MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất chấp nguy cơ tàn phá thị trường năng lượng toàn cầu, EU quyết tâm áp giá trần dầu Nga

03-12-2022 - 10:20 AM | Tài chính quốc tế

Bất chấp nguy cơ tàn phá thị trường năng lượng toàn cầu, EU quyết tâm áp giá trần dầu Nga

Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được thỏa thuận đồng ý áp giá trần với dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng, bước đi có thể châm ngòi sự chao đảo thị trường năng lượng toàn cầu.

Sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng, cuối cùng, EU cũng đã đạt thỏa thuận. Như vậy, liên minh này sẽ cùng với nhóm G-7, áp đặt giá trần với dầu Nga. G-7 đạt được thỏa thuận tương tự hồi tháng 9. Động thái này được mô tả là cách làm giảm nguồn thu của Nga, qua đó khiến họ không còn ngân sách tài trợ cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo đó, giá dầu mà EU mua của Nga sẽ được xem xét thường xuyên nhưng phải “thấp hơn ít nhất 5% so với giá trung bình trên thị trường”. Việc áp giá trần cho dầu của Nga đã bị trì hoãn vì Ba Lan, quốc gia không đồng ý với giá trần 62 USD vì cho rằng nó vẫn quá cao.

Về phần mình, Nga đã cảnh báo việc áp đặt giá trần với dầu thô của nước này có thể tàn phá thị trường năng lượng và đẩy giá hàng hóa lên cao hơn nữa.

Những tuyên bố của Nga không chỉ là những lời đe dọa. Moscow tuyên bố sẽ không bán dầu mỏ cho các quốc gia áp giá trần với hàng hóa của họ. Điều này đồng nghĩa Nga sẽ phải tìm khách hàng cho nhiều triệu thùng dầu mỗi ngày. Nếu thị trường không thể hấp thụ hết, việc Moscow giảm sản lượng khai thác là điều không tránh khỏi.

Trong khi đó, Ấn Độ và Trung Quốc và nhiều quốc gia khác vẫn là những khách hàng lớn của Nga. Đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, những nước này từ chối lời kêu gọi của Mỹ và đồng minh trong việc hạn chế mua dầu Nga, nhất là khi nó được chiết khấu đáng kể so với giá dầu trên thị trường thế giới. Việc kêu gọi Ấn Độ và Trung Quốc áp giá trần lên dầu thô Nga là điều bất khả thi.

Trong trường hợp Nga giảm sản lượng dầu thô trong năm 2023, thời điểm mà nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại nền kinh tế, khủng hoảng thiếu dầu là điều không thể tránh khỏi. Trung Quốc – công xưởng của thế giới – tiêu thụ lượng dầu khổng lồ trước khi đại dịch xảy ra. Nhu cầu cao, nguồn cung giảm dẫn tới việc giá dầu sẽ phi mã.

Việc gia tăng ngay lập tức nguồn cung không phải dễ dàng. Hiện tại, Nga và Ả rập Xê út là những quốc gia rất có ảnh hưởng ở OPEC+. Dù quan hệ với Washington chưa tới mức căng thẳng như Moscow nhưng Ả rập Xê út vẫn đang có những bất hòa với chính quyền Tổng thống Joe Biden. Quốc gia này khó có thể tìm ra lý do thích đáng để kêu gọi liên minh tăng sản lượng nhằm làm hạ giá thành theo yêu cầu của Mỹ, nhất là khi điều đó ảnh hưởng tới nguồn thu của họ.

Trong động thái mới nhất, OPEC+ nhiều khả năng sẽ quyết định cắt giảm sản lượng để thúc đẩy giá dầu thô. Tổ chức này nêu ra những lo ngại từ suy thoái và nhu cầu yếu tại Trung Quốc cho đợt cắt giảm sản lượng này. Quyết định cuối cùng của OPEC+ dự kiến được đưa ra ngày 4/12 sau cuộc họp tại Vienna, Áo.

Trước cuộc họp của OPEC+, Goldman Sách dự báo rằng giá dầu có thể lên tới 110 USD/thùng vào năm 2023. Jeff Currie, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hoá cơ bản của Goldman Sach cho rằng sự kết hợp của hàng loạt những yếu tố đang ảnh hưởng tới giá dầu. Khi OPEC+ cho rằng giá dầu quá thấp, họ sẽ có động thái để đẩy giá lên. Chính những điều này khiến triển vọng giá dầu trong năm 2023 có thể sẽ rất cao.

Tham khảo: CNBC

Linh Anh

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên