Bất chấp lạm phát tăng nóng, S&P 500 vẫn lập đỉnh mới
Kết thúc phiên 10/6, S&P 500 chạm mức cao nhất mọi thời đại khi nhà đầu tư đón nhận số liệu lạm phát mới.
- 11-06-2021Giới trẻ Trung Quốc và giấc mộng bước chân vào tầng lớp khá giả: Điên cuồng 'lướt sóng' tiền số, coi đây là cách cuối cùng để đổi đời dù thiếu hiểu biết
- 10-06-2021Lạm phát Mỹ tăng mạnh nhất kể từ năm 2008
S&P 500 tăng gần 0,5% lên mức cao kỷ lục 4.239,18 điểm và đạt mức cao nhất trong ngày là 4.249,74 điểm, vượt qua mức cao nhất ngày 7/5 sau khi thị trường đi ngang trong một tháng. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 19,10 điểm, tương đương ít hơn 0,1%, lên 34.466,24 điểm. Nasdaq Composite tăng khoảng 0,8% lên 14.020,33 điểm.
Cổ phiếu meme GameStop giảm 27% ngay cả sau khi công ty đề nghị cựu giám đốc điều hành Amazon Matt Furlong làm tân CEO và cho biết doanh số bán hàng đã tăng 25% trong quý trước. Công ty cũng cho biết có thể sẽ phát hành thêm tới 5 triệu cổ phiếu.
Theo Bộ Lao động Mỹ, giá tiêu dùng trong tháng 5 tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ mùa hè năm 2008 trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau cuộc suy thoái do đại dịch gây ra. CPI tăng 5% so với 1 năm trước, trong khi các nhà kinh tế dự đoán con số là 4,7%.
Lo ngại lạm phát tăng vọt đã gây áp lực cho thị trường chứng khoán trong tháng trước. Các nhà đầu tư lo ngại giá tăng sẽ làm tăng chi phí cho các công ty, khiến Fed tăng lãi suất và rút lại các chính sách đang được nới lỏng.
Các nhà kinh tế cho biết giá ô tô đã qua sử dụng tăng vọt trong tháng có thể làm "lệch" chỉ số lạm phát. Theo Cục Thống kê Lao động, giá ô tô và xe tải đã qua sử dụng tăng hơn 7%, chiếm 1/3 tổng mức tăng trong tháng. Giá ô tô đã qua sử dụng tăng mạnh có thể phản ánh một hiện tượng tạm thời liên quan đến đại dịch và nguồn cung ô tô.
Một báo cáo khác được công bố hôm thứ Năm cho thấy rằng số đơn xin thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 5/6 là 376.000, so với ước tính của Dow Jones là 370.000. Con số trên vẫn là mức thấp nhất trong thời kỳ đại dịch.