào năm 2030) và chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn 2. Giai đoạn từ năm 2031-2035, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở các bộ, ngành còn lại và các công trình công cộng (giai đoạn 2).
Đối với Khu Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) có quy mô 55 ha, với 43,6 ha thuộc phường Mễ Trì và 11,4 ha thuộc phường Trung Văn. Trụ sở làm việc ở đây được thiết kế cao 17-25 tầng, giáp với đại lộ Thăng Long, đường Cương Kiên và đường Lê Quang Đạo kéo dài. Các công trình dịch vụ được thiết kế cao 3-5 tầng. Hệ thống tầng hầm từ 2-5 tầng, mở trống tầng 1-2 để làm sảnh đón tiếp và tạo hướng tuyến đi lại cho người đi bộ.
Giai đoạn từ năm 2023-2025, tại khu vực Mễ Trì sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và hoàn thành đưa công trình trụ sở Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vào sử dụng. Từ năm 2026-2030, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở Bộ NN-PTNT và thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng, các cơ quan khác có nhu cầu di dời. Giai đoạn năm 2030 về sau, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng các cơ quan có nhu cầu di dời.
Phương án kiến trúc khu Mễ Trì. Ảnh: SPMB
Vì sao các bộ, ngành chậm di dời?
Tháng 1-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, hiện việc di dời triển khai còn chậm do đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn. Nguồn vốn thực hiện di dời và xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí, chưa có phương án huy động nguồn lực xây dựng. Các bộ, ngành và TP Hà Nội chưa triển khai đúng tiến độ việc lập quy hoạch và xây dựng các đề án di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (về danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời).
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết bộ chia thành 2 nhóm trụ sở. Nhóm đề xuất di dời gồm 13 trụ sở bộ, ngành gồm: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các bộ: Giao thông Vận tải, Y tế, Giáo dục và Đào tạo; Công Thương; Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Lao động - Thương binh và Xã hội; Xây dựng; Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, NN-PTNT.
Nhóm xây dựng trụ sở tại vị trí mới và cải tạo chỉnh trang tại chỗ gồm 23 cơ quan, trong đó có 8 cơ quan đã được bố trí quỹ đất, đầu tư xây mới gồm: Bộ Nội vụ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Thanh tra Chính phủ; Ủy ban Dân tộc; Trung ương Hội Nông dân (7 cơ quan đã đưa vào sử dụng; trụ sở Bộ Ngoại giao đang hoàn thiện).
Còn lại 15 cơ quan thực hiện cải tạo tại chỗ gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước; Văn phòng Chính phủ...
Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu đã nhiều lần chất vấn Bộ trưởng Xây dựng về tình trạng chậm trễ di dời trụ sở các bộ, ngành. Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng dù việc di dời trụ sở các cơ quan trung ương ra khỏi nội đô đang được triển khai nhưng thực tế vẫn còn tình trạng một bộ phận ở cơ sở mới, một phần ở cơ sở cũ.
Theo ông Cường, có 2 yếu tố khiến việc di chuyển trụ sở ra khỏi nội đô chậm. Đầu tư hạ tầng phát triển ở cơ sở mới chưa thực sự đồng bộ để có thể kết nối hoạt động của các bộ, ngành. Ngoài ra, vẫn còn có tâm lý chờ đợi giữa các bộ, ngành nên chưa tạo ra quyết tâm cao. Do đó cần có lộ trình, cam kết để mỗi cơ quan bộ, ngành có phương hướng hành động cụ thể.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, cũng cho rằng đã có nhiều đơn vị đổ lỗi do không có nguồn vốn để di dời nên kế hoạch chưa thực hiện được. Tuy nhiên, có thể thấy, một số bộ dù đã di dời ra ngoại thành nhưng vẫn muốn giữ đất trong khu trung tâm để làm cơ sở 2.
nld.com.vn