MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo Trung Quốc: Dù không bị ảnh hưởng nặng do đại dịch như các khu vực khác, Đông Nam Á vẫn cần chuẩn bị cho những bất ổn kinh tế phía trước

Tờ South China Morning Post (SCMP) nhận định, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến khu vực Đông Nam Á không nặng nề như nhiều khu vực khác trên thế giới. Mặc dù khoảng 9% dân số toàn cầu thuộc khu vực Đông Nam Á, nhưng tổng số ca bệnh từ khu vực này chỉ chiếm 2% và số ca tử vong chỉ xấp xỉ 1%.

Điều này một phần nhờ các biện pháp nghiêm ngặt của chính phủ các nước trong khu vực. Tuy nhiên, những biện pháp này cũng đã tác động đáng kể đến nền kinh tế ASEAN, đặc biệt trong quý II.

Các chính sách kích thích kinh tế

Đáng chú ý, chính phủ các nước trong khu vực đã có các biện pháp ứng phó với đại dịch khác nhau, đặc biệt trong các gói hỗ trợ. Do vậy, nền kinh tế các nước Đông Nam Á theo đó cũng bị ảnh hưởng với các mức độ khác nhau.

Cụ thể, các nhóm ngành giải trí và các nhà bán lẻ bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Myanmar, Malaysia và Philippines, với mức giảm sâu trong hoạt động kinh doanh, từ 72% đến 82%. Đây cũng là các quốc gia áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội lâu nhất.

Báo Trung Quốc: Dù không bị ảnh hưởng nặng do đại dịch như các khu vực khác, Đông Nam Á vẫn cần chuẩn bị cho những bất ổn kinh tế phía trước - Ảnh 1.

Nguồn: ISEAS-Yusof Ishak Institute

Các gói kích thích của chính phủ các nước trong khu vực có sự khác biệt đáng kể. Cụ thể, Singapore có mức hỗ trợ lớn nhất trong khu vực, tương đương với 26,2% GDP. Theo sau là Malaysia và Thái Lan với tỷ lệ lần lượt là 22,1% và 16%.

Sự khác biệt giữa các quốc gia còn rõ ràng hơn khi xét về quy mô dân số. Singapore tiếp tục dẫn đầu với gói hỗ trợ 8.819 USD/người. Theo sau là Brunei với 728 USD/người, Malaysia với 683 USD/ người và Thái Lan với 625 USD/người.

Báo Trung Quốc: Dù không bị ảnh hưởng nặng do đại dịch như các khu vực khác, Đông Nam Á vẫn cần chuẩn bị cho những bất ổn kinh tế phía trước - Ảnh 2.

Nguồn: ISEAS-Yusof Ishak Institute

Ngoài các gói hỗ trợ nhằm kích cầu, chính phủ các nước Đông Nam Á cũng áp dụng nhiều chương trình khác nhau như hỗ trợ tài chính trực tiếp và gián tiếp cho các hộ gia đình, hạ lãi suất cho các doanh nghiệp,...

Tuy vậy, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế Đông Nam Á vẫn rất nặng nề. Ngoại trừ Việt Nam, tất cả các nền kinh tế trong khu vực đều tăng trưởng âm trong quý II. Một số nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất đó là Malaysia với mức giảm 17,1%; Philippines với 16,5%; Singapore giảm 13,2%; và Thái Lan với mức giảm 12,2%.

Báo Trung Quốc: Dù không bị ảnh hưởng nặng do đại dịch như các khu vực khác, Đông Nam Á vẫn cần chuẩn bị cho những bất ổn kinh tế phía trước - Ảnh 3.

Nguồn: ISEAS-Yushok Ishak Institute

Các yếu tố nội địa ảnh hưởng đến suy thoái nền kinh tế bao gồm: suy giảm tiêu dùng, sụt giảm đầu tư (đặc biệt nghiêm trọng ở Malaysia, Singapore và Philippines, Indonesia).

Sự sụt giảm trong xuất khẩu cũng gây tổn hại nghiêm trọng đến các nền kinh tế có độ mở lớn như Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Đặc biệt ở Malaysia và Thái Lan, suy giảm kinh tế còn làm trầm trọng thêm mức độ đói nghèo và tỷ lệ thất nghiệp. Tỷ lệ người nghèo tại Indonesia - quốc gia đông dân nhất trong khu vực, có thể tăng thêm khoảng 19,7 triệu người.

Bên cạnh đó, các chuyên gia đang lo ngại về hậu quả trung và dài hạn của các gói kích thích: thâm hụt tài khoá lớn và tăng nợ chính phủ. Mặc dù sức khoẻ của người dân là ưu tiên hàng đầu và phục hồi kinh tế là điều bắt buộc, song những gánh nặng như nợ công tăng cao, tốc độ tăng trưởng ảm đạm sẽ ảnh hưởng đến các quyết định của nhiều nhà hoạch định chính sách trong tương lai.

Vì vậy, chính phủ các nước khu vực Đông Nam Á cần phải nhanh chóng dập tắt dịch bệnh và bắt đầu lập kế hoạch cho tương lai, bất chấp những bất ổn phía trước.

Q.L

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên