MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng trăm tỉ đồng phí bảo trì chung cư Keangnam: “Bắc thang lên hỏi ông Trời!”

11-12-2015 - 16:34 PM | Bất động sản

Hàng nghìn hộ dân ở Hà Nội đang bị các chủ đầu tư (CĐT) chiếm dụng trái phép quỹ bảo trì chung cư, số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng, trong đó cuộc đấu tranh đòi phí bảo trì tại chung cư 72 tầng Keangnam (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang nổi lên như một vụ điển hình.

Đáng nói là tuy Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 99 đã quy định cụ thể thẩm quyền của UBND cấp tỉnh giải quyết các tranh chấp, song khi xảy ra tranh chấp, địa phương vẫn nói chưa đủ hành lang pháp lý và chờ... thông tư hướng dẫn.

5 năm đòi phí bảo trì

Chung cư Keangnam xây dựng từ năm 2008 - 2011 được đưa vào sử dụng, với 922 căn hộ cao cấp, giá bán trung bình 60 triệu đồng/m2 nên quỹ bảo trì chung cư Keangnam theo ước tính của BQT khoảng 160 tỉ đồng (chưa tính lãi suất ngân hàng), trong khi phía chủ đầu tư Keangnam thông báo là 125 tỉ đồng. Sau hàng chục văn bản qua lại giữa Ban quản trị (BQT) Keangnam, UBND quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội và CĐT là Cty TNHH MTV Keangnam Vina (gọi tắt Keangnam Vina) thì đến nay vẫn đi vào bế tắc.

Đỉnh điểm cuộc đấu tranh của hàng trăm cư dân chung cư Keangnam vào ngày 8.5, BQT cư dân Keangnam cũng đã gửi “đơn kêu cứu” lần thứ nhất tới Thủ tướng về khoản phí bảo trì lên tới 160 tỉ đồng. Ngày 29.5, UBND quận Nam Từ Liêm đã có văn bản số 652/UBND-QLĐT yêu cầu Cty Keangnam Vina bàn giao kinh phí bảo trì 2% của tòa nhà theo đúng quy định trước ngày 10.6.2015. Đồng thời giao Công an quận Nam Từ Liêm thực hiện điều tra, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm về pháp luật của CĐT trong chiếm dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư Keangnam (nếu có).

Đến ngày 11.6, Cty Keangnam Vina đã gửi BQT văn bản cam kết sẽ trả số tiền bảo trì theo tiến độ mỗi tháng 20 tỉ đồng bắt đầu từ tháng 7.2015, và đồng ý thực hiện kiểm toán để xác minh tổng số tiền quỹ bảo trì. Tuy nhiên, trao đổi với Lao Động. Ngày 9.12, ông Phạm Văn Công - Thường trực BQT chung cư Keangnam cho biết: “Đến nay, ngoài 2 tỉ đồng duy nhất được CĐT chuyển giao theo văn bản cam kết vào đồng tài khoản giữa BQT và đại diện Cty Keangnam Vina vào ngày 12.6, BQT không nhận được thêm bất cứ khoản tiền nào của quỹ bảo trì!”.

TP. Hà Nội chờ...

Trao đổi với Lao Động về các chủ đầu tư trây ỳ hằng năm trời không chịu trả phí bảo trì, ông Nguyễn Chí Dũng - Phó GĐ Sở Xây dựng TP. Hà Nội (đơn vị được UBND TP. Hà Nội giao giải quyết tranh chấp phí bảo trì tại chung cư Keangnam) - cho rằng, việc giải quyết tranh chấp phí bảo trì rất phức tạp. Ông Dũng nêu quá trình trước đây Luật Nhà ở 2005 quy định phí bảo trì CĐT phải trả về cho cư dân nhưng không nêu rõ thời gian cụ thể khi nào CĐT phải hoàn trả. Ngoài ra, Luật Nhà ở 2005 cũng không nêu rõ chế tài nếu CĐT trây ỳ không chịu trả thì giải quyết thế nào.

Đến Luật Nhà ở 2014 chi tiết hơn khi quy định rất rõ CĐT phải bàn giao quỹ bảo trì sau khi BQT nhà chung cư được thành lập. Và tiếp đến Nghị định 99 quy định rõ hơn: Trường hợp quá thời hạn quy định mà CĐT vẫn không thực hiện bàn giao kinh phí thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho BQT và gửi quyết định này cho CĐT, BQT và tổ chức tín dụng nơi CĐT mở tài khoản. “Việc cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư được thực hiện trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định cưỡng chế”.

Nhìn nhận mặt tích cực của Luật Nhà ở 2014, Nghị định 99 có chế tài cụ thể là cưỡng chế CĐT tuy nhiên đến nay sau gần một năm Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, Sở Xây dựng không trình UBND TP. Hà Nội ra quyết định cưỡng chế phí bảo trì của Cty Keangnam Vina, ông Dũng cho rằng vẫn phải chờ hướng dẫn thực hiện Nghị định 99 của Bộ Xây dựng. “Sắp tới có thông tư hướng dẫn sẽ lập kế hoạch cưỡng chế tất cả CĐT trây ỳ phí bảo trì chung cư toàn TP. Hà Nội, trong đó có chung cư Keangnam. Bước đầu tiên cho cư dân và CĐT hòa giải một tháng. Nếu một tháng không hòa giải được sẽ cưỡng chế”, ông Dũng nói.

Theo THÔNG CHÍ

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên