MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất chấp Covid-19, nhiều ngân hàng vẫn ồ ạt tuyển dụng, cũng không cắt giảm lương nhân viên trong 3 tháng đầu năm

24-04-2020 - 18:00 PM | Tài chính - ngân hàng

11/13 ngân hàng đã công bố BCTC quý 1/2020 đều tăng thêm nhân sự trong 3 tháng đầu năm. Không chỉ không cắt giảm nhân sự, lương nhân viên của nhiều ngân hàng vẫn được duy trì ở mức bình quân năm 2019, thậm chí còn tăng so với quý 1/2019.

Theo BCTC của 13 ngân hàng đã công bố BCTC quý 1/2020, đến cuối tháng 3, tổng số cán bộ công nhân viên của những ngân hàng này là 89.992 người, tăng 1.476 người so với hồi đầu năm.

Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các ngân hàng vẫn có nhu cầu tuyển dụng. 12/14 ngân hàng bao gồm Vietcombank, Kienlongbank, ACB, VietBank, NCB, VPbank, TPBank, BacABank, LienVietPostBank, NamABank, PGBank , VIB đều bổ sung lực lượng lao động trong 3 tháng đầu năm. 

Trong đó, TPBank là ngân hàng tuyển dụng mạnh nhất, đội ngũ nhân sự của nhà băng này tăng 500 người lên 6.700 nhân sự trong quý 1. Sau TPBank là Vietcombank, tăng 386 nhân sự lên 18.794 người. 

Trong khi đó, VPBank, LienVietPostBank và NamABank cũng tuyển thêm hơn 100 nhân sự trong quý 1/2020. 

Trong số 13 ngân hàng đã công bố BCTC, chỉ có MBBank và SeABank là sụt giảm nhân sự, lần lượt giảm 112 người và 106 người xuống còn 9.671 người và 3.905 người. 

Không chỉ không cắt giảm nhân sự, lương nhân viên ngân hàng hầu hết vẫn được duy trì trong quý 1, thậm chí còn tăng so với cùng kỳ. Chẳng hạn tại VIB, thu nhập bình quân nhân viên của ngân hàng trong quý 1/2020 là 26,26 triệu đồng/tháng; trong khi quý 1/2019 là 25,54 triệu đồng/tháng. Nếu so với mức thu nhập trung bình cả năm 2019 là 26,45 triệu đồng/tháng, lương nhân viên VIB vẫn không thay đổi là bao.

Hay tại Kienlongbank, thu nhập bình quân nhân viên quý 1/2020 ở mức 14,2 triệu đồng/tháng, tăng nhẹ so với mức 13,9 triệu đồng/tháng cùng kỳ năm ngoái. 

Vẫn còn hơn 10 ngân hàng nữa chưa công bố BCTC để hoàn thiện bức tranh nhân sự ngân hàng quý 1/2020. Tuy nhiên, theo số liệu của 13 ngân hàng trên cho thấy chưa có dấu hiệu biến động nhân sự đáng kể dù hoạt động kinh doanh đã bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Trong tháng 3, tháng 4, hầu hết các ngân hàng cho phép nhân viên làm việc online, làm việc luân phiên chứ chưa đề cập đến chính sách giảm nhân sự. 

Bên cạnh đó, hiện các ngân hàng tiết kiệm chi lương thưởng cho các nhân sự quản lý trước. Chẳng hạn, những nhân viên HDBank có lương 80 triệu đồng/tháng trở lên sẽ thực hiện cắt giảm 25%; từ 40 – 80 triệu đồng cắt giảm 20%; lương từ 20 – 40 triệu sẽ giảm 15% còn lương từ 10 – 20 triệu là giảm 10%. Cán bộ nhân viên có thu nhập dưới 10 triệu sẽ không bị cắt giảm thu nhập.

Hay tại SHB, các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Điều hành và cán bộ quản lý cấp cao của ngân hàng tự nguyện giảm lương 50% cho đến khi công bố hết dịch. Các cấp quản lý toàn hệ thống từ cấp Phó phòng trở lên và các chức danh tương đương giảm từ 10%- 30% tùy theo mức thu nhập.

Trong khi đó, Navigos Search cho rằng, các ngân hàng đã bắt đầu xuất hiên tình trạng dư thừa nhân lực vì tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, đã có Ngân hàng phải tái cơ cấu để cắt giảm nhân sự. Nhu cầu tuyển dụng ngành Ngân hàng sẽ phụ thuộc nhiều vào kế hoạch kinh doanh sắp tới và Đại hội cổ đông thường niên trong Quý II.

Dưới tác động của COVID-19, các dự án kinh doanh của Ngân hàng bị trì hoãn, sự thay đổi trong khách hàng mục tiêu cũng khiến các ngân hàng phải tái định hướng lại chiến lược kinh doanh trong thời gian tới. Xu hướng phát triển "Ngân hàng số" bắt đầu từ năm 2019 và được dự đoán có nhu cầu tuyển dụng tăng trong 2020, tuy nhiên hiện tại các Ngân hàng cũng đang tập trung nguồn lực tài chính để giải quyết khó khăn do dịch bệnh COVID-19, nên nhu cầu này không được ghi nhận tăng thêm trong Quý I.


Thu Thuỷ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên