MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo Trung lý giải nguyên nhân Việt Nam và các quốc gia châu Á sẵn sàng đi trước phương Tây để phục hồi kinh tế

Báo Trung lý giải nguyên nhân Việt Nam và các quốc gia châu Á sẵn sàng đi trước phương Tây để phục hồi kinh tế

Theo tờ South China Morning Post, châu Á đã có sự chuẩn bị tốt cho việc phục hồi kinh tế nhờ văn hóa, sự hợp tác giữa các quốc gia và sự bùng nổ của công nghệ. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị và những khó khăn do nghèo đói, biến đổi khí hậu mang lại hay khó khăn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe vẫn tồn tại.

Giáo sư Syed Munir Khasru, Chủ tịch Tổ chức Tư vấn Quốc tế nhận định, khi thế giới vẫn đang tập trung vào việc phân phối vaccine Covid-19 thì các quốc gia châu Á đã sẵn sàng phục hồi kinh tế. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế dự đoán Trung Quốc - nền kinh tế lớn nhất châu Á sẽ quay lại mức tăng trưởng 8% vào năm 2021 trong khi Hoa Kỳ chỉ là 3,2%. Ngân hàng Phát triển châu Á cũng kỳ vọng tăng trưởng kinh tế châu Á sẽ đạt 6,8% trong năm tới.

"Nếu như Đông Á dẫn đầu về áp dụng công nghệ tiên tiến trong đại dịch thì Nam Á lại đem tới những bài học kinh nghiệm trong quản lý dịch bệnh và thiên tai. Nhờ đó, châu Á hiện không chỉ là hình mẫu cho thương mại toàn cầu, vốn mà còn cả sáng tạo tri thức, văn hóa và số hóa. Châu Á sẽ đóng vai trò hàng đầu trong việc định hình giai đoạn tiếp theo của toàn cầu hóa."

Đoàn kết chống dịch từ cấp chính quyền đến người dân

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều nước phương Tây đã diễn ra các cuộc biểu tình phản đối việc đeo khẩu trang và đóng cửa đất nước. Ngược lại, người dân châu Á lại có tính kỷ luật cao, luôn chấp hành các chỉ dẫn của cấp chính quyền. Điều này đã giúp Chính phủ đối phó với đại dịch một cách hiệu quả.

Một nguyên nhân khác là do châu Á đã có kinh nghiệm ứng phó với các loại bệnh truyền nhiễm trước đây. Có đến 70% ca bệnh truyền nhiễm trên thế giới là ở châu Á. Dựa trên đó, các nhà chức trách đã xây dựng chiến lược ứng phó đại dịch Covid-19.

SCMP khẳng định: "Việt Nam gây ấn tượng với các biện pháp ngăn chặn kịp thời, đúng đắn, kiểm soát chi phí hiệu quả. Điều đó đã cho thấy khả năng hành động nhanh chóng của các quốc gia châu Á."

Đáng chú ý, mặc dù nhiều quốc gia trong khu vực không có đủ cơ sở hạ tầng để phát triển hệ thống giám sát và ứng phó khẩn cấp nhưng họ vẫn đang nỗ lực hướng tới hệ thống này. Một số quốc gia khác, đặc biệt ở Nam Á đã phát triển hệ thống khẩn cấp từ sớm để ứng phó thiên tai. Điều này giúp phát triển các chiến lược linh hoạt và thực hiện mục tiêu "xây dựng lại tốt hơn" thay vì "kinh doanh như bình thường".

Một ví dụ có thể dễ dàng nhìn thấy là Singapore với số ca nhiễm Covid-19 ở mức thấp. Quốc gia này đã kết hợp thế mạnh công nghệ và sự tuân thủ của người dân, thông qua kênh quốc gia WhatsApp và trang web Gowhere để thông tin cho mọi người biết nơi cung cấp khẩu trang và các gói hỗ trợ đặc biệt.

Công nghệ phát triển bùng nổ làm tăng sản xuất trong nước

Với 50% công ty công nghệ lớn nhất thế giới có trụ sở tại châu Á và 4 trung tâm đổi mới đang phát triển nhanh chóng trải khắp khu vực, bao gồm Vũ Hán, thủ đô Jakarta, Yangon và Hyderabad, châu Á đang trở thành động lực chính của tiến bộ công nghệ toàn cầu.

Giáo sư Syed Munir Khasru khẳng định, sự tiến bộ nói trên được dẫn dắt bởi một nền kinh tế năng động và dân số trẻ. Những người này đang chuyển đổi nhanh chóng từ tầng lớp thấp sang tầng lớp trung lưu, tạo ra nguồn lực rất lớn cho đổi mới, nguồn lực có trí tuệ với chi phí cạnh tranh. OECD ước tính Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chiếm hơn 60% sinh viên tốt nghiệp STEM vào năm 2030 so với 4% của Mỹ và 8% của châu Âu.

Khi tầng lớp trung lưu tăng lên ở những nền kinh tế hàng đầu châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ hay Indonesia, các yêu cầu, tiêu chuẩn sản phẩm sẽ thay đổi. Do đó, thị trường tiêu dùng cũng nhanh chóng thay đổi, với xu hướng tăng tỷ trọng hàng sản xuất trong nước so với hàng nhập khẩu từ phương Tây.

"Điều này đã tạo nên sự thành công của Alibaba, Samsung, WeChat, Toyota và Huawei, đồng thời tăng sự hiện diện của châu Á trên toàn cầu. Doanh thu thương mại điện tử ở châu Á dự kiến đạt 1.400 tỷ USD trong năm nay, so với 425 tỷ USD của châu Âu", theo SCMP.

Động lực tăng trưởng từ sự hợp tác giữa các quốc gia

Giáo sư Syed Munir Khasru nhấn mạnh, đại dịch không phải là nguyên nhân duy nhất cho sự gắn kết của các quốc gia châu Á. Trong quan hệ đối tác, các nước luôn đặt mục tiêu xây dựng nền kinh tế có khả năng phục hồi lên hàng đầu.

Như mới đây, 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào tháng 11/2020. Qua đó tạo nên một thị trường chiếm 30% nền kinh tế thế giới. Ngoài ra, ASEAN từ lâu cũng đã trở thành động lực cho sự phát triển và tăng trưởng trong khu vực.

Mặc dù các quốc gia châu Á đã sẵn sàng cho đà tăng trưởng ấn tượng nhưng những lỗ hổng như nghèo đói, biến đổi khí hậu hay liên quan đến chăm sóc sức khỏe vẫn tồn tại. Giải pháp ở đây là phải hợp tác khu vực, tạo nên hợp tác toàn cầu.

Cuối cùng, giáo sư Syed Munir Khasru kết luận, khả năng phục hồi mạnh mẽ sẽ giúp các nước châu Á hồi phục nhanh hơn so với phương Tây. Điều này thúc đẩy châu Á lên vị trí hàng đầu toàn cầu. Trong đó, phát triển bền vững như quan tâm đến giáo dục, chăm sóc sức khỏe các nhóm yếu thế là điều cần thiết để củng cố vị trí của châu Á trên thế giới.

Hoài Thương/ Theo SCMP

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên