Bất động sản công nghiệp: Phân khúc có sức hút bậc nhất năm 2019
Bất động sản công nghiệp đang trở thành thị trường tiêu điểm tại Việt Nam vì được hỗ trợ bởi các chính sách từ Chính phủ như miễn giảm, ưu đãi thuế đối với các nhà đầu tư.
Hiện nay trên cả nước có 326 Khu công nghiệp, Khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích hơn 95,6 nghìn ha; trong đó, 251 Khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 66,2 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy các Khu công nghiệp đi vào hoạt động đạt 73,9%. 88% các Khu công nghiệp đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Thị trường bất động sản, trong đó có bất động sản công nghiệp bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và logistics ở Việt Nam được nhận định đang đứng trước những cơ hội phát triển mạnh mẽ và bùng nổ, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong xu hướng dịch chuyển đầu tư quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Bên cạnh đó, tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng phân bổ nguồn lực dựa trên nguyên tắc thị trường, tăng trưởng theo chiều sâu trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Với việc chuyển đổi cơ cấu công nghiệp hướng đến những ngành công nghiệp chế tác, chế tạo giá trị gia tăng cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trên nền tảng công nghệ 4.0 cùng chiến lược thu hút FDI và thúc đẩy liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, kế hoạch phát triển đến năm 2020 tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp sẽ tăng gấp đôi.
Đánh giá về tiềm năng phân khúc BĐS công nghiệp Việt Nam, ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam, cho biết bất động sản công nghiệp trở thành thị trường tiêu điểm tại Việt Nam vì được hỗ trợ bởi các chính sách từ Chính phủ như miễn giảm, ưu đãi thuế đối với các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản rất quan tâm đến thị trường này trong bối cảnh Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc để trở thành khu công nghiệp của Đông Nam Á.
Thời gian vừa qua, phân khúc thị trường này cũng chứng kiến nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập tiêu biểu. Đại diện Savills chỉ ra, Tập đoàn TTI của Mỹ dự định thiết lập nhà máy sản xuất tấm năng lượng mặt trời và trung tâm nghiên cứu, phát triển tại Khu công nghệ cao Sài Gòn (SHTP) với mức đầu tư 150 triệu USD.
Một thương vụ khác là nhà sản xuất linh kiện máy bay Mỹ Universal Alloy Corp (UAC) bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine trị giá 170 triệu USD tại Đà Nẵng.
Vào tháng 2, một công ty của Hàn Quốc (Công ty TNHH Changshin Việt Nam) bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất giày dép trị giá 100 triệu USD tại Khu công nghiệp Tân Phú. Đây là dự án FDI lớn nhất ở Đồng Nai. Với khoản đầu tư 200 triệu USD, nhà máy sản xuất phụ tùng máy bay đầu tiên tại Việt Nam - Hanwha Aero Engines (Hàn Quốc) đã bắt đầu vận chuyển sản phẩm vào tháng 1.
Thị trường đang chứng kiến hàng loạt khu công nghiệp lớn đi vào khai thác trong năm 2019.
Cùng với hàng loạt vụ mua bán sát nhập, thị trường cũng chứng kiến nhiều dự án khu công nghiệp quy mô lớn ra mắt. Đầu tháng 3 vừa qua, Đà Nẵng đã khánh thành giai đoạn 1 Khu CNTT tập trung – Danang IT Park (DITP), ghi dấu mốc quan trọng của Đà Nẵng trong việc hiện thức hóa giấc mơ về một “thung lũng Silicon” ở phía Tây thành phố, vốn đã rất nhiều năm ấp ủ.
Hay sắp tới, Khu công nghiệp Dệt May Rạng Đông (Aurora IP), một trong những khu công nghiệp dệp may lớn nhất Miền Bắc cũng sẽ được đưa vào sử dụng. Được biết, Aurora IP tọa lạc tại thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, nằm trong Khu kinh tế Ninh Cơ. Trên diện tích hơn 2.000ha, Aurora IP được định hướng trở thành khu công nghiệp dệt may xanh, sạch, bền vững với 3 giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1, đầu tư sản xuất 1 tỉ mét vải trên diện tích 519,6ha. Giai đoạn 2, nâng sản lượng vải lên 1,5 tỉ mét, hoàn thiện chuỗi cung ứng trên diện tích 850ha. Giai đoạn 3, hình thành đô thị thương mại, dịch vụ dệt may - thời trang hiện đại trên diện tích 675ha.
Aurora IP được đánh giá là một trong những khu công nghiệp xanh phát triển năng động bậc nhất Nam Định và khu vực phía Bắc, hứa hẹn sẽ nhận được sự tin tưởng và đầu tư từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Đánh giá về tiềm năng BĐS công nghiệp trong năm 2019, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, bất động sản công nghiệp đang là phân khúc hấp dẫn nhất trong năm 2019. Trong xu thế thị trường bất động sản sẽ đi vào trật tự và ổn định hơn, khi được hưởng lợi từ nhiều yếu tố, từ bối cảnh cho đến chính sách, bất động sản công nghiệp có nhiều dư địa và cơ hội phát triển.
"Hiện nay, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường là nhờ định hướng của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu. Việc xúc tiến thành lập các khu công nghiệp và kinh tế trọng điểm; sự tích cực tham gia các Hiệp định FTA; tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những năm gần đây và việc sở hữu lực lượng lao động trẻ, dồi dào, chi phí thấp", ông Nam nhìn nhận.