MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty Bình Chánh có "biến", Khang Điền có toan tính gì?

03-12-2015 - 14:49 PM | Bất động sản

Ngày 27/11 đại hội cổ đông công ty CP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI) đã chấp thuận cho công ty Khang Điền (KDH) nhận chuyển nhượng cổ phiếu công ty này với tỷ lệ trên 25%.

Tóm tắt

Về động thái này, một vài chuyên gia kinh tế cho rằng con đường KDH “thâu tóm” BCI đang diễn ra nhanh hơn các dự báo. Bởi việc KDH trở thành cổ đông lớn của BCI trong bối cảnh 3 cổ đông lớn trước đó gồm Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Tp.HCM (HFIC), Red River Holding và nhóm Dragon Capital lần lượt thoái vốn.

Theo giới phân tích, điểm tích cực của BCI là quỹ đất lớn với tổng diện tích đất đã đền bù 367ha trên tổng số 667ha toàn danh mục dự án.


Một năm nhiều "biến" ở BCI

Đầu phiên giao dịch 3/12/2015, trong khi thị trường chứng khoán giao dịch khá ảm đạm thì cổ phiếu BCI đã có phiên thỏa thuận đột biến với 32 triệu cổ phiếu được sang tay tại mức giá 24,000 đồng/cp. Đây là rất có thể là giao dịch thâu tóm của KDH.

Về động thái này, một vài chuyên gia kinh tế cho rằng con đường KDH “thâu tóm” BCI đang diễn ra nhanh hơn các dự báo trước đây. Bởi việc KDH trở thành cổ đông lớn của BCI trong bối cảnh 3 cổ đông lớn trước đó gồm Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Tp.HCM (HFIC), Red River Holding và nhóm Dragon Capital lần lượt thoái vốn (nhóm liên quan đến Dragon Capital vẫn còn giữ một tỷ lệ nhỏ).

Điều này có thể là chiến lược của KDH biến BCI thành một công ty thành viên, hoặc thành một công ty con. Động thái quan trọng nữa đó là đại hội cổ đông bất thường diễn ra cuối tháng 11 vừa qua, BCI đã thông qua nghị quyết bổ sung bà Nguyễn Thị Dịu Phương vào hội đồng quản trị để thay thế các thành viên từ nhiệm. Đáng chú ý là bà Nguyễn Thị Dịu Phương đang là thành viên HĐQT của KDH, đồng thời là Giám đốc đầu tư của Quỹ VinaCapital.

Theo ông Trần Ngọc Henri, Chủ tịch HĐTQ BCI, 9 tháng qua hoạt động kinh doanh đạt được khá khả quan, lợi nhuận sau thuế đạt 160 tỷ đồng. Kỳ vọng sẽ có bước phát triển đột phá khi có sự tham gia của KDH.

Theo giới phân tích, điểm tích cực của BCI là quỹ đất lớn với tổng diện tich đất đã đền bù 367ha trên tổng số 667ha toàn danh mục dự án. Nguồn thu từ dịch vụ KCN và khoản đầu tư Big C mang dòng tiền đều đặn hằng năm cho công ty. Công ty này đang có kế hoạch đầu tư lớn trong năm 2016 với 2 dự án quy mô tới 400ha ở Bình Chánh.

Trước đây, tháng 4/2015 tại ĐHCĐ của KDH ông Lý Điền Sơn Chủ tịch HĐQT KDH cho rằng công ty này đang nghiên cứu tìm kiếm những dự án chung cư có sẵn quỹ đất để phát triển các căn hộ có diện tích từ 50m2 với mức giá dự kiến từ 1 - 1,5 tỷ đồng.

Hiện tượng M&A trong năm 2015?

Vậy, việc KDH liên tiếp nâng trần sở hữu cổ phần trong công ty BCI có phải đang thực hiện mục tiêu chiến lược mở rộng quỹ đất về hướng Tây Nam của Tp.HCM? Được biết, khu vực này đang được thành phố tập trung quy hoạch và phát triển hệ thống giao thông quy mô lớn, đang trở thành một khu Đông thứ hai từ nay đến năm 2020.

Theo chuyên gia kinh tế - TS. Lê Bá Chí Nhân, việc một doanh nghiệp nhanh chân nắm quyền chi phối một doanh nghiệp khác có nhiều lợi thế về quỹ đất trong bối cảnh thị trường BĐS đang lên là điều dễ hiểu. Bởi vì, BCI đang nắm trong tay một quỹ đất sạch có thể triển khai được dự án ngay mà không phải thực hiện nhiều thủ tục pháp lý quan trọng.

“Tuy nhiên, chúng ta phải nhận biết rằng dòng tiền của KDH hiện nay như thế nào để có đủ khả năng thâu tóm hàng triệu cổ phiếu này. Đó là tiền huy động từ cổ đông hay vay ở các tổ chức tín dụng”, TS. Nhân đặt vấn đề.

Theo kế hoạch kinh doanh trong năm 2015 của KDH, năm nay doanh nghiệp này dự kiến đạt doanh thu 1.400 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 200 tỷ đồng. Dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 15%. Kế hoạch doanh thu, lợi nhuận trong năm 2015 của KDH chủ yếu đến từ việc bán các căn biệt thự, nhà liên kế của 4 dự án bao gồm phần còn lại của dự án Mega Ruby, dự án Mega Village, dự án Mega Garden và dự án Quốc tế.

Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2015, tính đến ngày 30/9/2015, lợi nhuận sau thuế của KDH đạt gần 70 tỷ đồng. Song song đó, cũng trong thời điểm này, lượng hàng tồn kho từ các dự án đã và đang triển khai của KDH đang ở mức khá cao. Theo đó, hàng tồn kho của KDH tiếp tục tăng thêm gần 1.200 tỷ đồng, lên con số 3.260 tỷ đồng. Trong đó, phát sinh mới ở một số dự án như Bình Trưng hơn 202 tỷ đồng, Không gian xanh - Phú Hữu (Lucasta) 602 tỷ và nhà phố 210 tỷ...


Nguồn: Báo cáo tài chính quý 3/2015 của KDH

Nguồn: Báo cáo tài chính quý 3/2015 của KDH

Cũng theo báo cáo tài chính trên, tính đến hết tháng 9/2015, công ty KDH đã đầu tư vào BCI với số tiền gần 378 tỷ đồng. Đến nay, KDH đã vay từ 4 ngân hàng thương mại lớn với số tiền trên 2 nghìn tỷ đồng để tài trợ vốn cho trên 10 dự án BĐS hiện hữu. Đó là chưa tính đến con số nợ vay từ các tổ chức tài chính khác.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay đang xuất hiện một hiện tượng là có rất nhiều công ty BĐS mua khống cổ phiếu từ các đơn vị khác bằng cách đi vay. Tuy nhiên, các con số nằm trên giấy tờ rất nhiều, và đây có thể xem là một hành động mang tính cách đầu cơ nhiều hơn là đầu tư và mua thực sự.

Còn chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển khẳng định rằng: “Mua tới trên 57% đúng là câu chuyện mua bán và sáp nhập (M&A) rồi chứ không còn con đường nào khác. Với vị thế của KDH hiện nay, sẽ có nhiều cổ đông lớn tiếp tục rót vốn để công ty này thực hiện nốt phần thâu tóm BCI còn lại. Hoặc KDH sẽ có nhiều cách thức huy động vốn để mua BCI, chứ không chỉ phụ thuộc vào dòng tiền bán hàng, mà không tạo ra một cú sốc nào trên thị trường”.

Cũng theo phân tích của vị chuyên gia kinh tế này, đã có nhiều cổ đông lớn của BCI một thời gian khá dài phải thoái vốn, đặc biệt nhóm Trầm Bê cũng dần thu hẹp phần sở hữu của mình, do vậy việc KDH “nhảy” vào dựa trên những lợi thế về quỹ đất của BCI là chuyện đương nhiên. “Đây có thể được xem là hiện tượng cá lớn nuốt cá bé”, ông Hiển nói.

Gia Khang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên