MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đà Nẵng: Dành đất thu hút đầu tư, xây dựng đề án "Năm Văn hóa-Văn minh đô thị"

10-12-2014 - 15:22 PM | Bất động sản

Chiều 9/12, HĐND thành phố chia thành 3 tổ đại biểu để thảo luận về kết quả thực hiện kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015. Tham dự thảo luận tổ có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện.

Rà soát dành quỹ đất cho thu hút đầu tư

Nhiều đại biểu (ĐB) HĐND thành phố đánh giá cao nỗ lực của UBND thành phố trong thực hiện và hoàn thành Nghị quyết của HĐND thành phố về phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh. Dư luận cử tri thành phố rất phấn khởi, tin tưởng và đồng thuận với kết quả đạt được trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.

ĐB Trần Văn Lĩnh đánh giá cao những việc đã làm được trong “Năm Doanh nghiệp 2014” song mọi việc mới chỉ soạn ra. Việc thực hiện chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn phải tiếp tục lâu dài. ĐB nhận định kinh tế thành phố phát triển ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ rõ nét nhưng ở mảng công nghiệp thì chưa.

Chính phủ đã quy hoạch Đà Nẵng là một trong 6 trung tâm lớn về nghề cá trong cả nước. Thế nhưng quỹ đất quanh khu vực Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang đang bị xén dần, bố trí cho dự án khác và không còn đất cho phát triển công nghiệp dịch vụ thủy sản. “Vậy thành phố có chấp nhận quy hoạch phát triển nghề cá của Chính phủ không?”, ĐB Lĩnh đặt câu hỏi.

Các khu công nghiệp (KCN) của thành phố đã lấp đầy, dự án KCN công nghệ thông tin và Khu Công nghệ cao triển khai rất chậm. Dự án KCN vừa và nhỏ được HĐND thành phố đặt vấn đề qua 3 kỳ họp đến nay vẫn chưa tìm thấy đất. Thiếu đất đang là vấn đề khó cho thu hút doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghiệp đầu tư tạo ra giá trị lớn cho nguồn thu ngân sách của thành phố. Do đó thành phố cần có giải pháp chuẩn bị đất để thu hút doanh nghiệp.

ĐB Phan Thị Thúy Linh nhận định thu hút FDI của thành phố những năm gần đây giảm sút có phần nguyên nhân không bố trí được đất cho nhà đầu tư. Trong khi đó việc thu hồi các khu đất vàng trong trung tâm thành phố cũng như ở các dự án không triển khai hoặc chậm triển khai không thực hiện được do nhà đầu tư không cam kết rõ ràng.

Để giải quyết vấn đề này, UBND thành phố cần rà soát và yêu cầu các nhà đầu tư có cam kết thời hạn cụ thể việc triển khai dự án. Nếu không thực hiện đúng cam kết phải thu hồi theo đúng quy định tại Luật Đất đai 2013.

Theo ĐB Lê Văn Quang, thành phố đã phát triển tốt về cảng biển với năng lực ngày càng cao, tuy nhiên phát triển hệ thống kho bãi lại hạn chế. Nếu cảng tăng năng lực tiếp nhận hàng lên 9 triệu tấn/năm sẽ không có nơi chứa hàng. Cần phải quy hoạch đồng bộ phát triển năng lực cảng biển với dịch vụ kho vận.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố Lâm Quang Minh giải thích việc thu hút đầu tư FDI giảm một phần do thành phố có chủ trương chọn lựa những dự án không gây ô nhiễm môi trường. Trong năm thành phố đã từ chối một số dự án như thế này. Theo ĐB Nguyễn Đức Trị, năm 2015, ASEAN chính thức trở thành thị trường chung, vì vậy thành phố cần duy trì hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và có những giải pháp cụ thể chống hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ. Thành phố cần hết sức cảnh giác khi giao đất, giao rừng cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Đề cập đến vấn đề xây dựng nông thôn mới, nhiều ý kiến của tổ đại biểu HĐND thành phố đơn vị Hòa Vang đề nghị sớm đưa nước sạch đến các xã vùng cao, vùng sâu; đồng thời tăng cường công tác quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản. ĐB Cao Thị Huyền Trân đề nghị thành phố sớm bổ sung ngân sách để Hòa Vang hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới theo đúng lộ trình đề ra.

Phải có giải pháp dứt điểm ngập úng, ô nhiễm môi trường

Đề cập đến việc xử lý các điểm ngập úng trong thành phố, các ĐB cho rằng UBND thành phố chưa có giải pháp căn cơ xử lý dứt điểm. Phần lớn vẫn là giải pháp tạm thời như nạo vét, đặt máy bơm khi trời mưa. Các công trình xử lý ngập úng mới ở khâu chuẩn bị đầu tư.

