Bão số 9 đang tiến vào đất liền, Vũng Tàu gió rít dữ dội, quật ngã người đi đường
Cơn bão số 9 chỉ còn cách tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu khoảng 30 km gây ra mưa to gió mạnh trên địa bàn.
- 24-11-2018Thót tim với sóng cao ngất đập vào Phú Quý trước khi bão số 9 vào
- 24-11-2018ẢNH: Bão số 9 giật mạnh đang tiến vào đất liền, 4.000 dân Cần Giờ cấp tập di tản
- 24-11-2018Bão số 9 giật cấp 12 đang mưa lớn ở đảo Phú Quý, Cần Giờ nhiều cây xanh bật gốc
- 24-11-2018Bão số 9 giật cấp 12 cách đảo Phú Quý khoảng 100 km
Khoảng 7h ngày 25/11, vị trí tâm bão số 9 chỉ còn cách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 30 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/h), giật cấp 13. Cơn bão có bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100 km, bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc mỗi giờ đi được 5-10 km, vào các tỉnh từ nam Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 11-12. Sau đó, cơn bão đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Khu vực TP Vũng Tàu trời bắt đầu đổ mưa nặng hạt, gió thổi mạnh.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Gió quật từng cơn
Theo quan sát của phóng viên, từ rạng sáng khu vực TP Vũng Tàu đã có mưa gió nhẹ. Khoảng 7h30. mưa bắt đầu nặng hạt hơn, gió cũng bắt đầu có chiều hướng thổi mạnh. Các con đường, tuyến phố và vùng ven biển đều vắng người qua lại.
Gió rít từng cơn ở Vũng Tàu
Khu vực Bãi Sau và Bãi Trước, gió quật mạnh, dọc bờ biển đã gầm lên tiếng sóng cuộn đập vào bờ.
Xe ô tô của cơ quan chức năng liên tục rảo quanh các con đường để phát tin thông báo cảnh báo bão cho người dân và du khách.
Đến gần 10h, gió bắt đầu thổi mạnh. Người đi đường bị gió quật ngã, không thể chạy xe. Nhiều người phải tấp vội vào mái che ở vỉa hè để trú chân.
Gió mạnh khiến người đi xe máy gặp nhiều khó khăn.
Cây xăng được gia cố, đóng cửa không bán trong mưa bão.
Trước đó 1 ngày (24/11), lãnh đạo tỉnh BR-VT đã gõ cửa từng nhà dân ở khu vực nguy hiểm để vận động họ sơ tán đến nơi án toàn.
Ngoài các trụ sở khu phố, phường, xã, trường học, bệnh viện..., thay vì đóng cửa để phòng chống bão thì nhiều cơ sở lưu trú trên địa bàn TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đồng loạt mở cửa để đón người nghèo, người không có chỗ ở, hoặc thuộc diện phải di dời vào tránh trú mưa bão.
Cho đến vào 2h30 cùng ngày, lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã vận động và cưỡng chế hàng chục ngư dân ở các tàu cá đến nơi tránh bão. Hơn 5.000 tàu đánh cá đã neo đậu ở khu vực an toàn.
TP HCM: Mưa rất to ở huyện Cần giờ
Tại TP HCM, mưa rả rích từ đêm qua, gió cũng thổi nhẹ. Mọi người hạn chế ra đường. Tại huyện Cần Giờ, mưa bắt đầu to, đường phố vắng người qua lại dù đã 9h sáng.
Nhiều nhà dân che chắn sơ sài nên sáng nay họ phải trèo lên để làm lại tránh gió thổi bay.
Thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) trời nổi gió kèm mưa to. Một số người đi đường bị gió bão quật ngã, các phương tiện phải mơ đèn vì tầm nhìn hạn chế.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, lúc 4h ngày 25/11, tâm bão Usagi cách Vũng Tàu khoảng 60 km, cách Bến Tre 110 km. Sức gió tối đa vẫn còn 100 km/h (cấp 10), giật tăng 3 cấp.
Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 5-10 km/h và đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 8 (75 km/h), giật cấp 11-12.
Sau đó, bão đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16h, tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Sức gió tối đa lúc này giảm xuống hai cấp, còn 50 km/h. Áp thấp nhiệt đới vẫn giữ nguyên hướng đi và tốc độ lại tăng lên (khoảng 10-15 km/h) đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực đất liền Campuchia.
Ngày và đêm nay, TP HCM được dự báo có mưa rất to (100-200 mm) và lốc xoáy, kết hợp triều cường đang dâng nên tình trạng ngập lụt xảy ra trên diện rộng.
Vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió tối đa cấp 8, vùng gần tâm bão mạnh hơn 2 cấp, giật cấp 12-13. Biển động rất mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 5-7 m, vùng gần bờ cao 2-4 m.
Trên đất liền các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre có gió mạnh cấp 6-7, giật tăng hai cấp; vùng ven biển gió mạnh hơn một cấp. Ven biển các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh thời tiết cũng tương tự. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ.
Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to, với lượng mưa phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 250 mm; khu vực Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to 50-100 mm.
VOV