Bất động sản đã giảm giá, nhiều nhà đầu tư vẫn sợ mua “hớ”, vì đâu?
Nhà đầu tư lựa chọn gửi ngân hàng 3-6 tháng để bảo toàn vốn rồi mới “xuống tiền” với BĐS.
Đây cũng là một trong góc nhìn của người trong cuộc khi nói về động thái của nhà đầu tư với thị trường BĐS.
Anh Minh, một nhà đầu tư kì cựu trên thị trường BĐS chia sẻ: Hiện nay, tâm lý chung của người mua nhà đang kì vọng giá tiếp tục giảm. Dự tính của họ xuống tiền vào năm 2023. Nhà đầu tư có xu hướng lựa chọn gửi tiết kiệm ngân hàng trong vòng 3-6 tháng để đảm bảo vốn và gia tăng dòng tiền nhờ lãi suất cao. Họ chưa thực sự tính đến việc “xuống tiền” ngay với BĐS ở giai đoạn này.
Đó chính là điểm khó của thị trường BĐS. Khi mà, giá BĐS đã giảm nhưng người mua vẫn khá chần chừ. Theo một số nhà đầu tư, có nhiều nguyên nhân cho câu chuyện này. Trong đó, không ít nhà đầu tư vẫn trong tâm lý “chờ đáy”, thậm chí còn cho rằng: Giá còn giảm, đáy còn sâu, nếu mua sớm dễ hớ. Vì thế, thị trường vốn đã khó lại càng trầm lắng hơn vào giai đoạn cận Tết.
“Một số nhà đầu tư không còn tiền để mua. Số khác không vay được ngân hàng. Còn số đông thì chờ BĐS giảm thêm để khỏi mua hớ”, một nhà đầu tư BĐS lâu năm tại Tp.HCM chia sẻ.
Không ít quan điểm cho rằng: Giá BĐS thực tế còn cao mặc dù đã giảm, chờ thêm vài quý nữa xem thế nào, tiền trong dân còn nhiều… cũng cho thấy, nhà đầu tư đang cố chờ thêm để mua được BĐS giá tốt hơn hiện tại.
Nhiều nhà đầu tư vẫn sợ mua "hớ" BĐS. Ảnh minh hoạ.
Trong khi đó, nhiều người có tài chính ưu tiên cho dòng tiền dịp Tết, thay vì “xuống tiền” mua BĐS nay. Trong quan điểm của những người này: Qua Tết vẫn mua được, thậm chí mua được giá tốt hơn hiện tại.
“Có thể từ quý 2/2023, nhà đầu tư sẽ ra quân mua BĐS nhiều, bởi khi đó giá BĐS giảm hơn hiện tại, lãi suất ngân hàng cũng dễ chịu hơn…”, đó là chia sẻ của một nhà đầu tư sống tại Tp.HCM.
Tìm hiểu cho thấy, chính tâm lý sợ rủi ro và chờ đợi đã tác động mạnh đến bức tranh của thị trường BĐS. Không ít người mua nhà tỏ ra phân vân giữa hai trạng thái: Mua thời điểm này, hay chờ đợi thêm?. Dù cách nào, thì tâm lý chung của họ là lo lắng, và không sẵn sàng quyết định.
Những vấn đề như: Lỡ dùng hết tài chính mua BĐS lúc này, có việc gì cần tiền thì chờ bán nhà sẽ lâu (thị trường lúc này không dễ thanh khoản, bán nhanh); mua nhà phố sợ bị quy hoạch; mua chung cư sợ chỉ được ở 50 năm; mua đất vùng ven sợ xa; mua rồi sợ trả lãi ngân hàng không nỗi… Theo những người trong cuộc, chính “hàng tá” nỗi lo từ phía người mua đã khiến thị trường gần như bất động, ngủ đông.
Đó cũng chính là lý do, dù BĐS giảm giá nhưng thanh khoản không có dấu hiệu cải thiện. Sợ mua “hớ”, sợ mua rồi rủi ro theo thị trường…chính là nguyên nhân đẩy thị trường BĐS ảm đạm theo.
Tuy nhiên, có một thực tế rõ thấy trên thị trường hiện nay: Nhiều nhà đầu tư, người mua ở thực vẫn nơm nớp lo sợ giá BĐS có thể bật tăng trở lại thời điểm sau Tết. Nghĩa là, họ vừa sợ xuống tiền, vừa sợ giá BĐS sẽ tăng nếu như không mua lúc này. Chính sự xáo trộn, giằng co trong tâm lý người mua đã khiến nhiều người đặt câu hỏi: Khi nào, thị trường BĐS mới thực sự hồi phục?. Theo một số chuyên gia, rất khó để đưa ra dự đoán về sự phục hồi của thị trường BĐS lúc này, bởi các chỉ số còn khá u ám.
Và chính sự giằng co trong tâm lý người mua, cùng việc chờ đợi giá giảm thêm, cũng cho thấy một điều không ít người mua chạy theo tâm lý đám đông là chính. Nghĩa là, họ không nắm được định giá, chu kì BĐS, không thấu được chí số, tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường. Thấy giảm giá thì luôn kì vọng rằng, giá còn giảm thêm nên chờ đợi để mua vào. Tuy nhiên, không ít trong số đó bị mất cơ hội vì sự kì vọng này.
“Nếu đã ngắm nghía được BĐS yêu thích, có tiềm năng, giá đã giảm khoảng 10-30% so với thị trường, nhà đầu tư có thể mua vào. Cơ hội không chỉ vì mua được giá thấp hơn thị trường mà quan trọng đó là BĐS có tiềm năng, giá trị, mình đã yêu thích từ trước đó”, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang đã từng nhấn mạnh.
Nhịp sống thị trường