Các điểm nóng về môi trường như sông Phú Lộc, âu thuyền Thọ Quang cần có giải pháp công nghệ mới xử lý dứt điểm. Cần phải quan tâm đầu tư và nói rõ cho cử tri biết sẽ có giải pháp căn cơ xử lý dứt điểm. ĐB Đặng Công Thắng đề nghị di dời 32 hộ dân trong khu vực Nghĩa trang Hòa Sơn đi nơi khác để đảm bảo môi trường sống.

ĐB Nguyễn Quốc Bình bức xúc vấn đề làm cầu tàu tại Trạm kiểm soát biên phòng Mân Quang phục vụ ngư dân làm thủ tục hành chính ra vào cảng đề cập từ năm 2012 nhưng đến nay thành phố chưa đầu tư làm. Vì không có cầu tàu, thành phố phải bỏ ngân sách 65 triệu đồng/tháng thuê sà-lan làm cầu tàu. Với số tiền này chỉ 5 năm là đủ tiền xây cầu tàu. Đây là một trường hợp nhiêu khê về thủ tục hành chính.

ĐB Nguyễn Thị Phượng đề nghị thành phố xử lý những người vi phạm trong việc chậm bố trí đất tái định cư cho người dân trong thời gian qua và cần triển khai hội nghị tổng kết về quy hoạch để đúc rút kinh nghiệm cho nhiệm kỳ tới.

Đề cập đến việc tỉnh Thừa Thiên-Huế dừng dự án trên đèo Hải Vân, các ĐB đề nghị HĐND thành phố cần đưa vào nghị quyết kỳ họp này nội dung đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội giải quyết phân chia rõ ràng địa giới hành chính giữa hai địa phương, tránh xảy ra việc tương tự.

Phải có đề án “Năm Văn hóa-Văn minh đô thị”

Đề cập đến chủ đề năm 2015 là “Năm Văn hóa-Văn minh đô thị” (VHVMĐT), nhiều ĐB cùng chung đề nghị phải có đề án cụ thể, chương trình với những nội dung công việc cụ thể cần phải làm trong năm. ĐB Mai Đức Lộc đề nghị UBND thành phố sớm khẩn trương xây dựng đề cương “Năm Văn hóa-Văn minh đô thị” và có lộ trình, mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2015.

ĐB Nguyễn Đăng Hải nêu tình trạng “lạm phát” danh hiệu gia đình văn hóa nhưng không thực chất. Do đó có thể đưa việc bình xét danh hiệu này thực chất hơn trong Năm VHVMĐT. Tương tự là việc xây dựng tuyến đường văn minh đô thị quá nhiều nhưng không thực chất. Chỉ cần xây dựng đường Bạch Đằng theo tiêu chí này và có chế tài phạt nặng hành vi phản văn hóa tại đây.

ĐB Kiều Văn Toàn đề nghị chuyển đổi trụ sở UBND phường Hải Châu 1 để xây dựng thiết chế văn hóa liên hoàn với đình làng Hải Châu ở khu vực này. Do thiếu đất để xây dựng các thiết chế văn hóa phường nên trong thời gian tới sẽ có thể xây dựng Trung tâm văn hóa thể thao liên phường.

ĐB Lê Thị Như Hồng đề nghị xây dựng thiết chế văn hóa và xây dựng nguồn lực cho đội ngũ văn nghệ sĩ, cán bộ văn hóa.

Thành phố đã kêu gọi nhà đầu tư xây dựng đài hỏa táng An Phước Viên với tổng giá trị đầu tư hơn 30 tỷ đồng nhưng rất ít người sử dụng dịch vụ này. Trong khi đó thành phố lại cho mở rộng nghĩa trang. Cần phải có biện pháp tuyên truyền người dân sử dụng dịch vụ này, ĐB Hải đề nghị.

ĐB Đặng Thị Kim Liên đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa tại các KCN Hòa Cầm, KCN Đà Nẵng. ĐB Ngô Thị Kim Yến đề nghị thành phố bố trí chi cho y tế dự phòng vì hiện nay mới ưu tiên chi cho giường bệnh.

Theo ĐB  Huỳnh Thị Tam Thanh, các ngành chức năng cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, để bảo đảm chất lượng, nhất là nguồn thực phẩm cung cấp cho các trường học bán trú. Một số ĐB khác đề nghị sớm đầu tư xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo ở các KCN. Thành phố cần phải có chính sách ưu đãi về đất, vay vốn… cho các dự án này và hỗ trợ thêm cho giáo viên, con em người lao động.

Nội dung thảo luận của các tổ ĐB được tổng hợp và đưa ra phiên thảo luận tại hội trường sáng hôm nay (10-12).

Tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng lần đầu về đích sau 2 năm

Theo Sơn Trung - Đoàn Lương - Trọng Hùng

huongtt

Báo Đà Nẵng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên